Xuất khẩu gạo Việt Nam: Tìm cách giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc

PHƯƠNG DUY| 30/06/2014 10:09

Trung Quốc vẫn đang là thị trường tiêu thụ gạo lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, trước nhiều biến động và rủi ro khi giao hàng cho đối tác Trung Quốc, các công ty lương thực Việt Nam tìm cách giảm bớt phụ thuộc vào thị trường này.

Rủi ro từ thương lái Trung Quốc

Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA) cho biết, thị trường xuất khẩu gạo trong 5 tháng năm 2014 chủ yếu vẫn là Trung Quốc, kế đến là Philippines, châu Phi và Cuba... Việt Nam ở trong trường hợp xuất khẩu giảm nhưng giá ổn định do xuất khẩu biên giới Trung Quốc tăng làm nguồn cung hạn chế. Các nhà xuất khẩu gạo Việt Nam đang “khó xử” vì bán giá cao để bảo đảm hiệu quả thì không có người mua, nhưng bán giá thấp để giữ thị trường sẽ bị lỗ, trong khi xuất khẩu biên giới chỉ hạn chế ở một số đối tượng thích hợp và thực chất giống như cung cấp nội địa không thu ngoại tệ. Một cán bộ Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho rằng, bán gạo cho Trung Quốc dù có chính ngạch ký hợp đồng hay tiểu ngạch cũng nhiều rủi ro như nhau... Khi đặt hàng họ chuyển 20% cọc, khi giao hàng thì họ lợi dụng những quy tắc vận chuyển hay nhiều lý do khác nhau kéo dài thời gian thanh toán đến khi hàng rời khỏi cảng. Thực tế đã có doanh nghiệp bị “quỵt nợ” cả trăm ngàn USD vì bán cho thương nhân Trung Quốc.

Trong 6 tháng cuối năm, dự báo tình hình có nhiều biến động. Yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến thị trường gạo hiện nay đến từ Thái Lan, sau khi đảo chính, nước này tạm ngưng cung cấp gạo tồn kho để chờ kiểm kê, đây là một khoảng trống trên thị trường. Ấn Độ dự báo lượng mưa sắp đến dưới mức trung bình và đến muộn, ảnh hưởng đến sản lượng vụ chính nước này. Nguồn cung cấp sẽ hạn chế và với việc chuẩn bị công bố nâng giá hỗ trợ tối thiểu, giá sẽ tăng và xuất khẩu gạo Ấn Độ sẽ thiếu cạnh tranh so với Thái Lan và Việt Nam.

Tìm đối tác mới

Ưu điểm duy nhất của xuất khẩu biên giới Trung Quốc là giải quyết tạm thời đầu ra và giữ giá lúa gạo ổn định cho nông dân. Tình hình này dự kiến sẽ kéo dài, trừ khi có sự kiện đặc biệt hoặc đến khi Thái Lan giải quyết hết tồn kho và trở lại xuất khẩu gạo giá cao. Riêng gạo thơm, gạo đặc sản Việt Nam còn duy trì và phát triển thị phần vì giá thấp hơn gạo Thái. Vì vậy, việc chuyển đổi cơ cấu giống gạo cao cấp có khả năng cạnh tranh với gạo Thái là một yêu cầu rất quan trọng.

Ông Huỳnh Thế Năng, tổng giám đốc Tổng công ty lương thực miền Nam (Vinafood 2) cho biết, Vinafood 2 tăng cường tiếp xúc, chào hàng nhiều đối tác, trong đó có nhiều nước từng nhập khẩu gạo lớn của Việt Nam như Philippines, Malaysia, Indonesia, Bangladesh... và họ đã quay lại gạo Việt Nam. Vinafood 2 vừa ký hợp đồng xuất khẩu 200.000 tấn gạo loại 5% tấm sang Malaysia với giá khoảng 410 USD/tấn. Về lâu dài, Vinafood 2 sẽ liên kết với nông dân, tổ chức theo chuỗi giá trị ngành hàng, nhất là xây dựng mô hình liên kết với nông dân làm cánh đồng lớn thông qua các công ty lương thực. Vinafood 2 là nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, bây giờ gắn với sản xuất gạo theo yêu cầu thị trường thì góp phần giải quyết khó khăn cho đầu ra.

Hiện có 7 đơn vị thuộc Vinafood 2 đăng ký làm cánh đồng lớn đến năm 2020 với diện tích 100.000 ha, mục tiêu hướng đến 800.000 ha. Vinafood 2 “bắt tay” với Công ty CP BVTV An Giang (có thế mạnh nhà xưởng, kho chứa, liên kết với nông dân) cùng làm cánh đồng lớn. Các công ty có thế mạnh đầu vào như Công ty CP BVTV An Giang sẽ cùng nhau xây dựng nguồn nguyên liệu đầu vào thật tốt, Vinafood 2 có kinh nghiệm xuất khẩu gạo, có thị trường nên liên kết sẽ có nhiều thuận lợi, tránh việc đầu tư lãng phí theo kiểu “nạnh ai nấy làm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu gạo Việt Nam: Tìm cách giảm phụ thuộc thị trường Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO