Xuất khẩu cá cảnh Việt Nam: Bao giờ cho tới... 50 triệu đô!

03/08/2007 10:49

Cùng với Nam Mỹ và châu Phi, Việt Nam là một trong ba khu vực có cá cảnh đẹp nhất thế giới. Chương trình phát triển cá cảnh quốc gia đặt mục tiêu đến năm 2010 kim ngạch xuất khẩu cá cảnh đạt 50 triệu USD, trong khi đó hiện nay, khu vực kinh doanh cá cảnh năng động nhất nước là TP.HCM chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh cả nước cũng chỉ mới đạt kim ngạch 5 triệu USD. Làm gì để những con cá cảnh của Việt Nam “đẻ ra vàng”?

Với diện tích chưa bằng 3 huyện ngoại thành TP. Hồ Chí Minh, nguồn nước ngọt khan hiếm nhưng đảo quốc Singapore xuất khẩu cá cảnh lớn nhất thế giới, đạt 400 triệu USD/năm. Trong khi đó, TP.HCM có rất nhiều lợi thế, tiềm năng, đồng thời sở hữu những loài cá đẹp nhất thế giới và cá cảnh lại được quy hoạch trong “chương trình nông nghiệp trọng điểm” của thành phố, nhưng đến nay chỉ mới xuất khẩu khoảng 5 triệu USD. Nguyên nhân vì sao cá cảnh chưa thể vươn lên vị trí xứng đáng?

Nhìn người mà nghĩ đến ta

Sau khi gia nhập WTO, chính phủ Thái Lan bỏ hẳn trợ giá nông sản (bao gồm cả hoa, cây kiểng, cá cảnh) nhưng để phát triển thế mạnh này, chính phủ đã giao nhiệm vụ cho các viện, trường nghiên cứu giống, kỹ thuật nuôi đạt chất lượng cao rồi chuyển giao lại cho nông dân. Toàn bộ chi phí nghiên cứu, đào tạo và hướng dẫn đều do nhà nước hỗ trợ. Hiện Thái Lan xuất khẩu cá cảnh đạt 50 triệu USD mỗi năm và đang tăng tốc. Malaysia không thỏa mãn với doanh thu 70 triệu USD từ xuất khẩu cá cảnh, nên đã giao cho các cơ quan nghiên cứu tìm cách tăng đàn cá cảnh từ 500 triệu con lên 1 tỷ con, đẩy mạnh xuất khẩu lên 200 triệu con, đạt 220 triệu USD vào năm 2010. Với bề dày thành tích, Singapore ngoài việc mua và bán lại (nhập từ Malaysia rồi tái xuất), hiện tại các trại cá ở đây chỉ sản xuất loại cá giá trị cao như cá dĩa để bán. Indonesia, Philippines, Hồng Kông phát triển rất mạnh ngành kinh doanh cá cảnh.

Chủ tịch Hội cá cảnh TP.HCM, ông Nguyễn Văn Lãng, cho biết nghề cá cảnh Việt Nam tuy không hẳn sinh sau đẻ muộn nhưng phải chấp nhận thực tế còn thua xa các nước về mọi mặt. Lực lượng nghệ nhân cá cảnh của Việt Nam rất dồi dào, điều kiện thuận lợi, sở hữu cá đẹp được thế giới công nhận. Ngay như con cá dĩa đoạt giải nhất vừa qua tại triển lãm cá cảnh quốc tế Singapore được giới quan sát nhìn nhận là từ Việt Nam hoặc nguồn gốc từ Việt Nam. Đợt dự thi này, bộ phận vận chuyển hàng hóa của hãng hàng không Singapore Airlines “làm khó” nên những con cá dĩa đẹp nhất dự thi đã “chết oan” trước lúc tranh tài. Đoàn cá cảnh thành phố chỉ đoạt giải ba với chú cá mang đi triển lãm.

UBND TP.HCM đã có chủ trương xây dựng chương trình mục tiêu phát triển hoa, cây kiểng, cá cảnh đến năm 2010, thuộc chương trình nông nghiệp trọng điểm của thành phố. Quyết định số 4954/QĐ - UBND ban hành ngày 26 tháng 9 năm 2005, cho phép thành lập Hội cá cảnh TP. Hồ Chí Minh. Ngay lập tức có hàng trăm người gia nhập, đến nay có đến 1.200 hội viên. Phong trào nuôi cá cảnh của TP.HCM phát triển rất mạnh với số lượng cá cảnh sản xuất, xuất khẩu và tiêu thụ đến khoảng 40 triệu con/năm, doanh thu hàng chục tỷ đồng và xuất khẩu 4 - 5 triệu USD, chiếm hơn 50% tổng kim ngạch xuất khẩu cá cảnh của cả nước. Thế nhưng kết quả này chưa xứng tầm với tiềm năng vốn có, thực tế dù đã tháo gỡ ít nhiều những vướng mắc nhưng vẫn còn nhiều rào cản.

Người nuôi cá sợ rào cản vô hình

Doanh số bán lẻ cá cảnh hàng năm trên thế giới đến 7 tỷ USD, Việt Nam là một trong ba khu vực có nguồn cá cảnh đẹp nhất trên thế giới (Đông Nam Á, Nam Mỹ và châu Phi) nhưng kim ngạch đạt được quá nhỏ bé. Những nghệ nhân nuôi cá cảnh rất hăm hở nhưng cũng không khỏi đau đầu và trăn trở, vì nhiều lúc cả người và cá luôn bị “hành” đến mệt mỏi. Trải qua một lần mua cá đẹp từ nước ngoài về làm giống, một nghệ nhân tỏ vẻ ngao ngán. Cá rồng vốn chỉ được mua bán từ thế hệ F2 sau khi được CITES công nhận là gây nuôi, do đó để mua được cá, anh V. từ TP.HCM phải bay ra Hà Nội xin phép CITES rồi thông qua cơ quan kiểm dịch, Chi cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Bộ thủy sản... mà mỗi cơ quan chờ duyệt mất đến 2 tuần. Anh V. mất hơn một tháng trời làm thủ tục. Khi có hồ sơ hợp lệ, anh lại tiếp tục chầu chực làm thủ tục hải quan từ 8 giờ sáng đến 11 giờ đêm mới nhận được con cá rồng!

Chúng ta còn nhớ cách đây không lâu dư luận lo lắng khi một loài muỗi lạ (Chironomids) gây hại cho người được lọt qua cửa khẩu không hề bị phát hiện. Vụ việc khiến giới kinh doanh cá cảnh bất bình, vì muỗi gây bệnh lại dễ dàng “lọt lưới” hải quan, trong khi muốn nhập cá cảnh giống, họ phải tuân thủ quy định lấy mẫu kiểm nghiệm bằng cách 10 con “lấy mẫu” 1 con, mà mỗi con cá cảnh nhập về giá cả ngàn đô la. Hội cá cảnh TP.HCM sau đó phải kiến nghị Bộ thủy sản bỏ quy định lấy mẫu này và thay thế bằng kiểm mẫu tại chỗ. Đó là chưa kể quy định giờ giấc nhận hàng ở sân bay quá bó buộc, trong khi cá cảnh không thể bị đối xử như hàng hóa khác.

Hiện tại mỗi năm người nuôi cá cảnh TP.HCM chịu mất từ 2 - 3 triệu USD do không xuất khẩu được cá chép và cá vàng cũng vì không có giấy chứng nhận mà lẽ ra chỉ được làm trong vài giờ. Hơn hai năm qua, những người dân phát triển hai loài cá này “chịu chết”, trong khi Singapore, Thái Lan vẫn xuất khẩu đều đặn cá chép sang EU. Ông Nguyễn Văn Lãng đã liên hệ với phía EU xem thủ tục thế nào thì được trả lời là chỉ cần cơ quan chức năng của Việt Nam cấp chứng thư kiểm duyệt không có virus thì EU chấp nhận. Thế nhưng hiện tại Chi cục quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản TP.HCM chưa xét nghiệm được loại virus này. Còn Cục quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh và thú y thủy sản VN Naviqaved thì cho rằng phải chờ giải quyết đến 2 - 3 năm. Thời gian quá lâu trong khi theo ông Lãng có thể giải quyết ngay trong vài giờ.

Ngành nông nghiệp TP.HCM cùng với Hội cá cảnh Thành phố đã đưa ra ý tưởng “Làng nghề hoa, cá cảnh” với diện tích 30 ha ở huyện Củ Chi để nhân giống cá cảnh và đưa hoạt động chăn nuôi và kinh doanh cá cảnh chuyên nghiệp nhưng đến nay làng nghề vẫn chưa hoạt động. Dù thành phố cố gắng tháo gỡ những khó khăn cho chương trình “hoa, cá, kiểng” nhưng thời gian qua vẫn chưa chuyển biến nhanh chóng. Do đó dự án phát triển nuôi trồng và xuất khẩu cá cảnh, hoa cảnh đến năm 2010 mà thành phố phê duyệt, trong đó xuất khẩu cá cảnh mục tiêu đạt 10 triệu USD và doanh thu mua bán cá cảnh đạt hàng chục tỷ đồng vào năm 2010 khó thành hiện thực./.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuất khẩu cá cảnh Việt Nam: Bao giờ cho tới... 50 triệu đô!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO