Xuân sớm trên phố núi cao...

25/01/2008 17:07

Đã qua rồi những năm tháng khó khăn - cái rẫy chưa bung, cái bụng chưa no, cái lo vẫn đầy... Đời sống đồng bào vùng cao đã và đang nhìn về tương lai với nhiều tín hiệu lạc quan. Trước thềm xuân mới, chúng tôi ngược dòng lên phố núi đang đón xuân từ rất sớm...

Đèo heo hút gió

Vào đến thành phố Pleiku khi phố đã lên đèn, bỏ lại phía sau ánh đèn đường ngọn tỏ ngọn lu, chúng tôi tức tốc “đổ” tuyến Mang Yang để về An Khê trong cuộc hành trình tốc hành hơn 500 cây số.

Bên vách núi bên vực sâu, Mang Yang ngoằn ngoèo uốn lượn trong đêm tĩnh mịch dần lộ diện đúng nghĩa một tuyến đèo heo hút gió. Một người dân tộc đang cô đơn độc mã đèo theo xe một chú heo và huýt gió một giai điệu Tây Nguyên!

Y’Đào - chàng trai người dân tộc - nhiệt tình chỉ đường: “Còn xa nhiều lắm, cứ đổ đèo Mang Yang theo đường 19, rẽ tay phải thì về An Khê, rẽ tay trái đi về Kontum, còn chạy không kỹ lao thẳng thì… xuống cái rẫy !”.

- Đồng bào lúc này làm rẫy có tốt không?

- Tốt! Tốt nhiều lắm, năm nay Giàng (trời) cho được cái mùa, còn cán bộ giúp cái giống, cái bò, cái nước, cái thuốc…

- Y’Đào đi đâu đấy?

- Tao chở heo về cho nó làm lễ mơt brưh boxát (lễ bỏ mả của người Bana)

Thì ra tranh thủ lúc nông nhàn, anh chàng người Bana còn ra sức “kinh tế phụ” bằng vận chuyển hàng hóa kiếm thêm thu nhập. Chúng tôi rẽ về An Khê, không quên ghi lại trong nhật ký: “Đèo heo hút gió 2 trong 1!”.

Đưa khoa học phổ thông lên nương rẫy

Ông Ngô Bá Sơn, phó giám đốc Sở công nghiệp Gia Lai, nói: “Đưa khoa học phổ thông, khoa học ứng dụng lên nương rẫy là hướng đi đúng đắn nhất giúp bà con vùng cao canh tác có hiệu quả. Thực hiện quyết định số 75/QĐ-SCN về hỗ trợ tưới tiêu cho đồng bào vùng đồi dốc chưa có lưới điện, chúng tôi đã quyết định chọn sản phẩm bơm nước bằng xe gắn máy của Công ty TNHH Khánh Sơn. Nếu đạt hiệu quả cao, mô hình sẽ được nhân rộng…”. Bà Nguyễn Thị Hồng Minh, phó chủ tịch UBND thị xã An Khê, cũng không giấu niềm phấn khởi: “Với 60 hộ mới được hỗ trợ máy bơm nước, chúng tôi hy vọng người dân tộc Bana vùng sâu vùng xa uống nước Sông Ba có thêm điều kiện phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo”.

Tận mắt chứng kiến sự nhiệt tình hăm hở của đồng bào dân tộc ở xã Tú An tìm hiểu kỹ thuật bơm nước bằng xe gắn máy, mới thấy chủ trương chính sách hỗ trợ dân nghèo ý nghĩa biết bao. Có cái nước cho cái rẫy cái ruộng, cái ruộng cho nhiều nhiều cái lúa… hết cái nghèo rồi Giàng ơi!”. M’Diêu vỡ òa lên trong niềm vui sướng.

Chúng tôi thăm dò:

- Hết cái nghèo, có cái giàu cho cái tiền, mua… cái rượu?

- Cái rượu vui cái bụng, nhưng tốn cái tiền, không uống nhiều nữa đâu…

K’Bang - bảng lảng mờ sương gió vương đại ngàn

Rời thị xã An Khê, chúng tôi tiếp tục hành trình xuống huyện “chân mây” mờ sương lộng gió K’Bang. Phó chủ tịch UBND huyện Võ Văn Phán cho biết: “Sau rất nhiều nỗ lực, các chương trình 304, 135… đã tăng được thu nhập bình quân đầu người từ 5,4 triệu năm 2006 lên 6,3 triệu/đầu người năm 2007 (tăng trưởng 14,27%). Đời sống đồng bào dân tộc những năm gần đây cải thiện đáng kể, nhất là ở xã Kon Pne, nơi có vườn quốc gia Kon Ka Kinh. Tỷ lệ hộ nghèo từ 30,72% giảm xuống còn 25,31%. Đã từng bước cải tạo giống cây trồng và vật nuôi, thường xuyên đưa kiến thức khoa học phổ thông về với ruộng đồng giúp đồng bào vừa tăng thu nhập vừa có được ý thức tích lũy đầu tư nguồn dự trữ, quyết tâm phát triển văn hóa lúa nước, xóa đi tập quán du canh du cư đốt rừng lập rẫy gây tổn hại rừng phòng hộ bấy lâu nay…”.

Đất bazan, người Bana, cây chuối

Trước mênh mông lộng gió đại ngàn phố núi, thật gần gũi biết bao khi nhìn ngắm màu xanh mút mắt của những rặng chuối, cây ăn trái đồng bằng, thường khó cho trái với môi trường lạnh và nhiều gió có lẽ chính là một minh chứng cho việc “người có công đất chẳng phụ”. Tình đất bazan và tấm lòng người Bana đã đem lại những quầy trái chuối (banana) trĩu nặng!

Ông Võ Văn Phán nói: “Dù đã có địa lợi nhân hòa, khó khăn của chúng tôi chính là thiên thời. Thời tiết khắc nghiệt đã lấy đi rất nhiều những thành quả lao động của đồng bào nói chung, đồng bào dân tộc nói riêng: cơn bão năm 2007 vừa qua đã làm mất trắng gần 2.000 ha nương rẫy đang mùa thu hoạch. Chính vì vậy ngoài cây công nghiệp chủ lực là cà phê, chúng tôi còn đầu tư cho các giống cây công nghiệp ngắn ngày, dài ngày khác: 150 - 200 triệu đồng để trồng giống chuối thích nghi điều kiện môi trường rừng núi, 150 - 200 triệu đồng trồng tre lấy măng...”. Cả năm tổng diện tích gieo trồng đạt 28.883,8 ha (vượt 5,6% kế hoạch và tăng 8,6% so với năm trước), tổng sản lượng lương thực đạt 56.053 tấn (bình quân 909,2 kg/người/năm).

Vẫn biết đất Tây Nguyên cũng còn đó muôn vàn khó khăn: đầu năm nắng hạn - cuối năm mưa bão, nhưng với tất cả những gì ghi nhận, chúng tôi cảm nhận được một mùa xuân an lành thịnh vượng đang đến với đồng bào vùng cao. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xuân sớm trên phố núi cao...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO