Xóa đói giảm nghèo: Hãy bắt đầu từ “xóa đói thông tin”!

12/01/2007 23:29

Trong báo cáo Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ 2006, Liên hiệp quốc đã đánh giá cao thành tích của Việt Nam trong công tác xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, khi áp dụng chuẩn nghèo mới vào đầu năm 2006 thì tỷ lệ hộ nghèo đã tăng từ 7% lên khoảng 22% với trên 4,6 triệu hộ. Như vậy, theo kế hoạch đến 2010, để Việt Nam ra khỏi tình trạng một nước kém phát triển, mỗi năm phải phấn đấu giảm từ 2 - 3% số hộ nghèo. Riêng với các hộ đã thoát nghèo, việc chống tái nghèo cũng là vấn đề cần quan tâm. Từ đó câu hỏi đặt ra là làm sao để người dân không những có thể thoát khỏi đói nghèo mà còn vươn lên khá, giàu. Câu trả lời là hãy bắt đầu từ việc “xóa đói thông tin”.

Tại sao lại bắt đầu từ thông tin?

Hiện nay, những hộ nghèo đã có thể dễ dàng tiếp cận được nguồn vốn vay từ Ngân hàng chính sách - xã hội, Ngân hàng nông nghiệp & PTNT... với lãi suất ưu đãi. Tuy nhiên, việc sử dụng nguồn vốn đó sao cho có hiệu quả cũng là cả một vấn đề vì trong thực tế có những hộ sử dụng số tiền vay được không đúng mục đích dẫn đến việc nợ nần chồng chất phải cầm cố hoặc bán cả tài sản. Rốt cục, nghèo vẫn hoàn nghèo. Điều này có nhiều nguyên nhân như không có kế hoạch sản xuất cụ thể, hiệu quả; sự giám sát của ngân hàng và chính quyền địa phương đối với vốn vay chưa chặt chẽ; người dân còn tâm lý ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với hộ nghèo... và còn một nguyên nhân khác cũng rất quan trọng: đó là người dân thiếu thông tin.

Thông tin ở đây được hiểu là những thông tin có liên quan mật thiết đến đời sống của nhân dân như: thông tin về chính sách pháp luật, các thủ tục hành chính; về các định hướng phát triển kinh tế, các chương trình hỗ trợ của nhà nước và địa phương; về những tiến bộ khoa học kỹ thuật và kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi; các kiến thức chăm sóc sức khỏe gia đình; về giáo dục, đào tạo nghề và cơ hội việc làm,v.v...

Nếu người dân dễ dàng tiếp cận với những nguồn thông tin đó họ sẽ được hỗ trợ rất nhiều khi quyết định chọn cho mình một kế hoạch phát triển sản xuất kinh tế hiệu quả, bền vững từ nguồn vốn được vay; giúp họ có cơ hội tìm việc làm, tránh được những rủi ro cũng như ít tốn thời gian, tiền bạc cho những việc không đáng có. Ngoài ra, nó cũng giúp cho các cấp chính quyền trong việc hoạch định phương hướng phát triển kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ quản lý khác tại địa phương mình.

Tại sao người dân thiếu thông tin?

Thật ra những nguồn thông tin này hiện nay không thiếu. Nó có rất nhiều trên các phương tiện truyền thông đại chúng như sách, báo, tạp chí, các chương trình phát thanh truyền hình và đặc biệt là trên Internet. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân mà người dân ở khu vực nông thôn nhất là những hộ nghèo vẫn chưa thể tiếp cận và khai thác các nguồn thông tin trong khi nhu cầu của họ là rất lớn. Từ thực tế đó, việc xây dựng một mô hình “khuyến tin” hiệu quả nhằm cung cấp cho người dân những thông tin như đã nói ở trên là rất cần thiết.

Bắt đầu từ điểm bưu điện văn hóa xã

Hiện nay, các xã ở khu vực nông thôn thuộc ĐBSCL đều có điểm bưu điện văn hóa xã (VHX). Các điểm này có tủ sách, báo phục vụ người dân và được cập nhật thường xuyên. Một số điểm còn trang bị máy vi tính phục vụ truy cập Internet. Tuy nhiên, do chủng loại sách báo kém phong phú nên chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Với những điểm có cung cấp Internet thì chỉ có 1 máy tính cài phần mềm Linux và kết nối Internet bằng modem quay số nên còn nhiều hạn chế, có nơi nhân viên trực cũng chưa sử dụng thành thạo. Vì vậy có rất ít người đến truy cập. Hơn nữa, do mỗi xã chỉ có 1 điểm bưu điện VHX với diện tích nhỏ nên người dân đến đây chủ yếu để gọi điện thoại còn các hoạt động thuộc lĩnh vực văn hóa vẫn chưa thể phát huy.

Do đó, để các điểm bưu điện VHX thật sự phát huy hiệu quả hoạt động đúng như tên gọi cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa doanh nghiệp với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền phổ biến đến người dân; chủng loại sách báo phải phong phú, cập nhật thường xuyên và đáp ứng được nhu cầu thông tin của nhân dân.

Đến xã hội hóa cung cấp thông tin

Các quán cà phê ở nông thôn rất đông khách vào mỗi buổi sáng. Người dân đến đây không chỉ để uống cà phê mà có thể trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau. Vì vậy, đây cũng là nơi lý tưởng để lập các điểm cung cấp thông tin. Ở các điểm này có thể trang bị các loại báo chí chuyên đề nông nghiệp và các báo địa phương.

Một địa điểm lý tưởng khác là các cửa hàng vật tư nông nghiệp, thú y hoặc các điểm bán cây và con giống. Các điểm này chịu trách nhiệm cung cấp cho người dân những thông tin KH-KT thuộc lĩnh vực kinh doanh của mình. Việc này còn góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của chính họ.

Trong vài năm gần đây, dịch vụ truy cập Internet ở khu vực nông thôn cũng phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, người dân vẫn còn xa lạ với kênh thông tin mới và hiệu quả này. Với Internet, người dân có thể tìm thấy tất cả các loại thông tin kể các thông tin thuộc lĩnh vực nông nghiệp, sức khỏe... Vì vậy, Nhà nước cần phải có những giải pháp cụ thể, hiệu quả để người dân có thể tiếp cận và khai thác thông tin trên Internet.

Và vai trò quan trọng của nhà nước và chính quyền địa phương

Chính quyền và các tổ chức xã hội tại địa phương như Hội nông dân, Hội phụ nữ... trong vai trò quản lý, vạch kế hoạch, định hướng phát triển kinh tế - xã hội càng cần phải nhận thức rõ tầm quan trọng và lợi ích của thông tin đối với người dân và chính mình trong quá trình thực thi nhiệm vụ. Từ đó có những hành động và chính sách thiết thực nhằm khuyến khích phát triển các mô hình cung cấp thông tin cho nhân dân.

Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cũng phải cung cấp đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các thông tin về hoạt động của mình cho nhân dân, thực hiện đúng chủ trương “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”.

Một tin vui là dự án “Triển khai xây dựng và vận hành thí điểm trung tâm thông tin nông thôn” tại 13 xã thuộc 10 tỉnh, thành phố do Bộ NN&PTNT và Chương trình phát triển Liên hiệp quốc (UNDP) tại Việt Nam ký kết vào ngày 9/11/2006 với tổng kinh phí là 500.000 USD, trong đó UNDP hỗ trợ 400.000 USD, số còn lại là vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Đây là đề án cung cấp và trao đổi các dịch vụ thông tin liên quan đến sản xuất nông nghiệp và thị trường nhằm giúp nông dân nâng cao hiểu biết, tăng thu nhập. Theo đó, các xã nằm trong dự án sẽ được trang bị máy tính, hệ thống mạng nội bộ, máy in, máy ảnh kỹ thuật số và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn trực tiếp trong quá trình khai thác thông tin. Bộ NN&PTNT cho biết, dự án này mở đầu cho việc đầu tư mạng thông tin nông thôn trên khắp cả nước mà Chính phủ sẽ thực hiện tới đây. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xóa đói giảm nghèo: Hãy bắt đầu từ “xóa đói thông tin”!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO