Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển hợp tác xã kiểu mới

Như Ngọc| 26/10/2018 08:26

KHPTO - Trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế thị trường và nhất là Việt Nam đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), với sự cạnh tranh ngày một gay gắt thì vai trò của hợp tác trong sản xuất kinh doanh ngày một quan trọng. Tuân theo quy luật thị trường, hình thức hợp tác sản xuất đã trở nên khá phổ biến và có những đóng góp tích cực trong sản xuất nông nghiệp và trong xây dựng nông thôn mới, đó là hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN) và tổ hợp tác (THT).

Hợp tác phát huy sức mạnh tập thể

Quá trình phát triển HTXNN ở nước ta là hướng đi bền vững và lâu dài, trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng nó luôn là nội dung mang tính chiến lược trong phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Không chỉ vậy, HTXNN là môi trường nhằm để hợp tác phát huy sức mạnh tập thể, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả, nhất là trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế như ngày nay. Hợp tác xã nông nghiệp càng phát huy vai trò quan trọng là chiếc cầu nối, là tổ chức trung gian giữa người nông dân với công ty, doanh nghiệp và nhà nước.

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, qua 5 năm (2012-2017) thực hiện đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức kinh tế hợp tác trong nông nghiệp theo Luật hợp tác xã năm 2012 đến nay toàn tỉnh có 1 liên hiệp HTX; tổng số HTXNN là: 135 HTX tổng số thành viên là 3.404, tổng vốn điều lệ đăng ký là 53.849 triệu đồng. Trong đó có 116/136 liên hiệp HTX và HTX nông nghiệp được xếp loại. Xếp loại tốt: 44 HTX, chiếm 37,93%; loại khá: 61 HTX, chiếm 52,59%; loại trung bình: 11 HTX, chiếm 9,48% và không có HTX yếu kém.

Quá trình triển khai thực hiện, thông qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn về Luật HTX, các văn bản hướng dẫn thực hiện và qua cuộc thi tìm hiểu Luật HTX, mô hình HTX kiểu mới đã mang lại nhận thức đúng đắn hơn cho cán bộ, đảng viên, thành viên và người dân, về vị trí, vai trò của HTX kiểu mới; bước đầu đã tạo nên sự chuyển biến trong củng cố, xây dựng HTX kiểu mới theo chuỗi giá trị gia tăng, sản phẩm hàng hóa chủ lực quy mô lớn có sức lan tỏa và an toàn vệ sinh thực phẩm…

Song song bên cạch đó, hình thức tổ chức sản xuất còn là một trong những tiêu chí quan trọng trong thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Để xây dựng nông thôn mới thì đối với xã đó phải có tổ hợp tác hoặc hợp tác xã hoạt động hiệu quả. Đây vừa là công cụ hỗ trợ nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn vừa góp phần tạo điều kiện phát huy nội lực rất hiệu quả trong sự nghiệp xây dựng nông thôn mới cả nước nói chung và tỉnh Hậu  Giang nói riêng. Nếu hợp tác xã phát triển đúng hướng sẽ là một yếu tố và động lực quan trọng góp phần tạo nền tảng để thúc đẩy xây dựng nông thôn mới.

Thực tế cho thấy các hợp tác xã thuộc 23 xã được tỉnh Hậu Giang công nhận đạt chuẩn nông thôn mới đều hoạt động có hiệu quả. Đặc biệt những năm gần đây, gắn với chương trình tái cơ cấu nông nghiệp, HTX đã có nhiều cố gắng trong việc điều hành sản xuất, kinh doanh, phần nào đã tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho các thành viên và nông dân, ngày càng khẳng định được vị thế trên thị trường. Điều này được thể hiện thông qua các HTX đạt chứng nhận tiêu chuẩn an toàn (HTX Chanh không hạt Châu Thành, HTX Cam Sành Ngã Bảy, HTX Cam Xoàn Phương Phú, HTX Mãn Cầu Sim Hòa Mỹ…).

Điển hình HTX Thạnh Phước là một trong những HTX kinh doanh có hiệu quả nhiều năm qua. Nhờ mạnh dạng thay đổi cơ cấu cây trồng và tham gia vào HTX mà Ông Bùi Sưng, đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Là một trong những thành viên HTX nông nghiệp Thạnh Phước, huyện Châu Thành, Hậu Giang chủ vườn chanh không hạt rộng 6000 m2 với 450 cây đang cho trái mỗi năm, cây chanh không hạt đem lại cho gia đình ông Sưng khoảng 400.000 triệu đồng, cao hơn nhiều so với thu nhập từ lúa và một số cây ăn trái như xoài, nhãn...

Hợp tác xã Thạnh Phước hiện có 84 hộ trồng chanh với 74 ha, trong đó 7 ha đạt tiêu chuẩn VietGAP, 3 ha trồng theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Sản phẩm được hợp tác xã thu mua, đồng thời Cục sở hữu trí tuệ, Bộ khoa học và công nghệ cấp chứng nhận nhãn hiệu tập thể “chanh không hạt Hậu Giang” cho Hợp tác xã Thạnh Phước vào năm 2013, tuy không đẩy giá lên, nhưng đã giúp sản phẩm có uy tín hơn, mở rộng thị trường. Hiện mỗi ngày, hợp tác xã cung cấp 5-7 tấn chanh cho các chợ đầu mối, siêu thị, nhà hàng ở TPHCM. Sản phẩm cũng đã được bán sang Trung Đông, Singapore, Thái Lan. Những tháng thấp điểm, hợp tác xã xuất 20 tấn chanh, vào đợt cao điểm lên tới 50 tấn, đây là một trong những điển hình HTX làm ăn có hiệu quả nổi bật trong tỉnh.

Để tạo điều kiện thuận lợi để các sản phẩm của các HTX ngày càng được khẳng định vị thế của mình không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ngoài nước, các HTX đã không ngừng ứng dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, hạn chế sử dụng thuốc BVTV nhằm tạo ra những sản phẩm thân thiện với môi trường. Qua đó, hạn chế đến mức thấp nhất ô nhiễm góp phần thực hiện tiêu chí môi trường. Ngoài ra, các hợp tác xã đã phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi cách nghĩ, cách làm cho người dân, ứng dụng có hiệu quả tiến bộ khoa học kỹ thuật, nâng cao hiệu quả sản xuất, tìm kiếm thị trường đầu ra, tiêu thụ sản phẩm cho thành viên và nông dân.

Điều đó thể hiện trong những năm gần đây các hợp tác xã đã mạnh dạng đẩy mạnh chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các hộ, đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao năng suất vật nuôi, cây trồng đáp ứng nhu cầu thị trường, tăng doanh thu cho HTX và người dân, nâng thu nhập bình quân đầu người của tỉnh Hậu Giang lên 34,2 triệu/người/năm tăng hơn ba lần so với năm 2011. Ngoài thu nhập của người dân tăng, các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả còn góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo ở địa phương. Qua đó, góp phần thực hiện tiêu chí số thu nhập và tiêu chí số hộ nghèo.

Các hợp tác xã hoạt động có hiệu quả còn có thể tích lũy để đầu tư cơ sở hạ tầng ở nông thôn, làm thay đổi diện cơ bản mạo nông thôn theo hướng tích cực. Tuy còn ở mức độ khác nhau nhưng các hợp tác xã đã chủ động vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho thành viên và người dân, khẳng định vai trò, vị thế và sự phát triển của các hợp tác xã.

Nhiều chính sách rất phù hợp được ban hành nhưng không có nguồn lực tài chính để hỗ trợ, thực hiện

Theo UBND tỉnh Hậu Giang, bên cạnh những tiến bộ và sự thay đổi nhiều mặt trong phát triển kinh tế sản xuất thì còn gặp không ít những khó khăn bất cập như: trong chính sách hỗ trợ về nguồn lực về tài chính hỗ trợ phát triển cho các HTX vẫn còn một số cơ chế, chính sách đã ban hành chất lượng chưa cao, trong khi nhiều chính sách rất phù hợp đã được ban hành nhưng không có nguồn lực tài chính để hỗ trợ, thực hiện.

Sự phân công nhiệm vụ quản lý nhà nước về HTX giữa các cơ quan, ban, ngành (cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã) chưa thật sự rõ ràng, vẫn còn xảy ra tình trạng chồng chéo giữa các cơ quan. Việc giám sát, kiểm tra và xử lý những sai phạm trong việc thực hiện Luật HTX (ví dụ như vấn đề không tổ chức đại hội thành viên hàng năm, các HTX đã ngừng hoạt động trên 1 năm không giải thể...).

Từng lúc từng nơi vai trò chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước cấp tỉnh về HTX như: Sở kế hoạch và đầu tư, Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, Liên minh HTX thể hiện còn chưa rõ ràng. Cùng với đó thì năng lực và kinh nghiệm của bộ máy quản lý nhà nước về HTX chưa đáp ứng yêu cầu; nhận thức của một số cấp ủy đảng, chính quyền ở các sở, ban, ngành, địa phương và một số cán bộ, nhân dân về tầm quan trọng, vai trò và vị trí HTX nông nghiệp chưa cao. Trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chuyên trách quản lý nhà nước về KTTT chưa đáp ứng được yêu cầu dẫn đến năng lực quản lý tổ chức hoạt động còn nhiều hạn chế. Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước và các chuyên gia tư vấn hỗ trợ phát triển kinh tế hợp tác, HTX vừa thiếu, vừa yếu.

Tuy nhiên, đối với HTX, hạn chế lớn nhất là không có trụ sở làm việc, nếu có thì mượn nhà của thành viên hội đồng quản trị hoặc mượn nhà thông tin ấp, khu vực, đây cũng là trong những thách thức của các hợp tác nông nghiệp hiện nay.

Ngoài ra, các mặt hàng nông sản của HTX làm ra đã được cải thiện đảm bảo chất lượng và ổn định về số lượng nhưng việc áp dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ vào sản xuất nông nghiệp nhưng còn hạn chế như diện tích sản xuất nhỏ lẻ, manh mún chưa đáp ứng quy mô theo quy trình VietGAP, GlobalGAP trên cây trồng, vật nuôi còn rất ít, số lượng HTX xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa chưa nhiều, hầu hết các sản phẩm của HTX chưa được đóng gói, bao bì… Đa phần HTX chưa tự tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm chủ lực của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển hợp tác xã kiểu mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO