Vĩnh cửu - Nét duyên góa phụ

D.V| 20/09/2016 08:59

Tiểu thuyết “Nét duyên góa phụ” (bản gốc L’élégance des veuves) dài chỉ hơn 100 trang, qua đó, nhà văn Alice Ferney đã kể lại một trong những chu kỳ bất biến của cuộc sống. Kết hôn, sinh con rồi chết đi. Thời gian cứ thế trôi, điểm nhịp cho nó là những lần sinh và những cái chết, khi nhu cầu được truyền lại dòng dõi chiến thắng nỗi tuyệt vọng vì mất đi một người thân yêu. Một sợi dây ham muốn vắt từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Chu kỳ bất biến ấy bắt đầu với cô gái xinh xắn Valentine, đã quyết định kết hôn với chàng trai Jules khi tuổi đời còn rất trẻ, chỉ vừa tròn đôi mươi. Và kết thúc ở 100 năm sau, cô cháu gái của bà đến từ Paris đang bách bộ trên một cây cầu nhỏ... Và cuộc đi bộ ấy đã kết thúc bằng một định mệnh kỳ lạ khi cô gật đầu đồng ý đám cưới với chàng trai mà cô phải lòng. Đan xen giữa hai thế kỷ đó là những biến động về tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng, tình mẫu tử... của 3 người phụ nữ trong thời chiến, vượt qua nghịch cảnh và quả cảm để đối mặt với những sóng gió của cuộc đời.

Với “Nét duyên góa phụ”, Alice Ferney đã mô tả thế giới nữ giới của những năm đầu thế kỷ 20. Trong thế giới này, phụ nữ lao vào tình yêu đôi lứa, sinh con, đối mặt với chiến tranh và sự bất lực trước cái chết của những người thân yêu, chồng hay con cái của họ, và sau đó chết đi trong đau đớn, trong sự cô đơn của tuổi già. Với lối viết vô cùng đặc biệt, khi thì trôi chảy, dài dòng tựa như hơi thở, khi thì chính xác, thậm chí gai góc, cuốn tiểu thuyết là một lời ngợi ca cuộc sống và thiên chức làm mẹ thiêng liêng của người phụ nữ.

Đạo diễn người Pháp gốc Việt Trần Anh Hùng tìm thấy sự đồng cảm ở sự bất biến của tình yêu đôi lứa, của tình mẫu tử thiêng liêng, của kiếp luân hồi trong tiểu thuyết của Alice Ferney nên đã theo đuổi việc mua bản quyền, chuyển thể thành phim một thời gian. Và anh đã giới thiệu bộ phim thứ 6 trong sự nghiệp của mình với tên gọi “Vĩnh cửu” đến khán giả Pháp và Việt Nam trong tuần đầu tiên của tháng 9.

Nếu bản dịch của tiểu thuyết chỉ dài 134 trang thì kịch bản phim chỉ vỏn vẹn 75 trang được thể hiện trên màn ảnh 115 phút. Có lẽ vì thoại phim không nhiều, lời dẫn truyện ngoài hình (do chính giám đốc mỹ thuật Trần Nữ Yên Khê, vợ của đạo diễn đọc) cùng âm nhạc đã giúp độc giả Việt Nam có cơ hội đọc bản dịch tiểu thuyết đồng thời “thưởng thức” kịch bản của phim trong cùng một cuốn sách. Trước “Vĩnh cửu - Nét duyên góa phụ”, tại Việt Nam chưa từng có sự song hành nào về điện ảnh - văn học như thế. Điều này tạo điều kiện cho khán giả được tiếp cận cùng một nội dung, nhân vật nhưng ở hai thể loại khác nhau, được dịp tự kiểm chứng khả năng tưởng tượng, quan sát, phân tích tác phẩm ngay khi đọc văn, xem phim.

Sẽ có khán giả thích tiểu thuyết bởi những thăng trầm cuộc đời của 3 nhân vật nữ được hiện lên rõ nét, sâu đậm hơn là qua những thước phim đẹp như tranh, như thơ đã bị triệt tiêu tất cả những kịch tính, tác động mạnh mẽ của thế giới bên ngoài, chỉ còn lại thế giới bên trong dinh thự, nơi những người phụ nữ mở rộng vòng tay ôm lấy những đứa con, yêu thương chồng mình. Ngược lại, sẽ có khán giả thích góc nhìn được tính toán, sắp đặt kỹ lưỡng đến từng milimet của đạo diễn để tạo nên ý vị, triết lý của riêng anh: tất cả đều phải trôi qua với thời gian, hai thế chiến cũng trôi qua, nỗi đau cũng trôi qua, niềm vui của kiếp nhân sinh cũng sẽ trôi qua, không có gì phải nói đến...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vĩnh cửu - Nét duyên góa phụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO