Vì sao cá chình đồng loạt “dậy” thoát khỏi ao nuôi ở Cà Mau?

30/11/2007 09:12

Đã hai tuần trôi qua nhưng người dân ở xã Tân Thành, TP. Cà Mau vẫn “ám ảnh” bởi đêm 6/11/2007, khi trên 1.000 hộ tham gia nuôi cá chình đã cùng tận mắt chứng kiến cảnh kỳ lạ chưa từng có từ trước đến nay: từng đàn cá chình dựng cao đầu tìm mọi cách thoát ra khỏi ao nuôi gấp gáp ngay trong đêm, chúng cố vươn mình nhảy, trèo ra khỏi bờ ao bất chấp rào cản. Con lớn đâm đầu vào lưới đến rách toạc chui ra ngoài bằng được. Chỉ trong một đêm, tất cả diễn ra nhanh chóng và đồng loạt nên người dân không thể “trở tay” kịp nữa, đành bó gối chấp nhận, ước tính thất thoát trên 27 tỷ đồng. Nhiều người dân sau đó hoang mang cho rằng đây là điềm không tốt, hiện tượng “cá dậy”… Phóng viên báo KHPT đã tìm hiểu vấn đề này.

Vì sao cá tháo chạy đồng loạt trong đêm?

TS. Nguyễn Tuần (Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 2, Bộ NN&PTNT) khẳng định, đây không phải là hiện tượng bất thường, kỳ lạ như bà con nghĩ,đây chỉ là biểu hiện đặc tính bình thường của giống cá chình. Hiện tượng cá chình đồng loạt tháo chạy khỏi ao nuôi là do các yếu tố sau: Thứ nhất là do đặc tính của loài. Cá chình là loài cá có chu kỳ di cư (đến 5 - 6 ngàn hải lý) khi đến thời kỳ trưởng thành. Đàn cá chình ở Cà Mau trong giai đoạn thành thục (sắp thu hoạch) nên đến kỳ di cư về biển. Thứ hai là do thời tiết. Từ đầu tháng 11, thời tiết bắt đầu trở lạnh, kết hợp với trời mưa (cá chình có mưa là tìm chỗ đi). Hai yếu tố thời tiết này đã kích thích sự di cư của những lứa cá thành thục.

Hiện tượng này có lẽ “lạ” với bà con mới bắt đầu nuôi cá chình, chưa hiểu đặc tính của chúng nên chủ quan trong cách làm bờ bao (thấp, sơ sài). Những cơn mưa lớn trước đó cá chưa đi là vì chúng chưa đến giai đoạn đủ lớn. Chúng đi đồng loạt là do người nuôi lấy giống chủ yếu ngoài tự nhiên nên chúng sẽ cùng độ tuổi (có thể cùng bố mẹ), có cùng đặc điểm sinh lý nên chúng thoát ra ngoài cùng thời điểm trên. TS. Nguyễn Tuần lưu ý rằng, cá chình thành thục hay tìm về hạ nguồn. Bà con đừng nhầm tưởng cá chình có hình dáng giống con lươn nên không thể vượt rào, thực tế loài cá này có khả năng trèo lên cả thác núi dốc đứng. Ở các nước có nuôi cá chình, người ta phải xây ao bê tông cao hoặc nuôi cả trong nhà kín. Do đó bà con nuôi cá chình rút kinh nghiệm từ bài học này để tránh những thiệt hại trong nuôi trồng thủy sản.

Trao đổi với chúng tôi, TS. Phạm Văn Khánh, giám đốc Trung tâm nghiên cứu thủy sản ĐBSCL cho rằng, đây không phải là hiện tượng “cá dậy” (“cá dậy” là hiện tượng cá rộ lên đến hoảng loạn do tiếng động, có khi chúng ọc hết thức ăn ra và hiện tượng này nếu có chỉ diễn ra cục bộ), cũng không phải do thuốc độc. Nếu cá nổi đầu rồi chết mới có thể do độc, còn hiện tượng ở Cà Mau là cá nổi đầu tìm đường di cư.

Hành trình di cư của cá

Chúng tôi cung cấp thêm các thông tin về cá chình, sự di cư của chúng để bạn đọc có thể hiểu thêm về loài cá này. Rất nhiều loài cá trong quá trình phát triển thực hiện hành trình di cư rất dài qua các đại dương, một số loài thậm chí di cư qua lại giữa sông và biển. Tại sao cá di cư, và làm thế nào chúng có thể tự tìm đường? Theo các tài liệu nghiên cứu nước ngoài, cá di cư vào sông và qua biển để đến những vùng dinh dưỡng. Hoặc trong thời kỳ sinh sản, cá lại di cư về các bãi đẻ, vì những chú cá non nhất phải được nở ra trong những vùng nước lặng gió trong vùng hồ hoặc lòng sông. Cá di cư để tìm thức ăn hoặc những địa điểm sinh sản. Rất nhiều cá sống bằng sự phát triển theo mùa của các vi tảo và vi sinh vật. Trong mùa sinh sản, một số loài di cư đến những bãi đẻ để đẻ trứng. Các bãi đẻ ở xa các bãi thức ăn vì cá non có nhu cầu thức ăn khác với cá trưởng thành. Khoảng cách này cũng làm giảm đi nguy cơ cá trưởng thành sẽ ăn chính những con cá non của chúng.

Đối với cá chình, hàng thế kỷ nay, người ta biết rất ít về tập tính sinh sản của loài cá chình châu Âu (European eels). Những con cá chình non bơi ngược dòng sông nơi chúng đang lớn dần lên thành cá trưởng thành. Chúng ăn trong vùng nước ngọt trong vài năm trước khi thành thục sinh dục, và khi đã thành thục rồi chúng bắt đầu bơi xuôi theo dòng sông về biển. Một nghiên cứu đã chứng minh rằng, một khi cá chình rời sông là chúng di cư đến bãi đẻ trứng hoặc sinh sản. Hành trình di cư mang chúng đi xa 3.700 dặm từ bờ biển châu Âu sang biển Sargasso, một vùng nước yên tĩnh ở phía đông bắc các đảo thuộc tây Ấn Độ và các vùng lân cận. Làm thế nào cá chình tìm được đường đến các bãi đẻ vẫn còn là một bí ẩn. Vì loài chim dường như di cư theo từ trường của trái đất, nên một số nhà khoa học cũng tin rằng loài cá chình cũng làm như vậy. Nói cách khác, chúng bị ảnh hưởng mạnh bởi những thay đổi trong nhiệt độ, áp suất, hoặc mùi vị của nước biển, những yếu tố giúp chúng di chuyển.

Cá chình - loài “thuồng luồng” hung dữ

Cá chình không phải là loài cá hiền lành như nhiều người tưởng, chúng từng được mệnh danh là loài “thuồng luồng” ác độc gắn với nhiều huyền thoại trên biển cả. Loài “linh ngư” này hiện vẫn còn nhiều ở vùng biển miền Trung, khu vực Đại Lãnh (Khánh Hòa), Bình Định, nhiều lão ngư từng săn được “thuồng luồng” nặng 20 - 30 kg, dài trên 2 m. Chiến thắng loài “thuồng luồng” không dễ dàng, cá chình rất khỏe mạnh, nọc độc của chúng làm cho máu không thể đông lại được, nếu không biết cách cầm máu (thường ngư dân hay dùng rong biển) khi cá chình tấn công có thể mất máu đến ngất xỉu. Cá sống nước ngọt nhưng khi thành thục di cư ra biển sâu để đẻ, vào tháng 10 - 12 hàng năm, ứng với mùa mưa bão. Thường vào những đêm tối trời, có gió mùa đông bắc kèm theo mưa với tốc độ gió cấp 5 cấp 6 trở lên từng đàn cá chình trong các sông, hồ di cư ra biển. Do đó vào mùa này cũng là mùa săn cá chình ở các tỉnh miền Trung. Nhiều người nuôi cá chình làm kiểng trong hồ kiếng cũng từng chứng kiến cá chình dựng đầu phóng ra ngoài khi thời tiết giao mùa, trở lạnh. O

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vì sao cá chình đồng loạt “dậy” thoát khỏi ao nuôi ở Cà Mau?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO