Vấn nạn nứt sạt nhà xây chen

14/09/2007 16:28

Bạn đang chuẩn bị xây nhà mới, một ngôi nhà nằm chen giữa 2 căn nhà bên cạnh. Nếu không cẩn thận, nhiều hệ lụy sẽ phát sinh từ việc xây chen này. Vấn nạn nứt sạt nhà xây chen xuất phát từ đâu? Làm cách nào để phòng ngừa và khắc phục những sự cố này? Mời bạn tham khảo bài viết của ThS. Trần Tiến Đắc, giảng viên bộ môn công trình thuộc Đại học bách khoa TP.HCM.

Tính chất của nền đất

Một ngôi nhà chừng hai tầng, khoảng cách giữa các cột trung bình 4 m, sẽ truyền xuống mỗi hố móng từ 20 đến 30 tấn. Nền đất khi tiếp nhận tải trọng này không chỉ đơn thuần truyền thẳng xuống dưới, mà còn gây áp lực ra phần đất chung quanh.

Thông thường các vị trí móng của hai nhà lân cận nằm cạnh nhau hoặc rất gần nhau. Khi một nhà đào móng, phần đất mất đi sẽ làm giảm sức chịu tải của lớp đất bên dưới móng có sẵn. Hệ quả là móng cũ ở vị trí đó sẽ bị lún xuống, có thể kèm theo đất bên dưới sẽ bị sạt vào khoảng trống vừa được tạo ra.Ngược lại khi căn nhà mới đã được xây dựng xong, nếu nó quá cao và nặng, sẽ truyền một áp lực lớn hơn nhiều xuống móng, có thể khiến cho móng bên cạnh bị đẩy trồi lên. Sử dụng giải pháp móng hợp lý sẽ loại trừ được hiện tượng này.

Sự cố xảy ra nghiêm trọng đến thế nào, phụ thuộc vào hai yếu tố, quy mô xây dựng của công trình mới và hiện trạng của hai căn nhà cũ ở hai bên (đôi khi, cả hiện trạng của căn nhà cũ thứ ba, quay lưng lại với công trình mới).

Thực ra, còn một yếu tố khác bao trùm cả hai yếu tố trên, đó chính là tính chất của nền đất. Nền đất tốt hơn sẽ làm giảm chi phí đầu tư cho công trình, giảm xác suất xảy ra sự cố, và nếu có xảy ra sự cố cũng giúp hạn chế một phần tầm nghiêm trọng của nó. Đất có khá nhiều loại với tính chất rất phức tạp. Đi sâu xuống lòng đất, có thể có nhiều lớp đất nằm chồng lên nhau. Chiều dày và sức chịu tải của các lớp đất này thường được phân bố không theo một quy luật nào. Bên cạnh đó còn phải kể đến ảnh hưởng của mực nước ngầm lên xuống cũng làm thay đổi trạng thái làm việc của các lớp đất nằm dưới mực nước ngầm. Vì vậy trên nguyên tắc, ở mỗi công trình người ta phải thực hiện ít nhất ba mũi khoan, khoan sâu vài chục mét xuống lòng đất để lấy mẫu đất lên đưa đi thí nghiệm, từ đó có cơ sở lựa chọn phương án móng thích hợp cho công trình.

Tuy nhiên do muốn giảm chi phí, nhiều chủ nhà và nhà thầu thường bỏ qua công tác khoan thăm dò địa chất. Thay vào đó, họ tìm hiểu giải pháp móng của những ngôi nhà lân cận đã được xây dựng trước đó để làm theo, có thể gia giảm chút ít tùy vào mức độ tự tin của gia chủ. Cách thức này, may mắn thay, thường khi cũng có hiệu quả tương đương như phương pháp bài bản. Điều đó dựa trên một thực tế là nền đất tuy thay đổi bất định theo chiều sâu, thường lại phân bố giống nhau trên diện rộng; còn rộng đến đâu, rộng cỡ nào lại là chuyện khác. Các ngôi nhà cất lên, trông hao hao giống nhau, nhưng kỳ thực mỗi công trình đều có đặc thù riêng, nhất là khi nó phải xây chen vào những công trình bên cạnh, vốn cũng chẳng cái nào giống cái nào.

Nguyên nhân trực tiếp lún

Nguyên nhân trực tiếp của hầu hết các sự cố thuộc dạng này, có thể quy về một chữ - lún. Đất sạt cũng đưa đến lún, đất trồi lên cũng do móng bên cạnh lún. Tuy nhiên nếu như tất cả chân cột của toàn bộ công trình cùng lún như nhau, thì vấn đề không quá khó để giải quyết. Trên thực tế, sự lún này lại không đều.

Nếu chỉ có một vị trí lún quá nhiều so với các vị trí khác, nhẹ thì gây xé tường, nặng hơn thì thậm chí gây nứt đà chung quanh vị trí đó. Trường hợp này xảy ra khi đào hố móng không chống vách hoặc chống không đúng kỹ thuật, móng cũ nhà bên cạnh bị sạt đất và lún mạnh. Hoặc đó chính là móng của nhà mới xây xong, do nhà bên cạnh thấp tầng móng thô sơ, áp lực từ nhà mới truyền xuống quá lớn, gây sạt đất sang nhà cũ, và tiếp theo là lún móng của nhà mới. Ở đây tạm gác qua những nguyên nhân nội tại của công trình. Chẳng hạn sự cố nêu trên cũng có thể do chính móng của nhà mới ở vị trí đó không đủ sức chịu tải.

Nếu cả hàng cột dọc nhà bị lún nhiều hơn hàng bên kia, nhà có thể bị nghiêng, đổ. Nếu nhà bị nghiêng là nhà cũ, đó có thể là do công trình mới xây đào sâu hố móng trên một diện rộng (để làm tầng hầm, hoặc sử dụng giải pháp móng là móng bè) và cũng chống vách không tốt. Nếu nhà bị nghiêng là nhà đang xây hoặc vừa mới xây xong, đó có thể là do căn nhà này quá cao so với nhà cũ bên cạnh, và (hoặc) giải pháp móng chưa được tiên liệu tốt.

Trường hợp nhà cũ bên cạnh là nhà cấp 4 tường gạch xây trên nền đất tự nhiên, sự cố nứt nhẹ các vách tường hầu như không thể tránh khỏi. Tuy nhiên nếu xử lý tốt, sau khi nền đất đi vào ổn định với tải trọng của ngôi nhà mới đặt lên, vết nứt sẽ thôi không phát triển nữa. Thời gian này tùy trường hợp, có thể từ 2 - 3 tháng. O

Có hai nhóm giải pháp móng. Các loại móng đơn, móng kép, móng chân vịt, móng băng (băng ngang nhà, băng dọc nhà, băng hai phương), móng bè,... được xếp vào loại móng nông, là nhóm móng truyền tải trực tiếp vào một lớp đất dày và có sức chịu tải tốt ở trên cùng. Nhóm thứ hai là móng sâu, truyền tải xuyên qua nhiều lớp đất sâu hàng chục mét như các loại móng cọc đóng, móng cọc ép, móng cọc khoan nhồi,...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vấn nạn nứt sạt nhà xây chen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO