Ứng phó hạn, mặn trên cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long

N. LAN| 05/03/2020 09:27

KHPTO - Tại tọa đàm “Ứng phó hạn, mặn trên cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, Cục trồng trọt, Viện cây ăn quả miền Nam tổ chức, nhiều chuyên gia nhìn nhận, tình trạng xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng gay gắt hơn, dự báo trong tháng 3, xâm nhập mặn sẽ tiếp tục gây thiệt hại nặng cho ngành nông nghiệp, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.

Tại buổi tọa đàm, các chuyên gia đã giải đáp những thắc mắc và khuyến cáo bà con nông dân nhiều giải pháp ứng phó với hạn, mặn trên cây ăn trái như: giải pháp về giống, sử dụng gốc ghép chống chịu mặn, các giải pháp về kỹ thuật canh tác. Khuyến cáo bà con nên trữ nước ngọt trong các bạt lót, túi nylon, không nên bơm trực tiếp vào vườn vì hiện nay, nguồn nước bên ngoài đã cạn kiệt và bị nhiễm mặn.

TS. Võ Hữu Thoại, phó viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam khuyến cáo: Để tiết kiệm nước trong thời điểm này, bà con nên hạn chế tối đa bón phân hóa học. Không nên chủ quan thấy có nước là bón phân hóa học. Bón phân sẽ làm cây ra tược non, lá non, ra bông ra trái thì cực kỳ nguy hiểm. Vì vậy, bà con nên tưới một lượng nước vừa phải để cây có thể chống chịu được hạn, qua giai đoạn này. Sau đó, khi có nguồn nước đầy đủ thì cho cây phát triển trở lại.

ThS. Kim Văn Tiêu, phó giám đốc Trung tâm khuyến nông quốc gia cho biết: Trung tâm khuyến nông quốc gia đã thực hiện nhiều giải pháp như tuyên truyền cho bà con tác hại và cách ứng phó của xâm nhập mặn thông qua phát 70.000 tờ gấp về “Hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn vùng ĐBSCL”.

“Thông qua tài liệu tuyên truyền khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật canh tác lúa và cây ăn trái trong điều kiện hạn, mặn; sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình...) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc để giữ ẩm cho cây... Đồng thời, phối hợp với các cơ quan truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền thông qua các tọa đàm, thông qua các mô hình ứng phó

với hạn, mặn hiệu quả. Áp dụng phương pháp “nông dân nói cho nông dân nghe”. Đồng thời, đưa bà con tham quan các mô hình hiệu quả. Với phương châm một người làm hiệu quả thì một ngàn người biết và một trăm người làm theo”, ông Tiêu chia sẻ.

Chuyên gia Cục trồng trọt khuyến cáo bà con đối với cây ăn trái, thực hiện đồng bộ các giải pháp:

- Củng cố hệ thống đê bao và bờ quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập; chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình...) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước.

- Không tiến hành rải vụ, trồng mới trong thời gian hạn, mặn xâm nhập nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây.

- Trước khi lấy nước tưới phải kiểm tra độ mặn một cách cẩn thận, tuyệt đối không lấy nước tưới khi nước có độ mặn trên 0,5‰ với các cây sầu riêng, chôm chôm, măng cụt và trên 1‰ đối với các loại cây ăn trái khác.

- Khi đã bịnhiễm mặn: có thể bón bổsung phân sulphate kali, vôi bột lượng 500 - 1.000 kg/ha, phun thêm phân bón lávà chếphẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn; phân vi lượng chứa calci, magnesium, silic giúp tăng khả năng chống chịu hạn, mặn của cây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng phó hạn, mặn trên cây ăn trái vùng đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO