Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn: “Gà - rau trong vườn, cá dưới ao”, kết hợp du lịch trải nghiệm

Hương Cát| 19/10/2022 13:35

Nông trại Tam Nông (Phường Thạnh Xuân, Quận 12, TP.HCM) xuất bán trứng gà, vịt hữu cơ, 50.000 đồng/chục - thức ăn chủ yếu rau củ, ốc, cám… không sử dụng kháng sinh, thuốc tăng trưởng… Sau chuyến trải nghiệm nhà nông, bạn cũng có thể mua thêm con gà mái dầu của nông trại, thời gian nuôi 5 - 7 tháng, thịt dai, ngọt, thơm…

Phát triển nông nghiệp bền vững và khai thác hết giá trị sản phẩm nông nghiệp đang là hướng đi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề ra. Kinh doanh sản phẩm nông nghiệp thông qua gắn kết du lịch sẽ giúp người sản xuất tăng thêm giá trị vườn nhà.

Trải nghiệm “bắt ốc, mò cua” như trong cổ tích

Theo TS. Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng Văn phòng Thường trực tại Nam bộ - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành khuyến nông, ông phát hiện nông nghiệp rất gần gũi với đời sống con người, nhưng dần trở nên xa lạ với những người trẻ tại các thành phố lớn. Mô hình Nông trại kết hợp du lịch có thể vừa sản xuất vừa là nơi dạy cho các bạn trẻ những kĩ năng thực tế về quá trình sản xuất nông nghiệp.

TS. Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng Văn phòng Thường trực tại Nam bộ - Trung tâm Khuyến nông Quốc gia

“Các vườn cây, vườn rau, những trang trại chăn nuôi là nơi diễn ra nhiều hoạt động sản xuất hằng ngày. Chúng ta có thể đến đây để trải nghiệm thực tế thú vị nhất, có thể giúp cho những bài học trên sách vở trở thành hiện thực. Với tốc độ đô thị hóa, hiện đại hóa như hiện nay, thế hệ trẻ vẫn chưa thể hình dung được hết những sản phẩm mình sử dụng mỗi ngày như rau, thịt, cá... được tạo ra như thế nào”, TS. Bắc cho biết.

Du khách có thể trở về với thiên nhiên, trải nghiệm được nhiều công việc của nghề nông chỉ có trong truyện cổ tích như bắt ốc, mò cua, be bờ, bắt cá, trồng rau, nuôi gà, thực hành các môn học như sinh học, nông nghiệp, kỹ thuật công nghệ... Thậm chí, thông qua trang trại, du khách trẻ có thể phân biệt được các quá trình chăm sóc rau, cây, con giống một cách cụ thể nhất.

Nông trại Tam Nông, nhiều năm trước, đã đưa vào thí điểm ứng dụng nhiều kỹ thuật cao trong nông nghiệp như “khu vực chăn nuôi dê, gà, bồ câu, vịt với số lượng không ít nhưng chẳng hề có mùi hôi”. Khu vực chăn nuôi được xây dựng trên nền đệm lót sinh học (rơm, trấu, mùn cưa trộn với men vi sinh) để phân hủy chất thải.

Nhờ đó, chăn nuôi chuồng hở, gần với thiên nhiên, du khách, nhất là trẻ em, có thể vào tận chuồng, sờ tận tay, cho vật nuôi ăn mà không phải lo ngại về vấn đề vệ sinh.

Các vườn cây, vườn rau, những trang trại chăn nuôi là nơi diễn ra nhiều hoạt động sản xuất hằng ngày. Chúng ta có thể đến đây để trải nghiệm thực tế thú vị nhất, đặc biệt là với bọn trẻ.

TS. Bắc cho biết: “Chăn nuôi không mùi hôi là công nghệ được các nhà khoa học Việt Nam nghiên cứu thành công và được Nhà nước công nhận là tiến bộ kỹ thuật mới. Đến nay, nghiên cứu này đã được thương mại hóa với hơn 10 doanh nghiệp tham gia sản xuất chế phẩm làm đệm lót sinh học cung cấp ra thị trường”.

TS. Bắc cho rằng ứng dụng này vẫn còn mới với nhiều người nên cần được phổ biến rộng rãi bởi đây được xem là một cuộc cách mạng trong chăn nuôi vì khắc phục được ô nhiễm.

Nông nghiệp tuần hoàn: Hướng tới phát thải bằng 0

Bên cạnh đó, khái niệm “kinh tế tuần hoàn”, “nông nghiệp tuần hoàn” được nhắc đến nhiều. Ngành nông nghiệp Việt Nam hiện vẫn chưa khai thác hết giá trị kinh tế của một sản phẩm nông nghiệp. Như với hạt cà phê, nông dân và doanh nghiệp chỉ mới khai thác tạo ra sản phẩm cà phê chế biến. Trong khi đó, phụ phẩm như bã cà phê, vỏ cà phê hiện vẫn chưa được khai thác triệt để.

Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn nhằm hướng đến phát thải bằng 0.

Trong khi đó, nhiều quốc gia khác trên thế giới đã đi trước, khai thác toàn bộ sản phẩm chính và phụ của hạt cà phê.

Hơn thế nữa, một thời gian dài, con người đã lạm dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức khiến môi trường bị tàn phá. Thế giới đang phải đối diện với những thách thức rất lớn như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Vì vậy, trong nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp bền vững là một tất yếu.

TS. Bắc giải thích thêm, nông nghiệp tuần hoàn nhằm hướng đến phát thải bằng 0. Không chỉ chất thải chăn nuôi mà rác hữu cơ tại nông trại được mang đi ủ bằng chế phẩm sinh học để tạo thành phân hữu cơ bón cho khu vườn, trong đó có cả rau xanh, cây ăn trái. Trong vườn còn có đàn vịt siêu trứng sử dụng thức ăn chính là ốc bắt trong trang trại... tạo thành vòng nông nghiệp tuần hoàn.

Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn: “Gà - rau trong vườn, cá dưới ao”, kết hợp du lịch trải nghiệm

Bên cạnh đó, các nông dân thời @ còn áp dụng các công nghệ vi sinh trong nông nghiệp được các nhà khoa học nghiên cứu từ các phế thải hữu cơ trong nông nghiệp như phân chuồng, rơm rạ, bã bắp, vỏ cà phê, bánh dầu, phế phụ phẩm trong thủy sản... trộn chung với vi sinh vật giúp chuyển hóa nhanh các chất khó tan thành dạng dễ hấp thu và khử mùi hôi vừa bảo vệ môi trường vừa duy trì nguồn đất khỏe mạnh.

Nông dân Việt Nam hiện có rất nhiều mô hình diện tích lớn, sản xuất lớn, đa dạng sản phẩm. Thông qua kết nối du lịch cộng đồng, khai thác hết toàn bộ giá trị của quá trình sản xuất, ngành nông nghiệp Việt Nam ngày càng phát triển đa dạng, đa năng.

Tại một buổi họp báo công bố Chiến lược Phát triển Nông nghiệp, Nông thôn Bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, nhấn mạnh: “Ngành nông nghiệp sẽ hướng đến nền nông nghiệp xanh, nông nghiệp sinh thái bằng việc áp dụng đồng bộ các quy trình, công nghệ; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư đầu vào cho sản xuất nông nghiệp, sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người. Ngành cũng sẽ hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế nông nghiệp tuần hoàn: “Gà - rau trong vườn, cá dưới ao”, kết hợp du lịch trải nghiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO