Ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân TP.HCM, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân:

Anh Thư| 09/05/2016 09:43

Sẽ tiếp xúc cử tri theo cách của nhà dân tộc học - nhân học (KHPT) PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân cho biết: “Là một nhà dân tộc học, tôi luôn ý thức: mọi thứ đều học từ dân và luôn tuân thủ nguyên tắc “3 cùng”: cùng ăn, cùng ở, cùng làm với cộng đồng cư dân địa phương, nơi nghiên cứu. Đây là điểm mạnh của tôi và ngành dân tộc học - nhân học khi tiếp xúc với người dân; lắng nghe tiếng nói của người dân; đóng vai trò trung gian tham gia giải quyết những vấn đề quan trọng của địa phương (từ thực tiễn, đề xuất chính sách; từ thực tiễn, điều chỉnh các chính sách nếu chưa phù hợp)”.

Muốn có “nghĩa, tình” phải xây dựng nền tảng của văn hóa

Được Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật TP.HCM tín nhiệm giới thiệu ứng cử Hội đồng nhân dân TP.HCM nhiệm kỳ 2016 - 2021, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân cho rằng: “Đây là vinh dự rất lớn cho cá nhân tôi, và các đơn vị nơi tôi đang công tác. Tuy nhiên, nhiệm vụ này cũng rất nặng nề, tôi sẽ nỗ lực, cố gắng hết sức để không phụ lòng tin của đơn vị giới thiệu và cử tri”.

PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân hiện là phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hội dân tộc học - nhân học TP.HCM, phó trưởng khoa nhân học, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia TP.HCM). Khi đưa chương trình hành động cụ thể, nếu được trúng cử vào Hội đồng nhân dân 2016 - 2021, chị nói: “Tôi sẽ góp ý cho lãnh đạo thành phố: sự phát triển của TP.HCM muốn có chữ “nghĩa, tình” phải được xây dựng trên nền tảng của văn hóa; các sản phẩm muốn cạnh tranh được với các nước khác cũng phải dựa vào thế mạnh của địa phương và văn hóa địa phương”.

Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cũng là một trong 7 chương trình đột phá của thành phố trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân cho biết sẽ đề xuất các giải pháp về việc an toàn vệ sinh thực phẩm; tăng khẩu phần ăn hàng ngày, bổ sung sữa cho trẻ ở mầm non và tiểu học để góp phần cải thiện tầm vóc của người Việt Nam; kiến nghị để thành phố nên xây hoặc nâng cấp trường học đạt chuẩn quốc gia ở mỗi quận, góp phần giảm thiểu và tiến tới không còn hiện tượng chạy trường. Có giải pháp về các vấn đề an sinh xã hội, về giáo dục Việt Nam đáp ứng nhu cầu công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước và hội nhập. Vận động các doanh nghiệp Việt Nam và các nước ASEAN cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học; giới thiệu nguồn lao động trẻ mới ra trường hoặc chưa có việc làm với các hội doanh nhân thành viên; phối hợp với các trường đại học, các cơ sở đoàn, các hội doanh nhân xây dựng chương trình khởi nghiệp, tạo nền tảng phát triển đội ngũ trí thức trẻ, doanh nhân trẻ.

Một vấn đề tâm huyết của chị nếu được bầu làm đại biểu Hội đồng nhân dân TP.HCM, là làm cho người dân TP.HCM hiểu hơn về tầm quan trọng của các ngành khoa học xã hội và nhân văn đối với sự phát triển TP.HCM theo hướng văn minh - nghĩa tình. Kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ môi trường thiên nhiên, bảo vệ và xây dựng môi trường đô thị văn hóa - lành mạnh; kiến nghị thành phố từng bước xây dựng chỉ số hạnh phúc cho người dân dựa trên 4 trụ cột: quản trị tốt, bảo tồn môi trường tự nhiên; bảo tồn và phát triển văn hóa; phát triển kinh tế, xã hội bền vững, công bằng.

Là một nhà khoa học nữ, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân cũng có riêng một chương trình hành động để nâng cao vai trò của phụ nữ: “Tôi sẽ có những đóng góp, đề xuất, kiến nghị thiết thực vào các chính sách bình đẳng giới, chống bạo hành gia đình. Có ý kiến về sự cần thiết duy trì bữa cơm gia đình. Vận động tổ chức lễ tôn vinh doanh nhân, nghệ nhân, các nhà khoa học, các nghệ sĩ nữ đang sinh sống, hoạt động nghề nghiệp tại TP.HCM, thay vì chỉ tôn vinh những cuộc thi sắc đẹp thông thường”.

Giúp TP.HCM hội nhập hiệu quả vào cộng đồng ASEAN

Tuy tuổi đời còn trẻ, sinh năm 1973, nhưng PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân được đánh giá là một trong những nhà khoa học hàng đầu, có nhiều nghiên cứu xuất sắc về Đông Nam Á. Chị học tập và nghiên cứu trong lĩnh vực này từ năm 1991, trước thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN. Ngoài việc giảng dạy đại học và sau đại học tại Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, Trường đại học mở TP.HCM, Trường đại học văn hóa TP.HCM, Trường đại học Sài Gòn, Trường đại học an ninh nhân dân TP.HCM, Trường đại học Bà Rịa Vũng Tàu… chị còn tham gia hướng dẫn nhiều sinh viên, học viên cao học, nghiên cứu sinh đoạt các giải thưởng cao ở cấp bộ, thành phố và cấp trường.

PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân với cương vị là chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Đông Nam Á, phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Singapore, phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Thái Lan, phó chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam - Hoa Kỳ, ủy viên Hội đồng tư vấn đối ngoại kiều bào, Mặt trận Tổ quốc TP.HCM, chị đã có rất nhiều hoạt động tích cực trong công tác đối ngoại nhân dân với các nước, đóng góp thiết thực cho việc hiện thực hóa cộng đồng ASEAN. PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân tin rằng, nếu được trúng cử Hội đồng nhân dân TP.HCM, chị sẽ có đóng góp không nhỏ trong việc giúp TP.HCM hội nhập hiệu quả vào cộng đồng ASEAN.

PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân cho biết: “Thông qua “Tuyên bố Kuala Lumpur về ASEAN 2025: Cùng vững vàng tiến bước”, các nước thành viên ASEAN khẳng định quyết tâm triển khai tầm nhìn ASEAN đến năm 2025 một cách hiệu quả và đúng lộ trình nhằm thực hiện nguyện vọng và mong muốn chung của người dân ASEAN, được sống trong một khu vực hòa bình, an ninh, ổn định, tăng trưởng kinh tế bền vững, cùng chia sẻ tiến bộ xã hội và thịnh vượng cũng như cùng thúc đẩy các lợi ích, lý tưởng và hoài bão của ASEAN”.

Về văn hóa, qua nghiên cứu, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân nhận định, văn hóa Đông Nam Á là một quá trình “trầm tích” của các lớp văn hóa (nội sinh, ngoại sinh) tạo thành một tổng thể văn hóa. Văn hóa Đông Nam Á không phải là lớp mới thay thế lớp cũ mà là một quá trình hội tụ, tái tạo năng động, sáng tạo làm thành cốt lõi văn hóa trong lịch sử tồn tại và phát triển. Đó là sự thống nhất của tiến trình phát triển văn hóa Đông Nam Á. Hiện có thể tạm gọi xu thế toàn cầu hóa là sự hội nhập văn hóa Đông - Tây, sự đan xen văn hóa Đông - Tây. Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa không phải là quá trình tương tác một chiều dù là nhìn từ góc độ vĩ mô hay từ góc độ vi mô. Theo đó, văn hóa ASEAN có thể phát huy mặt tích cực trên để phát triển văn hóa của mình. Mặt khác, tích cực sưu tầm, bảo quản những di sản văn hóa truyền thống để phát huy những mặt tích cực, lợi ích của nó cho công cuộc xây dựng kinh tế văn hóa ở mỗi quốc gia Đông Nam Á trong hiện tại và tương lai. Các nước ASEAN từ khi mới thành lập đến nay đã, đang và sẽ tiếp tục vừa hướng ngoại “Cộng đồng ASEAN trong cộng đồng các quốc gia toàn cầu”, vừa hướng nội: đẩy mạnh liên kết hợp tác khu vực tìm “tương đồng trong khác biệt” để cùng phát triển, xây đắp vững bền bản sắc văn hóa khu vực.

Với thành tích giảng dạy và nghiên cứu khoa học xuất sắc của mình, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân đã được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của Bộ giáo dục và đào tạo, UBND TP.HCM, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Liên hiệp các hội hữu nghị Việt Nam, Thành đoàn TP.HCM, Đại học quốc gia TP.HCM…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ứng cử đại biểu hội đồng nhân dân TP.HCM, PGS.TS. Phan Thị Hồng Xuân:
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO