Hồ nước xanh trong tuyệt đẹp ở miền Tây

Thanh Tâm| 30/03/2017 13:44

KHPT- Đó là hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất miền Tây Nam bộ, nằm ở vùng biên giới xa xôi nên ít người biết đến. Một hồ nước trong xanh mát tuyệt đẹp, là nơi thư giãn và khám phá không thể bỏ qua.

Mùa khô, hồ nước vẫn đong đầy, xanh trong mát rượi.Khi lũ tràn về, khắp cánh đồng và nhánh sông chảy vào hồ ngầu đục, chỉ riêng nước mặt hồ vẫn trong xanh, lững lờ. Nơi đây còn là “túi cá đồng” với nhiều loại cá quý hiếm đặc trưng vùng sông nước.  

Búng Bình Thiên mùa khô vẫn đong đầy - Ảnh; T. Tâm

Hồ nước trời còn có tên khác là Búng Bình Thiên trải dài trên địa bàn ba xã Khánh Bình, Khánh An, Nhơn Hội (H.An Phú, An Giang) gần cửa khẩu Khánh Bình. Mùa nước nổi hồ rộng khoảng 900 ha, mùa khô hạn còn 300ha. Tương truyền rằng cách đây khoảng 200 năm, quân Tây Sơn chọn vùng đất này làm nơi đóng quân, mùa khô hiếm nước gây khó khăn sinh hoạt. Viên tướng làm lễ cầu xin rồi rút gươm đâm mạnh xuống lòng đất trũng, lạ thay, mạch nước theo đó mà tuôn tràn đến ngập cả vùng tạo thành hồ nước rộng bao la đến hôm nay. Búng Bình Thiên được lý giải là hồ nước trời phẳng lặng bình yên. Vị phó cả SaLếs kể rằng, Búng Bình Thiên đã cưu mang người dân quanh hồ hàng trăm năm qua, điều kỳ lạ là nước hồ chưa bao giờ đục hay cạn cho dù tháng khô hạn nhất.

Có người kể rằng, nhiều người đánh cá Búng Bình Thiên phát hiện miệng hang rất sâu trong lòng hồ không biết thông về đâu và đến nay vẫn còn là một bí mật. Nơi đây xưa kia thưa vắng bóng người, xung quanh còn rừng cây rậm rạp, người Chăm về đây lập làng, dựng thánh đường nên cuộc sống nhộn nhịp hơn. Vị phó cả làng Chăm nhớ lại, những năm trước giải phóng chỉ có vài mươi hộ dân sống quanh hồ, trồng lúa mùa nổi một vụ, ra hồ đánh bắt cá vài hôm về làm khô, muối mặn ăn cả năm. Cá nhiều vô số kể, cá hô con trên 100kg giỡn nước ầm ầm hàng đêm, có người từng đánh được cá hô khổng lồ đến 150kg. Cá leo, cá lóc bông, cá tra còn vài chục ký, cá duồng nặng trên 1kg, cá linh thì con bằng cườm tay người lớn. Nơi đây từng được xem là “ổ cá”, đôi khi bơi xuồng dạo trên mặt hồ khiến cá giật mình nhảy lên khoan. Mùa nắng gắt, tôm càng xanh dạt quanh mép hồ trẻ em cũng có thể bắt được. Hến, vẹm dưới lòng hồ lớn bằng miệng chén là bình thường. Hồ nước này còn là “mái nhà” của nhiều loài rắn, rùa cũng như chim chóc kéo về sinh sống.

Người Chăm sinh sống quanh hồ từ rất lâu - Ảnh: T. Tâm

Các bô lão quanh vùng rất đổi tự hào khi nói về sự trù phú của Búng Bình Thiên. Họ kể cách đây vài năm, có tay săn cá hô về đây mỗi đêm săn 2 – 3 con loại vài chục ký, bây giờ vẫn còn nhưng cá không lớn. Cá lăng con vài chụ ký không hiếm. Người dân quanh hồ khai thông đường dẫn nước từ lòng hồ vào đồng trũng, đến mùa khai thác bắt cả tấn cá đủ loại. Một người dân sống gần Búng Bình Thiên kể rằng, có người đánh cá trên lòng hồ từng bắt được con tôm có màu vàng rất lạ, sau đó “cầu nguyện” thả trở lại. Điều kỳ lạ mà người dân quanh đây xem hồ nước như nơi “thiêng”, đó là năm 2000 khi trận lũ kinh hoàng đổ về ngập trắng đồng, ngọn nước rất mạnh đổ về Búng Bình Thiên, nhưng lạ thay nước ở đây vẫn trong xanh. Khi gió lớn, nhánh sông xung quanh nổi sóng còn lòng hồ thì phẳng lặng yên bình đến lạ. Nơi giáp nước giữa sông Bình Di và Búng Bình Thiên luôn có ranh nước bên đục bên trong, dòng nước chảy vào búng khoảng 100 m tự dưng không còn ngầu đục.

Trẻ em làng Chăm nô đùa - Ảnh: T. Tâm

Quanh hồ là những ngôi nhà nhỏ đơn sơ, nhà sàn của người Chăm xen lẫn vườn cây và hàng  tre gai già nua nghiên bóng xuống lòng hồ như soi tóc mặt gương. Lũ trâu mùa nước được thảnh thơi trầm mình dưới bóng cây ngắm mặt hồ mênh mông nước. Những thiếu nữ chăm duyên dáng với trang phục lỗng lẫy đi lễ, trùm khăn e thẹn mỗi khi có khách lạ trộm nhìn. Gió mát miên man dù trong cái nắng trưa gay gắt. Nơi đây, cuộc sống còn đậm chất thôn dã, mọi thứ như chậm lại, bình thản và yên bình như mặt nước Búng Bình Thiên.

Yên bình bên Búng Bình Thiên - Ảnh: T.Tâm

Hoàng hôn trên Búng Bình Thiên như bức tranh thủy mạc hữu tình, chái bếp lan tỏa khói tựa sương mờ. Mây kéo về đây thỏa sức chơi trò “tô màu” trên mặt nước, lúc tím thẳm, lúc vàng cam rồi đen huyền xô cả không gian vào đêm tối. Khách nhàn du có thể ở lại đây ngắm cảnh trăng lên lấp loáng mặt hồ. Trong cái se lạnh cuối năm miền biên giới, mặt hồ như cũng muốn níu chân khách đường xa…

Búng Bình Thiên là thắng cảnh của vùng đất ngập nước có độ đa dạng sinh học cao, cách TP. Long Xuyên khoảng 100 km hướng đi cửa khẩu Khánh Bình. Sức hấp dẫn của Búng Bình Thiên được tỉnh An Giang lên kế hoạch phát triển thành khu du lịch văn hóa - sinh thái khu kinh tế cửa khẩu với vốn đầu tư lên đến 1.000 tỷ đồng. Kết quả khảo sát gần đây cho thấy Búng Bình Thiên có 103 loài cá, trong đó có 6 loài quý hiếm có trong sách đỏ Việt Nam là cá còm, cá hô, cá duồng, cá tra dầu, cá chiên nam, cá mang rổ. Quản lý đánh bắt kết hợp bảo tồn là cần thiết, không chỉ bảo tồn đa dạng sinh học Búng Bình Thiên mà còn hệ thống sông MêKông. 

Xem thêm ảnh cuộc sống người Chăm quanh hồ:

Cá bắt trong hồ cung cấp cho người dân - Ảnh: T.tâm

Người Chăm nơi sống chủ yếu bằng nghề trồng trọt, chăn nuôi, đáng cá - Ảnh: T. Tâm

Trẻ em làng Chăm từ nhỏ học ngôn ngữ Chăm - Ảnh: T.tâm

Búng Bình Thiên xanh mát, yên bình - Ảnh: T.Tâm

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồ nước xanh trong tuyệt đẹp ở miền Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO