Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: hướng đến đại học nghiên cứu hàng đầu

Anh Thư| 17/09/2017 14:43

KHPTO - Trải qua 60 năm hình thành và phát triển (1957 - 2017), Trường đại học Văn khoa - Viện đại học Sài Gòn, sau đó là Trường đại học tổng hợp TP.HCM, và hiện nay là Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM (ĐH KHXH&NV) đã trở thành trung tâm đào tạo bậc cử nhân các ngành khoa học xã hội và nhân văn có quy mô lớn, uy tín nhất khu vực phía Nam.

Trung tâm đào tạo, nghiên cứu nguồn nhân lực trình độ cao

Trường đã đạt được nhiều thành quả to lớn, khẳng định được vai trò quan trọng đối với ngành giáo dục, trở thành một trong hai trung tâm đào tạo, nghiên cứu nguồn nhân lực trình độ cao và các sản phẩm khoa học trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, góp phần hoạch định chính sách xã hội và tạo dựng vị thế của khoa học xã hội và nhân văn trong khu vực.

Theo PGS.TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng, nhà trường luôn nỗ lực trong việc giữ gìn và phát huy những giá trị cốt lõi để thực hiện sứ mệnh, hướng đến là đại học nghiên cứu hàng đầu Việt Nam và khu vực Châu Á trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Nhà trường luôn ý thức về vị trí, sứ mệnh trong việc giáo dục, đào tạo và nghiên cứu khoa học gắn với những vấn đề lý luận và thực tiễn của xã hội. Nhiều thành quả nghiên cứu của giảng viên trường đã được công bố chính thức qua các tạp chí, sách giáo khoa, sách tham khảo được xã hội ghi nhận và đánh giá cao. Nhà trường còn là cầu nối và là đối tác học thuật quan trọng để tiếp nhận và áp dụng nhiều khung lý thuyết mới, phương pháp mới, cách tiếp cận mới và góc nhìn mới trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam. Các hoạt động nghiên cứu khoa học từ năm 1975 đến nay tập trung vào các vấn đề thể hiện vai trò then chốt của khoa học xã hội và nhân văn trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Trường là trung tâm đào tạo bậc cử nhân các ngành khoa học xã hội và nhân văn có quy mô lớn, uy tín nhất khu vực phía Nam, đào tạo 54 chương trình giáo dục thuộc 27 ngành đào tạo các hệ chính quy tập trung, văn bằng hai chính quy, liên thông, hoàn thiện đại học, vừa làm vừa học trong 7 lĩnh vực cơ bản: khoa học xã hội và hành vi; khoa học nhân văn; khoa học giáo dục và đào tạo giáo viên; báo chí và thông tin; kinh doanh và quản lý; dịch vụ xã hội; khách sạn, du lịch, thể thao và dịch vụ cá nhân. Trường thu hút trên 20 ngàn sinh viên theo học các hệ nói trên.

Hiện nay, có hơn 300 sinh viên người nước ngoài đang theo học hệ chính quy tập trung tại các khoa Việt Nam học, ngữ văn Anh, quan hệ quốc tế...Nhiều học viên sau đại học là người nước ngoài đang theo học tại khoa Việt Nam học, lịch sử, triết học.

Nhiều đóng góp quan trọng tăng cường tri thức khoa học và phát triển xã hội

PGS.TS Võ Văn Sen cho biết, nhà trường luôn ý thức về vị trí, tầm vóc và sứ mệnh của mình trong giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học, gắn với những vấn đề lý luận và thực tiễn của Việt Nam, thế giới trên lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Đội ngũ cán bộ giảng viên, nhà nghiên cứu của Nhà trường hiện nay có 52 giáo sư và phó giáo sư, 230 tiến sĩ đã và đang tiến hành nhiều công trình nghiên cứu khoa học, đóng góp quan trọng trong việc tăng cường tri thức khoa học và phát triển xã hội, đặc biệt là tại khu vực Nam Bộ. Nhiều thành quả nghiên cứu của giảng viên đã được công bố chính thức qua các tạp chí, sách giáo khoa, sách tham khảo được xã hội đón nhận và đánh giá cao. Thêm vào đó, với nhiều đối tác là các trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới, nhà trường còn là cầu nối và là đối tác học thuật quan trọng để tiếp nhận và áp dụng nhiều khung lý thuyết mới, phương pháp mới, cách tiếp cận mới và góc nhìn mới trong nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn tại Việt Nam.

Với đặc tr­ưng tính đa dạng trong cơ cấu phân ngành, nhà trường đang triển khai công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học trên hầu hết tất cả các bình diện lĩnh vực của khoa học xã hội và nhân văn. Ngoài ra, nhà trường hiện đang có các nhiều phòng nghiên cứu, trung tâm nghiên cứu.

Hiện tại, Nhà trường đang đẩy nhanh các mảng công tác nghiên cứu khoa học như: hoàn thiện cơ cấu, phát triển đội ngũ giảng viên nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học vào đào tạo nhân tài và phục vụ phát triển đất nước; xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh và tăng cường tính liên ngành trong nghiên cứu; phát triển và triển khai thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học các cấp trong nước và quốc tế; tăng cường các sinh hoạt khoa học trong nước và quốc tế nhằm tạo dựng và phát triển năng lực, tư duy và phương pháp nghiên cứu của giảng viên; đẩy mạnh công tác biên tập tạp chí, tập san, chuyên san, sách chuyên khảo và sách tham khảo phục vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học; tăng cư­ờng công tác nghiên cứu khoa học sinh viên và hỗ trợ giảng viên trẻ trong đấu thầu và thực hiện các đề tài, dự án nghiên cứu khoa học; đẩy mạnh công tác truyền bá tri thức và chuyển giao khoa học ra cộng đồng; tăng cường công bố khoa học trên các tạp chí khoa học chuyên ngành trong và ngoài nước (các tạp chí có ISI và ISSN); tăng cường giao lưu học thuật quốc tế, đẩy mạnh chất lượng và hiệu quả nghiên cứu khoa học.

Nhà trường đã và đang chủ trì thực hiện hơn 30 đề tài cấp Đại học quốc gia và các tỉnh thành trở lên, trong đó tiêu biểu là các đề tài: nghiên cứu khoa học xã hội và nhân văn về biển đảo Việt Nam (dự án trọng điểm ĐHQG - HCM); hệ giá trị văn hoá Việt Nam trong giai đoạn mới (đề tài cấp Nhà nước), nghiên cứu phòng chống biến đổi khí hậu (dự án của ĐHQG-HCM)…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM: hướng đến đại học nghiên cứu hàng đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO