Trồng nấm rơm mùa lũ

LÊ HOÀNG VŨ| 23/12/2010 10:01

KHPTO - Sau khi “ăn” vụ lúa hè thu xong, nhiều nông dân ở An Giang không để rơm trở thành rác. Rơm trở thành thứ hái ra tiền bằng cách đem dùng trồng nấm rơm trên những bờ cao thay thế cho làm lúa vụ 3, tạo nguồn thu nhập ổn định trong mùa lũ.

Giá nấm rơm trên địa bàn An Giang luôn đứng ở mức cao, từ 11.000 - 13.000 đồng một ký. Với sức tiêu thụ mạnh của thị trường, giá nấm sẽ còn tiếp tục tăng cho đến thời điểm cuối vụ. Giá năm vừa qua cao gần gấp đôi, từ đó người dân đổ xô mua rơm về chất nấm. Nếu giá nấm 11.000 đ/kg như hiện nay, sau khi trừ các khoản chi phí thì còn lời khoảng 18 triệu đồng một công. Còn anh Nguyễn Văn Khả, ở ấp 5, xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn thì sau khi thu hoạch lúa hè thu xong, không sản xuất lúa vụ ba để cho đất nghỉ ngơi nằm chờ vụ đông xuân. Thay vào đó, anh tận dụng nguồn rơm nhà và mua thêm từ hàng xóm, chọn phần đất gò cao trồng nấm trong vụ nước nổi này.

Giá rơm hiện tại dao động từ 15.000 - 20.000 đồng một công tùy thuộc vào đầu hay cuối vụ lúa. Trồng nấm tuy cực vào giai đoạn đầu, nhưng thời gian thu hoạch ngắn, từ khi chất nấm đến thu hoạch khoảng 2 tuần lễ là xong. Chi phí thấp, diện tích dùng để chất không nhiều, nếu ít đất, ít vốn vẫn có thể trồng nấm được. Anh Khả cho biết thêm: chất lượng meo tốt, kỹ thuật canh tác đảm bảo là yếu tố quan trọng cho sự thành công. Chất rơm xong, dùng lưới phủ lên mặt rơm để vừa giữ độ ẩm, tránh được trường hợp nấm bị héo, thời gian thu hoạch nhanh mà năng suất vẫn ổn định. Dùng lưới tuy có tốn chi phí ban đầu, nhưng thời gian sử dụng kéo dài đến 5 - 6 năm, tính ra thì hiệu quả vẫn cao hơn, chưa kể tận dụng lại nguồn rơm sau khi chất nấm để trồng màu, tăng thu nhập.

Bà con nông dân ở huyện Châu Phú, Chợ Mới, Châu Thành, An Phú, Tri Tôn... trước kia thu hoạch lúa hè thu xong rơm bỏ đi, năm nay không có hộ nào bỏ mà đã tận dụng nguồn rơm để trồng nấm và thu lợi nhuận khá cao. Vừa trúng vụ nấm rơm, anh Lê Minh Tâm, ấp Hà Bao 1, xã Phú Hữu, huyện An Phú phấn khởi cho biết, tận dụng rơm của 10 công đất, lời hơn 5 triệu đồng. Còn anh Lữ Văn Cảnh, ngụ cùng ấp, cũng phấn khởi không kém. Là người có nhiều kinh nghiệm trồng nấm, vụ này anh cũng đã kéo về hơn 20 công rơm, chất nấm trên diện tích gần 1,2 hecta, tuy thu hoạch không vào thời điểm giá cao nhưng cũng lời hơn 10 triệu đồng. Nhiều hộ dân trong xã như hộ chú Tám Quang, bà Hai Cảnh, ông Tư Hồng... cũng “tăng gia” trong mùa lũ này.

Không ruộng đất canh tác, anh Trần Thanh Hồng, ở xã Tà Đảnh, huyện Tri Tôn, chọn trồng nấm rơm như một nghề chính. Nhờ sống trong vùng có phong trào trồng nấm, khoảng 7 năm trước, anh đã học hỏi kinh nghiệm và bắt đầu ủ rơm, chất nấm. Trung bình mỗi vụ anh thuê đất của người khác trồng nấm rơm từ 1 - 2 hecta. Vụ này anh Hồng chất khoảng 300 dòng nấm rơm trên diện tích gần 2 ha đang cho thu hoạch. Với giá nấm hiện nay giữ mức trên 10.000 đ/kg, anh có thể lãi trên 12 triệu đồng một vụ. Ông Trần Văn Mì, trưởng phòng NN-PTNT huyện Tri Tôn cho biết, mỗi chai meo chỉ 2.000 đồng, nhưng cho thu hoạch được 7 - 8 kg nấm tươi. Với giá nấm hiện nay, sau khi trừ chi phí thì mỗi công rơm người trồng nấm cũng kiếm lời khoảng 400.000 - 500.000 đồng. Nhiều hộ dân không sản xuất lúa thu đông, tận dụng thời gian nhàn rỗi chuyển sang trồng nấm. Theo bà Nguyễn Thị Soàn, phó giám đốc Trung tâm khuyến nông - khuyến ngư An Giang, nghề chất nấm rơm trong mùa lũ giải quyết được công ăn việc làm trong lúc nhàn rỗi, giúp đời sống bà con trong tỉnh luôn có nguồn thu nhập ổn định mỗi khi lũ về. Tính từ đầu năm cho đến nay tỉnh đã kết hợp với ngành nông nghiệp các huyện, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trồng nấm rơm mùa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO