Cách phân biệt tạp chí khoa học quốc tế “xịn” và “đáng ngờ”

Hoàng Tả Pháp thực hiện| 10/11/2022 19:53

Thời gian gần đây, trên các phương tiện truyền thông phản ánh hiện tượng nhiều bài báo khoa học của một số tác giả ở các trường đại học công bố trên các tạp chí quốc tế đã được trường khen thưởng. Nhưng điều đáng nói, các tạp chí này đến nay đã bị loại khỏi Scopus (danh mục cơ sở dữ liệu các bài báo từ các tạp chí uy tín). Bên cạnh đó, các tạp chí này còn nằm trong danh mục cảnh báo tạp chí giả mạo.

Vậy làm sao phân định tạp chí khoa học quốc tế “xịn” và tạp chí quốc tế “đáng ngờ”? Xung quanh chủ đề đề này, chúng tôi có cuộc trò chuyện với TS. Lê Văn Út - Trưởng Nhóm nghiên cứu Đo lường khoa học và Chính sách quản trị nghiên cứu, Trường Đại học Văn Lang.

TS. Lê Văn Út (trái) và đồng nghiệp - PGS.TS. Nguyễn Thời Trung.

Cẩn trọng với nhóm tập san “hồi hộp” 
Từ kinh nghiệm về quản lý nghiên cứu khoa học của mình, ông có thể chia sẻ cách phân định tạp chí khoa học quốc tế “xịn” và tạp chí quốc tế “đáng ngờ”? 
- TS. Lê Văn Út:
Toàn thế giới hiện có hàng triệu tập san khoa học, riêng Việt Nam đã có hơn 600 tập san khoa học (số liệu ngày 4/7/2021 theo VietNamNet). Tuy nhiên, hầu hết các tổ chức nghiên cứu uy tín trên thế giới thường chỉ quan tâm đến những tập san khoa học được thống kê bởi hai cơ sở dữ liệu khoa học uy tín là Web of Science (WoS, Clarivate, Mỹ) hoặc Scopus (Hà Lan). Nghĩa là những tập san WoS/Scopus có thể được xem là những tập san khoa học quốc tế uy tín. Danh sách các tập san WoS/Scopus được cập nhật hàng năm, có tập san được tăng/giảm hạng, và cũng có tập san mới được thêm vào danh mục WoS/Scopus và cũng có những tập san bị loại ra khỏi các danh mục này. Một tập san có chất lượng tăng lên thì sẽ được tăng hạng hoặc được thêm vào danh mục WoS/Scopus, và ngược lại.
Tính đến thời điểm này, WoS liệt kê 21.910 tập san khoa học, trong đó có 8.110 tập san khoa học thuộc nhóm dự bị của WoS (ESCI); Scopus liệt kê 40.562 tập san với 14.554 tập san dự bị (không có chỉ số Q). Những tập san thuộc nhóm dự bị của WoS/Scopus thì thường bị xem là nhóm tập san “hồi hộp” vì rất dễ bị loại khỏi WoS/Scopus theo chu kỳ cập nhật hàng năm của các cơ sở dữ liệu này do không duy trì được chất lượng theo chuẩn của WoS/Scopus. Cần lưu ý là hầu hết các tập san WoS cũng là những tập san Scopus.
Ngay cả các tập san thuộc danh mục WoS/Scopus thì thỉnh thoảng vẫn có những tập san có uy tín khoa học không cao nhưng đã “vô tình” được liệt kê trong WoS/Scopus, và nói chung là những tập san này rất dễ bị loại ra khỏi WoS/Scopus.
Trong danh mục các tập san khoa học thuộc WoS/Scopus, những công cụ để phân biệt đẳng cấp cao thấp giữa các tập san là chỉ số ảnh hưởng (IF), chỉ số H (H-index), SJR... Ví dụ như hai tập san lừng danh thế giới Nature và Science có chỉ số H tương ứng là 1276 và 1229 (và tương ứng số 1 và số 2 thế giới). Và một ví dụ để có sự đối sánh về đẳng cấp là Journal of Information and Telecommunication của Việt Nam (thuộc cả WoS và Scopus) có chỉ số H là 10, vì đây là một tập san còn rất trẻ (xuất bản số đầu tiên vào năm 2017).
Như vậy, những thông tin trên cho thấy những tập san khoa học thuộc danh mục WoS (Clarivate, Mỹ, không kể nhóm dự bị ESCI) là những tập san quốc tế uy tín hay còn được gọi là “xịn”, và chỉ có tổng cộng 13.800 tập san. Những tập san này còn được gọi là những tập san WoS chuẩn hay ISI chuẩn và được phân ra làm 3 nhóm (SCIE - khoa học cơ bản và kỹ thuật, SSCI - khoa học xã hội, AHCI - nghệ thuật và nhân văn). Đương nhiên, tập san WoS chuẩn có chỉ số H/IF càng cao thì mức độ uy tín càng cao và ngược lại.
Bên cạnh những tập san khoa học uy tín như đã trình bày ở trên, cũng có những tập san khoa học có chất lượng không cao hay có thể xem là những tập san kém uy tín. Việc dùng khái niệm “dỏm” thì cũng nên cân nhắc vì dễ làm tổn thương những tập san chưa được nhận diện cao trên thế giới nhưng lại được xuất bản bởi những tổ chức quốc tế minh bạch và có kỳ vọng trở thành những tập san khoa học quy tín.
Những điểm sau đây có thể giúp phân biệt tập san khoa học uy tín và tập san khoa học kém chất lượng: Hội đồng thẩm định (editorial board), cơ quan chủ quản hay nhà xuất bản, quy trình thẩm định và một số khía cạnh khác. Đối với hội đồng thẩm định, các tập san khoa học kém chất lượng đôi khi không có chủ tịch hội đồng (editor-in-chief), không có thành viên hội đồng (editorial member). Bên cạnh đó, có thể thấy thành thích khoa học của chủ tịch hội đồng thẩm định và các thành viên là rất khiêm tốn. Cơ quan chủ quản hay nhà xuất bản của các tập san kém chất lượng thì thường là kém uy tín, ít có tên tuổi trên thế giới; hoặc thông tin về cơ quan chủ quản không rõ ràng, không sử dụng địa chỉ email chính thống mà lại sử dụng các dịch vụ email miễn phí như gmail, yahoo, hotmail... 
Quy trình thẩm định của các tập san khoa học kém chất lượng thường rất bất thường như thời gian thẩm định chỉ vài ngày, nội dung thẩm định sơ sài, chủ yếu nhận xét hình thức trình bày, không có nội dung khoa học. Ngoài ra, những tập san khoa học kém chất lượng thường xuyên gửi spam email đến các nhà khoa học để kêu gọi nộp bài; đôi khi những tập san này không có chỉ số ISSN (International Standard Serial Number). Hơn nữa, những tập san khoa học không được liệt kê vào danh mục WoS/Scopus thì thường cũng là kém chất lượng, trừ những tập san mới thành lập với hội đồng thẩm định có chất lượng và/hoặc chủ quản bởi những tổ chức uy tín nhưng vì lý do nào đó mà không đăng ký vào các cơ sở dữ liệu này. Cũng nhấn mạnh thêm là không phải tất cả các tập san khoa học WoS/Scopus đều uy tín. Để một tập san được liệt kê vào các cơ sở dữ liệu ISI/Scopus, đại diện của tập san này phải nộp hồ sơ theo quy định và hồ sơ này được thẩm định bởi các chuyên gia.

TS. Lê Văn Út phát biểu tại một sự kiện khoa học.

Quá trình công bố khoa học không trải hoa hồng
Các tạp chí khoa học quốc tế “xịn” có quy trình tiếp nhận, thẩm định và đăng bài thế nào? 
- TS. Lê Văn Út:
Vấn đề này thì tôi cũng đã có trả lời trong một bài phỏng vấn về chủ đề tương tự và xin được nhắc lại là việc phản biện/thẩm định một công trình nghiên cứu để dẫn tới quyết định nhận đăng một cách nghiêm túc thì nói chung là rất khó. Tùy theo đẳng cấp của các tập san WoS/Scopus mà người phản biện sẽ có cách đánh giá và đề xuất phù hợp theo yêu cầu của tập san. Nhưng nhìn chung thì người phản biện phải đánh giá được kết quả của công trình có thực sự mới hay không, có thực sự cách tân trong chuyên ngành hay không; nếu cái mới hay tính cách tân chỉ mang tính tương tự với những kết quả đã công bố trước đó thì khó được chấp nhận. Cái khó thứ hai là người phản biện phải kiểm tra tính đúng đắn của kết quả mới của công trình; việc này có thể nói là rất khó và rất mất thời gian vì không phải người phản biện khoa học nào cũng đủ kiên nhẫn. Qua đó cho thấy việc phản biện một công trình khoa học một cách nghiêm chỉnh là rất khó, rất cần sự khách quan, sự kiên nhẫn và đẳng cấp khoa học thực sự của người phản biện. 
Thông thường theo quy trình, một thành viên trong hội đồng thẩm định của tập san được phân công xem xét một công trình gửi đến tập san. Chuyên gia này sẽ đưa ra hai quyết định: một là từ chối ngay nếu thấy công trình không phù hợp với đẳng cấp của tập san (có thể vì không có kết quả gì mới hoặc có kết quả mới nhưng không đáp ứng yêu cầu), hoặc là quyết định gửi cho chuyên gia phản biện. Quá trình phản biện của các chuyên gia sẽ xuất hiện nhiều tình huống. Chuyên gia phản biện độc lập thống nhất đề xuất công trình đạt yêu cầu và có thể công bố ngay; thông thường thì lãnh đạo chuyên môn của tập san sẽ cho công bố công trình này. Đây là tình huống vui và hạnh phúc nhất của tác giả. Tuy nhiên, thực tế thì tình huống này không phải lúc nào cũng dễ dàng xảy ra. Phản biện có thể yêu cầu tác giả phải chỉnh sửa nhỏ trước khi công trình có thể được công bố. Trong trường hợp này, tác giả chỉ cần chỉnh sửa và gửi lại công trình cho tập san, đa số các công trình này đều được nhận công bố. Phản biện có thể đề nghị tác giả phải có những chỉnh sửa quan trọng để được xem xét lại. Trong trường hợp này, lãnh đạo khoa học tập san có thể yêu cầu tác giả thực hiện yêu cầu của phản biện hoặc cũng có thể từ chối ngay. 
Cũng cần lưu ý thêm là lãnh đạo khoa học của tập san có thể quyết định từ chối công bố công trình trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình trên, ngay cả khi có ý kiến ủng hộ từ chuyên gia phản biện độc lập. Từ khi tác giả đã hoàn thành bài báo khoa học tới lúc được đăng trên tập san khoa học có uy tín là một quãng thời gian không ngắn. Nếu tác giả nhận được phản biện của tập san trong vòng vài tuần thì có thể xem nhanh, thường thì cũng từ 1-3 tháng hoặc có thể từ 3-6 tháng. Sau đó có thể là quá trình tác giả phải chỉnh sửa lại, bổ sung công trình theo yêu cầu của phản biện thì sẽ phải mất thêm một khoảng thời gian nữa. Như vậy, nếu mọi việc thuận lợi thì việc thẩm định và quyết định nhận đăng một công trình có thể kéo dài từ 3 - 6 tháng, trường hợp phải chỉnh sửa/bổ sung thì có thể kéo dài từ 6 - 12 tháng hoặc thậm chí có thể dài hơn nữa. Điều này cho thấy quá trình công bố khoa học là hết sức gian nan.

TS. Lê Văn Út báo cáo tại một buổi hội nghị khoa học

Tín hiệu tốt
Thời gian gần đây, nhiều cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam chú trọng đến chỉ số bài báo khoa học và xếp hạng đại học quốc tế, ông thấy vấn đề này thế nào? 
- TS. Lê Văn Út:
Tôi thấy đây là tín hiệu rất tốt cho các đại học Việt Nam. Theo Tự điển nổi tiếng Macmillan của Anh Quốc, đại học là nơi của hai hoạt động chính là giáo dục và nghiên cứu. Như vậy đại học phải gắn liền với nghiên cứu, chính nghiên cứu tạo ra tri thức mới thúc đẩy chất lượng giáo dục và chính nghiên cứu làm cho đại học khác với các trường phổ thông. 
Sản phẩm của nghiên cứu khoa học có thể là bài báo khoa học, có thể là các quy định/chính sách/chiến lược phục vụ cho sự phát triển, có thể là các đề tài/dự án ứng dụng... Tuy nhiên, có thể nói các bài báo khoa học là loại sản phẩm nghiên cứu phổ biến nhất và hầu như lĩnh vực nào cũng có thể công bố các kết quả nghiên cứu dưới dạng các bài báo khoa học (trừ những bí mật công nghệ, bí mật về quy định/cơ chế/chiến lược). Đó là lý do mà bài báo khoa học được nhắc tới nhiều khi nói về nghiên cứu khoa học.
Về nguyên tắc, nghiên cứu khoa học là không biên giới nên các đại học cũng không thể đóng cửa trong một quốc gia. Thay vào đó, các đại học phải mở rộng ra thế giới bên ngoài, để tương tác, để giao lưu/trao đổi tri thức với nhau. Từ đó, việc các đại học có nhu cầu được tham gia vào bảng đồ đại học thế giới, nghĩa là được xếp hạng, là điều tất yếu. 
Việc một đại học được xếp hạng cao bởi các bảng xếp hạng đại học uy tín trên thế giới thì chẳng những là vinh dự cho chính đại học đó, mà còn là vinh dự cho cả dân tộc, cho cả quốc gia. Khi một đại học được xếp hạng hay có thứ hạng cao, đại học đó sẽ được nhận biết rộng rãi trên toàn cầu. Khi đó nhiều sinh viên và đối tác trên thế giới sẽ tìm đến để học tập, hợp tác cùng phát triển. Như vậy lợi ích của xếp hạng đại học là rất lớn và điều này cũng vô tình gây ra nhiều áp lực cho các đại học, có không ít hiệu trưởng đại học đã phải mất chức chỉ vì đại học bị rớt hạng.
Tuy nhiên, xếp hạng đại học bền vững vẫn được nhiều đại học và chuyên gia quan tâm. Nghĩa là mọi thứ nên bắt đầu từ tầm nhìn và mục tiêu, kế tiếp là phải đầu tư để phát triển; một khi đại học đã phát triển một cách thực chất thì chắc chắn sẽ được xếp hạng.
Xin cám ơn TS. Lê Văn Út.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách phân biệt tạp chí khoa học quốc tế “xịn” và “đáng ngờ”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO