Trang trí nhà ngày Tết

<_o3a_p>| 16/01/2009 17:26

Vào những ngày Tết, cũng căn nhà quen thuộc, cần chú ý thêm việc trang trí cho nhà mang lại không khí vui tươi, ấm cúng vào những ngày đầu xuân để nó không chỉ mang ý nghĩa là nơi trú ngụ, nghỉ ngơi của các thành viên trong gia đình mà còn là nơi tiếp đón bạn bè, tập hợp người thân nhằm kết chặt mối dây tình cảm mà ngày thường có khi ít được chú ý đến.

Trang trí nhà luôn phải đi liền với sự sắp xếp đồ nội thất. Việc trang trí thường chú ý đến cây xanh và hoa trong nhà ở nhằm đạt được một tổng thể tốt nhất về công năng sử dụng và thẩm mỹ đạt các yêu cầu cơ bản: đáp ứng nhu cầu sử dụng từng không gian cụ thể; tổ chức không gian kiến trúc để tạo sự thông thoáng, mát mẻ; trang trí tạo sự thuận tiện, tính hợp lý và thẩm mỹ; trang trí càng đơn giản càng tốt; chỉ nên sử dụng những đồ vật thật cần thiết, dễ tạo ra sự đẹp mắt; lưu ý sắp xếp lại kho chứa đồ đạc thừa.

Sắp xếp nhà bếp

Bếp thường có ba khu vực: nơi dự trữ thức ăn và sửa soạn thức ăn; chỗ rửa chén đĩa; chỗ nấu nướng và để đồ dùng. Nhà ít người hoặc không có phòng ăn thì nên kê trong bếp một tủ chè có hai mặt, một mặt quay về chỗ nấu nướng, một mặt quay về bàn ăn. Chỗ nấu bếp và rửa chén nên để gần nhau, vừa tầm. Có thể dùng các kiểu bàn xếp hoặc có bánh xe.

Bếp ăn cần mang lại cảm giác thoáng mát, sạch sẽ và tạo hứng thú. Làm vệ sinh các trang thiết bị như bếp ga, tủ lạnh, bồn rửa... Tủ lạnh được dành ưu tiên cho thực phẩm tươi sống. Các loại thực phẩm có thể dự trữ bên ngoài như dưa hành, dưa kiệu, kim chi, bánh chưng, bánh tét và nem chua cần đặt ở chỗ thoáng mát. Có thể trang bị một số móc, giá treo nhằm tiết kiệm không gian và làm gọn khu vực làm việc. Các món ăn như thịt kho trứng, cá lóc kho, khổ qua hầm, vịt hầm măng khô... có thể để bên ngoài, tuy nhiên cần chú ý: thức ăn nấu xong, mở nắp để nguội nhanh trước khi đem cất; để nồi thức ăn chỗ mát, không gần bếp lò, không khuấy đảo thức ăn lên nồi; thức ăn còn thừa không đổ vào nồi trở lại; thông thường sau 8 tiếng cần đun sôi trở lại, mở nắp nồi cho nguội nhanh rồi đem cất chỗ mát.

Tủ bếp: cần làm vệ sinh tủ bếp vào khoảng 22 - 23 Tết. Loại bỏ những gia vị, đồ dùng ít sử dụng ra khỏi tủ. Vật dụng nặng để vừa tầm tay để khỏi phí sức khi làm việc. Tủ đựng vật dụng có chiều cao vừa tầm. Các dụng cụ có cùng công dụng để cùng chỗ. Các loại dao, rổ rá, nắp nồi, nồi, chảo... có thể xếp lên giá hoặc treo lên tường. Đến khoảng 28 Tết, sắp xếp các thiết bị đi kèm với tủ bếp như lò nướng, lò vi sóng thường được sử dụng nhiều trong những ngày đầu năm ở trạng thái sẵn sàng sử dụng. Các loại bát đĩa đẹp, tách trà, ly sẽ sử dụng nhiều hơn vào dịp này cần chuyển xuống để vừa tầm tay hoặc để riêng chỗ thuận tiện.

Tủ lạnh: có thể đặt tủ lạnh ở cửa phòng ăn hoặc bếp. Kê gần tủ một cái bàn nhỏ, để tiện việc xếp thức ăn vào tủ. Các loại thức ăn chế biến xong cho vào hộp và sắp xếp gọn gàng vào tủ. Các loại thực phẩm tươi sống khi mua về cần rửa sạch, để thật ráo nước. Cần cạo rửa sạch da cá, móc bỏ mang, ruột. Chia ra thành các phần cho từng bữa ăn, để khi sử dụng phần nào thì chỉ rã đông phần đó, không để nguyên khối thực phẩm, rã đông rồi lại tái đông. Các loại rau củ cần nhặt bỏ bớt lá sâu, úng, gói trong giấy báo, để nơi khô ráo, thoáng mát hoặc ở ngăn dưới tủ lạnh, không nên rửa hoặc ngâm nước vì sẽ làm rau mau úng và chất bẩn có thể ngấm vào bên trong.

Phòng khách

Thông thường đồ đạc trong phòng khách bao gồm: một bộ bàn ghế salon hoặc bộ bàn ghế tiếp khách, một tủ hoặc kệ trang trí, đèn bàn thấp hoặc đèn đứng và thảm trải.

Trước Tết, cần giặt thảm và rèm cửa; lau chùi bàn ghế, đồ đạc, cất bớt một số vật dụng ít dùng hoặc đưa sang phòng khác. Bày sẵn bộ tách trà ở bàn tiếp khách cùng với một hộp bánh mứt, hạt dưa. Dĩa nhỏ, nĩa, muỗng, ly xếp gọn ở một bàn nhỏ ngay trong phòng khách để có thể dùng ngay khi cần.

Nếu nhà rộng, bạn có thể trang trí bằng một cây mai, đào hoặc quất ở giữa nhà và thêm vào trên bàn salon hoặc ở góc phòng khách một bình hoa hay chậu bonsai. Nếu nhà hẹp, bạn chỉ cần chuẩn bị một bình hoa ở bàn; các loại chậu kiểng khác có thể đặt gần cửa chính, ngoài sân, ở bệ cửa sổ hoặc treo trên tường.

Không nên đặt tivi trong phòng khách. Không đặt ghế salon kế bên cửa sổ.

Cần chú ý yếu tố gọn, nhẹ, tiện dụng, ấm cúng và đỡ tốn thời gian dọn dẹp trong và sau ngày Tết.

ThS. NGUYỄN DIỆU THẢO

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trang trí nhà ngày Tết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO