Sở Y tế làm rõ thông tin 'Bệnh viện ở TP.HCM 'vật vã' mua dịch lọc thận theo tuần'

An Quý| 03/04/2023 13:40

Sở Y tế TP.HCM khẳng định hiện tượng này chỉ xảy ra ở Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) do Ban Giám đốc của bệnh viện này chưa nắm rõ quy trình mua sắm khi không chọn được nhà thầu. Sở Y tế TP.HCM đã hướng dẫn xử lý, đảm bảo không gián đoạn hoạt động chạy thận tại bệnh viện này.

Cụ thể, Bệnh viện TP Thủ Đức đã không lựa chọn được nhà thầu đối với mặt hàng dịch lọc thận trong gói thầu mua sắm vật tư y tế  năm 2022 qua hình thức đấu thầu rộng rãi (do bệnh viện xây dựng giá kế hoạch thấp), cách xử lý tình huống của bệnh viện này là thực hiện các gói thầu quy mô nhỏ để đảm bảo có đủ dịch lọc thận trong khi chờ thực hiện các thủ tục mua sắm theo quy định cho gói thầu quy mô lớn với hình thức đấu thầu rộng rãi trở lại.

Sở Y tế TP.HCM đã hướng dẫn ngay cách xử lý tình huống này cho BGĐ Bệnh viện TP Thủ Đức, theo đó trong thời gian chờ kết quả đấu thầu rộng rãi (dự kiến tháng 8/2023), bệnh viện nên thực hiện gói thầu mua sắm trực tiếp từ kết quả trúng thầu từ các bệnh viện bạn để đáp ứng một số lượng dịch thận lớn hơn và không phải mất nhiều thời gian, công sức để tổ chức các gói thầu mua sắm nhỏ lẻ.

Triển khai Nghị định 07/2023/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP, hàng tuần từ ngày 06/3/2023 đến nay, Sở Y tế TP.HCM đều tổ chức họp trực tuyến với tất cả các bệnh viện trực thuộc để nắm bắt tình hình cũng như có hướng dẫn ngay cho các bệnh viện trong việc mua sắm để các bệnh viện luôn đảm bảo cung ứng đầy đủ thuốc, vật tư y tế cho công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân.

Qua báo cáo trong giao ban hằng tuần với các bệnh viện trực thuộc, mặc dù số bệnh nhân đang điều trị lọc thận quá tải, đa số các bệnh viện phải tổ chức nhiều ca chạy trong ngày nhưng vẫn đảm bảo không để thiếu các vật tư, dịch lọc trong hoạt động thận nhân tạo tại các Bệnh viện.

Trường hợp của Bệnh viện TP Thủ Đức là tình huống riêng lẻ của một đơn vị, không phải là tình huống đại diện và phổ biến của các bệnh viện trên địa bàn Thành phố.

Sở Y tế TP.HCM đã đề nghị BGĐ bệnh viện này phải nghiêm túc rút kinh nghiệm, khi có tính huống phát sinh, đơn vị còn lúng túng trong xử lý tình huống, phải báo cáo ngay đến Sở Y tế TP.HCM ngay để được hỗ trợ, hướng dẫn kịp thời.

Nhân tình huống này, lãnh đạo Sở Y tế TP.HCM cũng đã có buổi họp với các bệnh viện đầu ngành và các chuyên gia trong lĩnh vực chạy thận để thảo luận đánh giá nhanh giữa nhu cầu chạy thận cho người bệnh bị suy thận và khả năng cung ứng của các bệnh viện trên địa bàn Thành phố.

Hiện tại, trên địa bàn Thành phố có tổng cộng 39 cơ sở y tế trực thuộc Sở Y tế TP.HCM và 8 đơn vị trực thuộc Bộ/ngành có triển khai kỹ thuật chạy thận nhân tạo. Theo báo cáo từ các đơn vị trực thuộc Sở Y tế TP.HCM, tổng số bệnh nhân đang được lọc máu định kỳ là 4.254 người (tăng rõ so với cách đây 5 năm, thời điểm lúc bấy giờ chỉ hơn 3.000 người). Điều đáng lưu ý là người bệnh có địa chỉ ngoài TPHCM chiếm tỷ lệ gần 20%.

Các chuyên gia dự báo nếu số bệnh viện có triển khai kỹ thuật chạy thận và số máy chạy thận không thay đổi, nguy cơ quá tải chạy thận tại các bệnh viện là khó tránh khỏi.

Các chuyên gia về Thận học của Thành phố kiến nghị sớm củng cố mạng lưới các cơ sở y tế tham gia chăm sóc người bệnh bị suy thận có chỉ định chạy thận, trong đó, ưu tiên đầu tư nguồn lực (từ ngân sách hoặc có cơ chế chính sách huy động nguồn lực xã hội đầu tư thiết bị chạy thận cho các bệnh viện) giúp tất cả các bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện để triển khai chạy thận cho người bệnh cư ngụ trên địa bàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sở Y tế làm rõ thông tin 'Bệnh viện ở TP.HCM 'vật vã' mua dịch lọc thận theo tuần'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO