Nông nghiệp đô thị tại TP.HCM

Bài, ảnh: Minh Tuấn| 24/05/2018 20:42

KHPTO - Sáu hình thức nông nghiệp đô thị ở TP.HCM gồm: Nông nghiệp xanh, nông nghiệp du lịch, nông nghiệp phục vụ khách sạn, nông nghiệp thu ngoại tệ, nông nghiệp an dưỡng và nông nghiệp sinh thái.

Giàn trải và chưa phát huy

TS Trần Viết Mỹ, giám đốc Trung tâm Khuyến nông trong hội thảo khuyến khích khởi nghiệp cho rằng: Xét trên phương diện chung, cho đến nay 6 hình thức nông nghiệp đô thị đã được triển khai đến tất cả các quận, huyện của Thành phố, 6 hình thức nông nghiệp đô thị đã lộ diện nhưng những mô hình chưa thể hiện rõ nét, chưa nhiều, còn mang tính tự phát, chưa thành hệ thống để phát huy hiệu quả.

Về phát triển rau quả xanh, sạch, gia cầm chất lượng cao, với nhu cầu của 13 triệu người dân (nếu tính cả những người cư trú chưa đăng ký thì dân số, thực tế năm 2017 là 14 triệu người) thì mới chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu; thương mại Thành phố vẫn phải nhập lượng rau, củ, quả, thịt gia cầm rất lớn từ các tỉnh và nhập khẩu. Cụ thể, rau củ quả có 261 Chứng nhận VietGAP cho 39 ha (sản lượng 48,342 tấn/năm), so với 2015 tăng gấp bội, nhưng so với diện tích gieo trồng 1.948 ha thì còn rất thấp. Diện tích các loại rau củ “cao cấp” trồng trong nhà lưới như dưa lưới, rau... thì không ổn định các tháng trong năm.

Cây và cá cảnh là thế mạnh của nông nghiệp đô thị!. Tuy nhiên trừ một vài doanh nghiệp nuôi cá cảnh xuất khẩu sản lượng không lớn. Lâu nay cây kiểng, cá cảnh ở TP.HCM tồn tại ở dạng thú vui điền viên, tham gia Hội, Câu lạc bộ, tham dự hội thi, ít mô hình sản xuất lớn tạo ra hàng hóa sản lượng xứng tầm phát triển thị trường.

Những mô hình nông nghiệp du lịch nhỏ bé chưa tạo được điểm nhấn, điểm dừng, giữ chân khách, hoặc chỉ nằm trong giới hạn phục vụ thăm quan lẻ, nhóm nhỏ từ 20 - 30 phút. Doanh nghiệp thành phố mới bước đầu xuất khẩu hoa lan cắt cành sang Campuchia, sứ ghép sang Nhật Bản và rau quả (bí đỏ, bắp cải, rau ghém các loại) đạt khoảng 1.000 tấn/năm.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch cho biết trong năm qua thành phố tiếp đón từ 30.000-40.000 khách nước ngoài đến thăm khám bệnh với doanh thu khoảng 1 tỉ USD trong số 80.000 khách của cả nước và doanh thu khoảng 2 tỉ USD.

Theo đánh giá của Trung tâm Khuyến nông Thành phố, các loại hình nông nghiệp du lịch, nông nghiệp an dưỡng ...ở thành phố mới bước đầu hình thành, khó phát triển do thiếu kết nối với các ngành liên quan. Nông nghiệp sinh thái thiếu sản phẩm, chiếm tỷ lệ khiêm tốn và bị chi phối bởi các tụ điểm ngoài thành phố.

Chuyển mạnh sang nông nghiệp đô thị

TP.HCM năng động và phát triển, có nguồn cán bộ khoa học và nhà nông đầy tâm huyết, có cơ sở vật chất, trình độ khoa học kỹ thuật, vốn, thị trường hơn chục triệu dân, đặc biệt là đầu mối giao lưu, giao thương xuất khẩu. Cùng với sự phát triển kinh tế của cả nước, TP.HCM nói riêng, việc chuyển mạnh sang nông nghiệp đô thị là khách quan.   

Ông Trương Hoàng Cương - phó chủ tịch Hội sinh vật cảnh cho rằng nông nghiệp TP.HCM dựa trên nền tảng truyền thống nhưng phải xác định rõ mục tiêu phục vụ nhu cầu đô thị và xuất khẩu. Ông Cương cho rằng để chuyển mạnh sang nông nghiệp đô thị cơ bản là phải có chính sách thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư cho nông nghiệp. Nếu để người dân Thành phố “tự bơi” thì rất khó thành công; họ đã tự bon chen trong nhiều năm qua. “Muốn phát triển nhanh, mạnh nông nghiệp đô thị, Thành phố cần tiếp tục chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống (dựa trên cây lúa) sang các cây trồng, vật nuôi mới một cách tích cực hơn” ông Cương nói.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, giám đốc Sở du lịch TP.HCM cho biết để thúc đẩy ngành nông nghiệp - du lịch – y tế Sở đã vừa ban hành 10.000 cuốn Cẩm nang du lịch gồm bản đồ thu nhỏ chỉ dẫn và danh sách địa điểm du lịch, các đơn vị có uy tín trong khám sức khỏe, nha khoa, thẩm mỹ, tầm soát các bệnh lý chuyên sâu...

Theo TS Mỹ, Thành phố đã xác định giống rau, rau sạch, hoa lan, cây kiểng, giống heo, cá cảnh, thịt, cá sấu (da và thực phẩm chế biến) là các sản phẩm nông nghiệp, tập trung cho xuất khẩu. Thành phố nhận thức tầm quan trọng của việc ứng dụng công nghệ cao trong nền nông nghiệp đô thị để nâng cao giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích sản xuất, trên đơn vị vốn cũng như nâng cao thu nhập cho người dân.

Nhân lực là trọng yếu!. Vào cuối năm 2017 UBND TP.HCM đã phê duyệt “Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020”, mục tiêu hình thành và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Lĩnh vực đào tạo công nghệ cao phù hợp nông nghiệp đô thị như: công nghệ sinh học, chăn nuôi (bò sữa, bò thịt, heo, gà), trồng trọt (rau, cây ăn quả, cây cảnh...), cá cảnh, nuôi trồng thủy sản, bảo vệ thực vật, thú y, chế biến và bảo quản nông lâm thủy sản an toàn thực phẩm...

Theo kế hoạch, 3.000 lao động nông nghiệp được đào tạo và sẽ được bố trí làm việc tại những doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại. Sẽ đào tạo 20 thạc sĩ và tiến sĩ về ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp. Thành phố cũng cặp nhật, đào tạo, nâng cao kỹ năng quản lý, sử dụng thiết bị cho 1.800 cán bộ nghiên cứu, quản lý khoa học và công nghệ, cán bộ kỹ thuật, người quản lý ở hợp tác xã, chủ doanh nghiệp để có thể làm chủ công nghệ trong lĩnh vực; giúp cập nhật thông tin kiến thức về tiến bộ khoa học - công nghệ.

Theo Sở Nông nghiệp &PTNT TP.HCM, trước mắt tập trung đào tạo cho lao động nông thôn những nhóm chủ lực mà Thành phố có nhiều lợi thế như chăn nuôi bò sữa, heo thương phẩm, nuôi tôm nước lợ, cá cảnh, trồng rau an toàn, hoa nhiệt đới (cụ thể là lan mokara và dendrobium). Trong khi củng cố các HTX nông nghiệp, Thành phố tạo điều kiện cho thế hệ trẻ khởi nghiệp thông qua các vườn ươm doanh nghiệp Công nghệ cao; Các HTX nông nghiệp trong thành phố được UBND hỗ trợ chi phí chứng nhận VietGAP.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp đô thị tại TP.HCM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO