TP.HCM phát triển theo hướng “thông minh” và “xã hội”

Anh Thư| 01/10/2018 15:21

KHPTO - Tại hội thảo quốc tế “Khát vọng về một thành phố thông minh và thành phố xã hội cho Việt Nam” vừa diễn ra tại Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đã tập trung phân tích các quan điểm, các mô hình xây dựng thành phố thông minh – thành phố xã hội, cũng như các vấn đề xã hội đô thị.

Sự kết hợp đặc sắc giữa 2 yếu tố của đô thị: "thông minh" và "xã hội"

PGS.TS. Dương Anh Đức, giám đốc Sở thông tin và truyền thông TP.HCM đã phân tích những đặc điểm của TP.HCM với thế mạnh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ của cả nước. Tuy nhiên, thực tế là đến nay TP.HCM vẫn chưa thu hẹp được khoảng cách so với các thành phố lớn trong khu vực. Quy hoạch, quản lý đô thị và kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - văn hóa, cải thiện dân sinh, bảo vệ môi trường. Chất lượng giáo dục - đào tạo chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập. Nguyên nhân dẫn đến tồn tại trên là: dân số tăng; kinh tế tăng trưởng nhanh nhưng chưa bền vững; việc quản trị đô thị, bao gồm công tác dự báo, quy hoạch và điều hành của Thành phố còn bất cập; chất lượng phục vụ người dân chưa tốt.

PGS.TS. Dương Anh Đức cho rằng, TP.HCM đã và đang cố gắng khắc phục những khó khăn, hướng đến xây dựng một thành phố văn minh. Thực tế trong thời gian qua, TP.HCM đã đầu tư và thúc đẩy mạnh mẽ việc ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực và đạt nhiều kết quả tích cực, điển hình như ở các lĩnh vực xây dựng chính quyền điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin chuyên ngành trong giao thông vận tải, y tế, môi trường, giáo dục, quản lý nguồn nhân lực… Tầm nhìn về đô thị thông minh đến năm 2025 là “TP.HCM sẽ phát triển kinh tế tương đối cao, bền vững, trên nền tảng khai thác tốt nhất các nguồn lực, với người dân là trung lâm của đô thị”. Người dân sẽ có chất lượng sống tốt, được phục vụ tốt và có thể tham gia vào quá trình giám sát, quản lý và xây dựng thành phố. Việc triển khai xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh là một chủ trương lớn của lãnh đạo Thành phố, có ý nghĩa chiến lược đối với sự phát triển của Thành phố trong giai đoạn 2018 - 2020 và sau năm 2020.

Theo TS.Trương Trung Kiên, trưởng ban đô thị Hội đồng nhân dân TP.HCM, đây là một hội thảo quốc tế rất có ý nghĩa, được tổ chức vào giai đoạn TP.HCM đang bắt đầu thực hiện đề án "Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020”. Chủ đề hội thảo là một sự kết hợp rất đặc sắc giữa 2 yếu tố của đô thị là "thông minh" và "xã hội". TS.Trương Trung Kiên nói: “Tôi nghĩ rằng việc xây dựng một đô thị thông minh cũng hoàn toàn không năm ngoài mục tiêu nhằm phục vụ cho con người, cho xã hội được tốt hơn. Ngược lại, các yếu tố xã hội khi được xem xét một cách đầy đủ, thấu đáo sẽ giúp cho các giải pháp xây dựng đô thị thực sự thông minh và mang tính nhân văn. Với vai trò là một cơ quan của Hội đồng nhân dân Thành phố, qua hội thảo này, chúng tôi mong muốn được lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, đại biểu tham dự hội nghị về các khía cạnh liên quan đến việc xây dựng một thành phố thông minh, bên cạnh đó cũng tham gia vào việc tuyên truyền, cung cấp các thông tin về chủ trương, hoạt động xây dựng thành phố thông minh của chính quyền thành phố. Chúng tôi tin tưởng rằng việc xây dựng một đô thị thông minh sẽ đem lại cho TP.HCM nhiều bước tiến quan trọng trong công cuộc phát triển thành phố”.

PGS.TS. Ngô Thị Phương Lan, hiệu trưởng Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM cho rằng, khái niệm thành phố thông minh - thành phố xã hội vẫn còn khá mới tại Việt Nam. Trong cộng đồng ASEAN, quốc gia chủ tịch luân phiên là Singapore đã có sáng kiến thành lập mạng lưới các thành phố thông minh ASEAN, được các nước ASEAN ủng hộ; TP.HCM là một trong 3 thành phố của Việt Nam trong 26 thành phố thông minh của ASEAN. Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn đến năm 2025" của UBND TP.HCM công bố vào ngày 26/11/2017 cho thấy quyết tâm của TP.HCM trong việc thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM lần thứ X nhiệm kỳ 2015 - 2020: xây dựng TP.HCM có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. Cùng với sự phát triển theo hướng hiện đại, tích hợp công nghệ cao vào công tác quản lý cũng như các tiện ích đô thị, thành phố còn phải đảm bảo tính nhân văn và tính cộng đồng; trong đó sự tham gia của người dân trong quá trình quy hoạch và phát triển đô thị là vô cùng quan trọng. Mô hình này đã được các nước châu Âu, trong đó có Đức áp dụng.

Không gian có chất lượng sống tốt

Những bài toán về việc cải thiện cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng sống cho con người luôn đòi hỏi thành phố có những chính sách kịp thời và đảm bảo sự phát triển bền vững cho tương lai. Một trong số đó là quy hoạch không gian cộng đồng đô thị đang nhận được sự quan tâm rất lớn của chính quyền, phù hợp với định hướng phát triển của TP.HCM theo hướng “thông minh” và “xã hội”, ý kiến của ThS. Đoàn Diệp Thùy Dương, khoa đô thị học, Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

ThS. Đoàn Diệp Thùy Dương cho biết, không gian đạt chất lượng ở đây không phải chỉ được biểu hiện ra bên ngoài thông qua cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, chất lượng không khí, dịch vụ tiện ích,... mà nó còn được đo lường bởi sự cố kết cộng đồng trong khu đô thị đó. Nhu cầu được nghỉ ngơi, giao tiếp của con người là rất lớn, nhất là ở các đô thị. Con người ngày càng cảm thấy không an toàn hơn với lưu lượng xe cộ ngày càng đông, các đường cao tốc được xây dựng ngày càng nhiều và tệ nạn xã hội cũng theo đó lan tràn. Vì thế, sự lựa chọn nghỉ ngơi trong nhà hay khu nghỉ dưỡng chuyên biệt dần thay thế cho những hoạt động tưởng chừng như đơn giản như ngắm nhìn đường phố hoặc đi dạo và hỏi thăm xóm giềng, dù muốn thì việc tổ chức không gian như hiện tại của đô thị Việt Nam nói chung và TP.HCM nói riêng khó cho phép điều đó.

ThS. Đoàn Diệp Thùy Dương nhận định, bài toán đặt ra là làm sao tạo ra được những không gian sống vừa phục vụ cho nhu cầu về thể lý, vừa phục vụ cho nhu cầu về tinh thần của thị dân, đặc biệt là nhu cầu được tương tác với cộng đồng. Ngoài những không gian trước đến nay hay nhắc đến đảm nhiệm chức năng này như không gian công cộng, không gian bán công cộng, … thì không gian chuyển tiếp là một trong những thành phần không gian góp phần tạo nên sự tương tác, cố kết cộng đồng đô thị. Không gian chuyển tiếp được hiểu là khoảng không gian mềm liên kết không gian trong và bên ngoài nhà, với các lớp không gian chuyển tiếp dần dần ra đường giao thông tiếp cận sẽ tạo cho con người không gian để nghỉ ngơi, giải trí, đồng thời giúp tăng cường tính cố kết cộng đồng trong khu ở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM phát triển theo hướng “thông minh” và “xã hội”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO