TP.HCM phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo

Anh Thư| 21/10/2017 09:18

KHPTO - Phát biểu tại Hội nghị Hiệp hội các Khu công viên khoa học Châu Á (ASPA) diễn ra ngày 20/10 tại TP.HCM, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong cho rằng, đây không chỉ là dịp để các công viên khoa học trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ kết quả nghiên cứu, hiểu biết TP.HCM, mà còn là một hoạt động rất có ý nghĩa, góp phần đẩy mạnh hội nhập quốc tế về khoa học công nghệ của Việt Nam.

Liên kết công viên khoa học để người dân tận hưởng thành tựu khoa học công nghệ

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nói: “Trên tinh thần cùng hướng về sự thịnh vượng, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng và hội nhập kinh tế của các nước khu vực Châu Á; trải qua quá trình phối hợp, chúng ta đã đạt nhiều kết quả quan trọng, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của khu vực nói chung và từng quốc gia nói riêng; trong đó, điểm nhấn là tăng cường tính chia sẻ, định hình các chính sách liên kết giữa công viên khoa học với nhau để mọi người dân được tận hưởng từ những thành tựu khoa học công nghệ mang lại. Chính sự phối hợp chặt chẽ này đã và đang khẳng định vai trò của Hiệp hội các Công viên khoa học Châu Á trong các diễn đàn quốc tế”.

Là một đô thị đặc biệt, trung tâm nhiều mặt của cả nước và khu vực, TP.HCM luôn xác định phải bứt phá trong phát triển kinh tế, đặc biệt là trong lĩnh vực khoa học công nghệ. Giai đoạn 2011 - 2015, lĩnh vực khoa học và công nghệ của thành phố tăng 16,9%, cao nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu; năng suất lao động tăng 5,6%, cao gấp 1,3 lần cả nước; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 33,1% cao hơn mức bình quân cả nước là 29%, trong đó khoa học công nghệ chiếm khoảng 70%.

Đối với lĩnh vực công nghệ cao, là lĩnh vực thành phố rất quan tâm phát triển, hiện nay đã thu hút được 130 dự án với tổng mức đầu tư đạt 6,8 tỷ USD, giá trị gia tăng sản phẩm công nghệ cao đạt trung bình 28%; với đà tăng trưởng này, dự kiến đến năm 2020 lĩnh vực công nghệ cao sẽ đóng góp 10% GRDP của thành phố.

Ngoài ra, nhằm tăng cường thu hút đầu tư các ngành giàu chất xám, thành phố đang nỗ lực xúc tiến thành lập Công viên khoa học công nghệ tại quận 9 với quy mô 200 ha, tổng mức đầu tư 4.300 tỷ đồng. Công viên là nơi nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến tạo ra các sản phẩm công nghệ xanh, công nghệ thông tin, năng lượng tái tạo, công nghệ vũ trụ,…đó là nền tảng để thành phố phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.  

Trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025, Thủ tướng Chính phủ đã xác định “TP.HCM từng bước trở thành trung tâm lớn về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ của đất nước và khu vực Đông Nam Á” đồng thời định hướng “khoa học và công nghệ của thành phố phải thực sự trở thành động lực trực tiếp, đóng góp quan trọng vào chất lượng tăng trưởng và phát triển bền vững, đạt trình độ trung bình tiên tiến, rút ngắn khoảng cách với các thành phố lớn trong khu vực”.

Để thực hiện được nhiệm vụ quan trọng đó, TP.HCM rất cần sự hỗ trợ, quan tâm và chia sẻ kinh nghiệm của các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế, tổ chức quốc tế.

Đặc biệt, từ thực tiễn của thành phố, kinh tế tăng trưởng chủ yếu theo chiều rộng để các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế cùng thảo luận, hiến kế và đề ra các giải pháp đột phá để thành phố phát triển mạnh mẽ hơn, đóng góp nhiều hơn cho đất nước đúng như tên gọi của Hội nghị này “Công viên Khoa học thúc đẩy nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế quốc gia”.

TP.HCM hình thành khu đô thị khoa học công nghệ

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết, TP.HCM có nhiều lợi thế nhưng cũng như nhiều khó khăn thách thức. Với mục tiêu xây dựng TP.HCM là thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình, đầu tầu kinh tế xã hội cả nước, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ cả khu vực, TP.HCM sẽ giải quyết các khó khăn, thách thức bằng các giải pháp khoa học công nghệ nhằm nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững. Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến khẳng định: “Việc hình thành và phát triển các khu công viên khoa học là một trong những giải pháp tích cực để giải quyết những hạn chế, thách thức”.

Ông cho rằng, khu công viên khoa học (CVKH) là nơi thu hút tập đoàn đầu tư công nghệ, thu hút chuyên gia hàng đầu đến làm việc và sinh sống; thúc đẩy ứng dụng thành tựu KHCN vào thực tế, nâng cao giá trị nội địa hóa trong sản phẩm; nơi sản sinh nguồn nhân lực chất lượng cao, nâng cao năng lực nội sinh; hợp tác quốc tế đa phương mang lại cơ hội hợp tác trong nghiên cứu, chuyển giao công nghệ; tác động lan tỏa, hình thành các khu CVKH tại khác khu vực lân cận, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trướng từ chiều rộng sang chiều sâu.

Phó chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết sẽ hình thành thêm nhiều CVKH tại TPHCM, hướng đến hình thành khu đô thị khoa học công nghệ; phát triển hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư; hình thành doanh nghiệp lớn, tập đoàn công nghệ; hình thành các trung tâm nghiên cứu phát triển, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ươm tạo các doanh nghiệp công nghệ cao; hội nhập quốc tế ngày càng sâu về kinh tế và khoa học công nghệ.

Theo ông Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.HCM (CNC) , năm 2017 cũng chính là năm Khu CNC kỷ niệm 15 năm thành lập. Trong suốt 15 năm qua, Khu CNC tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thu hút các dự án có chất lượng. Kể từ thời điểm này, Khu CNC sẽ chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn tăng tốc phát triển. Tuy nhiên, để có được sự phát triển bền vững Khu CNC cần phải nổ lực nhiều hơn nữa qua học hỏi, trao đổi kinh nghiệm từ các bạn bè trong và ngoài nước. Ông nói: “Chính Hội nghị lần này là cơ hội quý báu để chúng tôi và các thành viên của Hiệp hội ASPA được chia sẽ, tiếp thu các ý tưởng, kinh nghiệm nhằm hướng đến xây dựng một cộng đồng vững mạnh và đậm tình hữu nghị gắn kết lâu dài”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP.HCM phát triển kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO