Tìm hiểu về giun lươn

17/01/2007 23:30

Giun lươn được tìm thấy lần đầu tiên ở lính viễn chinh Pháp năm 1876, với triệu chứng tiêu chảy. Có khoảng 140 loài giun lươn, trong đó có 52 loài thường gặp, hầu hết đều có thể gây bệnh cho người.

Hình thể:

- Giun lươn trưởng thành: Giun cái sống ký sinh: hình ống, dài 1,5 - 10 mm; rộng 27 - 95 mcm, thực quản hình ống, ruột xếp thành hai hàng ở lưng và bụng, hệ bài tiết mở ra ở bụng. Giun cái sống tự do: thân nhỏ kích thước 1,5 mm x 85 mcm, thành cơ thể mỏng, vỏ có vân ngang. Giun đực sống tự do: nhỏ hơn con cái, kích thước 1,2 mm x 55 mcm.

Trứng: Hình elip, dẹp hai đầu, vỏ rất mỏng, kích thước 40 x 85 (mcm).

Ấu trùng: Ấu trùng giai đoạn 1: kích thước 400 x 20 (mcm). Ấu trùng giai đoạn 2:rhabditoid: kích thước 400 x 23 (mcm), filariform: kích thước 400 x 23 (mcm), ấu trùnggây nhiễm: dài 400 - 700 (mcm), rộng 12 - 20 (mcm), thực quản hình trụ.

Chu trình phát triển: Trong số các loại giun ký sinh ở người giun lươn được xem là loại nguy hiểm nhất vì ngoài chu trình phát triển bình thường còn có thêm chu trình tự nhiễm. Chu trình này xảy ra thường xuyên liên tục, khiến lúc nào trong cơ thể người nhiễm cũng có ấu trùng giun lươn dù chỉ bị nhiễm một lần và không bị tái nhiễm. Khi cơ thể suy giảm miễn dịch, chu trình tự nhiễm mạnh lên phát tán ấu trùng đến nhiều cơ quan quan trọng trong cơ thể.

Chu trình nội tại: Giun lươn cái sinh sản, cư trú trong niêm mạc tá tràng đẻ trứng, trứng nở thành ấu trùng ngay trong lớp niêm mạc, một số theo phân ra ngoài, một số xuyên qua lớp niêm mạc vào hệ tuần hoàn cơ thể (gọi là hiện tượng tự nhiễm).

Chu trình nhiễm bên ngoài từ phân: Số ấu trùng theo phân ra ngoài lột xác nhiều lần trở thành ấu trùng có tính lây nhiễm, nếu gặp được ký chủ sẽ đi xuyên qua da vào hệ tuần hoàn, phổi, xuyên qua thành mạch vào phế nang, phế quản, hầu họng, thực quản, dạ dày, ruột non, nó cư trú trưởng thành tại đây.

Chu trình sống tự do ngoài cơ thể: Số ấu trùng theo phân ra ngoài lột xác nhiều lần trở thành ấu trùng có tính lây nhiễm, nếu không gặp được ký chủ sẽ trở thành giun lươn đực và cái trưởng thành sống trong môi trường đất ẩm.

Dịch tễ: Nơi nào có giun móc là nơi đó có giun lươn. Giun lươn có ở nhiều nơi trên thế giới, chủ yếu là những vùng có khí hậu nhiệt đới ẩm. Ngoài ra, giun lươn còn xuất hiện ở những cộng đồng di dân và các cựu chiến binh từ các nước có bệnh lưu hành. Tại châu Á giun lươn có mặt ở nhiều nơi: Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, Malaysia,... Tại châu Âu giun lươn có nhiều ở các vùng khí hậu bán ôn đới có độ ẩm cao quanh năm. Tại châu Mỹ giun lươn có nhiều ở các nước Nam Mỹ vì nơi đây có khí hậu nhiệt đới ẩm.

Stuerchler (1981) chia tỷ lệ nhiễm thành 3 nhóm: rải rác (dưới 1%), nội dịch 1 - 5%, lưu hành nặng trên 5%. Ở Việt Nam tỷ lệ nhiễm 1 - 2% được xếp vào vùng nội dịch.

Ở nước ta vùng nội dịch của giun lươn hiện nay được biết là: Củ Chi, Thủ Đức, Hóc Môn,Long An, Bình Dương, Sông Bé,... Tỷ lệ nhiễm giun lươn ở Củ Chi là 3,2%. ó

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tìm hiểu về giun lươn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO