Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong lĩnh vực trồng trọt

PHÚC TẦN| 11/07/2020 22:20

KHPTO - Để đạt chứng nhận nông nghiệp hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt, đơn vị sản xuất - kinh doanh phải tổ chức sản xuất theo hướng bền vững, trong đó, đảm bảo rất nhiều nguyên tắc về vùng trồng, đầu vào, biện pháp kỹ thuật…

ISOCERT (Tổ chức chứng nhận và giám định quốc tế) đã xây dựng chương trình chứng nhận nông nghiệp hữu cơ theo bộ tiêu chuẩn TCVN 11041 do Bộ khoa học và công nghệ ban hành năm 2017.

ISOCERT chứng nhận nông nghiệp hữu cơ đối với các tiêu chuẩn sau: yêu cầu chung đối với sản xuất, chế biến, ghi nhãn sản phẩm nông nghiệp hữu cơ; trồng trọt hữu cơ, chăn nuôi hữu cơ; tổ chức đánh giá, chứng nhận hệ thống sản xuất và chế biến sản phẩm hữu cơ.

Đối với tiêu chuẩn trồng trọt hữu cơ, để đạt chứng nhận, đơn vị sản xuất - kinh doanh cần đảm bảo các nguyên tắc như: duy trì và tăng cường độ phì của đất tự nhiên, sự ổn định và độ tơi xốp của đất, chống xói mòn đất và giúp cây trồng hấp thu dinh dưỡng chủ yếu thông qua hệ sinh thái đất; giảm thiểu việc sử dụng các nguồn tài nguyên không tái tạo và các vật tư, nguyên liệu đầu vào không có nguồn gốc nông nghiệp; tái chế chất thải và phụ phẩm có nguồn gốc thực vật và động vật làm nguyên liệu đầu vào cho trồng trọt; có tính đến cân bằng sinh thái tại khu vực sản xuất; duy trì sức khỏe của cây trồng bằng các biện pháp phòng ngừa, ví dụ: lựa chọn loài và giống cây trồng kháng sâu bệnh phù hợp, sử dụng biện pháp luân canh thích hợp, sử dụng phương pháp cơ học và vật lý thích hợp, bảo vệ thiên địch của sinh vật gây hại.

Ngoài ra, khu vực trồng trọt hữu cơ phải được khoanh vùng, phải có vùng đệm hoặc hàng rào vật lý tách biệt với khu vực không sản xuất hữu cơ, và cách xa khu vực môi trường bị ô nhiễm.

Quá trình chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ có thể kéo dài trên cơ sở nhận diện và đánh giá các nguy cơ có liên quan. Giai đoạn chuyển đổi có thể được rút ngắn nếu có bằng chứng về việc không sử dụng các chất cấm làm vật tư, nguyên liệu đầu vào hoặc không thực hiện các hoạt động bị cấm.

Tiêu chuẩn này còn quy định về việc: duy trì sản xuất hữu cơ; sản xuất song song và sản xuất riêng rẽ; quản lý hệ sinh thái, đất, nước, phân bón, sinh vật gây hại; kiểm soát ô nhiễm; thu hái tự nhiên; các công nghệ không thích hợp; các chất được phép sử dụng trong trồng trọt hữu cơ; kế hoạch sản xuất hữu cơ; ghi chép, lưu giữ hồ sơ, truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm.

Được biết, các tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam (TCVN) được xây dựng trên cơ sở tham khảo các tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và phù hợp với thực tế sản xuất, kinh doanh của Việt Nam.

Tiêu chuẩn này đưa ra các nguyên tắc chung về sản xuất hữu cơ tại các trang trại, từ giai đoạn sản xuất, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, ghi nhãn, marketing và đưa ra các yêu cầu đối với vật tư đầu vào như phân bón, yêu cầu về ổn định đất canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại và bệnh cây trồng, phụ gia thực phẩm và chất hỗ trợ chế biến...

Đơn vị đạt chứng nhận nông nghiệp hữu cơ theo tiêu chuẩn TCVN 11041 sẽ được sử dụng dấu hữu cơ trên sản phẩm, đây là bằng chứng cam kết đơn vị đang sản xuất nông nghiệp bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ Việt Nam trong lĩnh vực trồng trọt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO