Thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam theo 2 giai đoạn

N.Ngọc| 11/05/2019 21:56

KHPTO - Việc triển khai khung trình độ quốc gia Việt Nam (VQF) đến nay vẫn chưa có nhiều kết quả. Lý giải nguyên nhân của tình trạng này đối với lĩnh vực giáo dục dại học, phó vụ trưởng vụ GDĐH Nguyễn Thu Thủy cho biết, do thiếu hụt nguồn lực để triển khai, sự phối hợp giữa cơ quan chủ trì và các cơ quan liên quan còn hạn chế. Cũng chưa thực hiện công nhận kỹ năng lẫn nhau ở cấp quốc gia và chưa hình thành các cơ chế công nhận lẫn nhau ở cấp khu vực.

Bộ GDĐT đang dự thảo quyết định ban hành kế hoạch thực hiện VQF Việt Nam trong lĩnh vực GDĐH theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 từ 2019 - 2020 với mục tiêu : thí điểm thực hiện VQR đối với một số ngành đào tạo thuộc các lĩnh vực ngành nghề được phép di chuyển trong ASEAN để hướng tới sự công nhận lẫn nhau về triển khai kỹ năng trong ASEAN. Ví dụ như kế toán, kỹ thuật xây dựng, kiến trúc, du lịch, điều dưỡng và các ngành đào tạo giáo viên thực hiện chương trình SGK mới (là lĩnh vực đặc thù cần ưu tiên của giáo dục). Giai đoạn 2 từ 2020 - 2025 sẽ triển khai VQF đối với các ngành đào tạo khác trong GDĐH và cập nhật đối với các ngành đã thí điểm trong giai đoạn 1.

Để triển khai VQF trong GDĐH, theo Bộ GDĐT, trước hết cần thành lập hội đồng khối ngành; xây dựng hướng dẫn phát triển chuẩn đầu ra đối với ngành đào tạo; hướng dẫn chỉ đạo các cơ sở GDĐH phát triển chương trình đào tạo dựa trên chuẩn đầu ra của ngành đào tạo cho phù hợp với VQF và tiến tới công nhận lẫn nhau ở cấp Quốc gia, khu vực. Đề xuất cơ chế đảm bảo chất lượng đào tạo dựa trên các quy định về chuẩn đầu ra của ngành và chương trình đào tạo.

Đa số các ý kiến đồng thuận về việc cần có hội đồng ngành khi triển khai xây dựng chuẩn đầu ra của ngành. Hội đồng này sẽ có sự tham gia của đại diện các cơ sở giáo dục đại học đang đào tạo ngành, Bộ quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, Bộ quản lý lĩnh vực đào tạo của ngành và đặc biệt cần có sự tham gia của các hiệp hội nghiệp nghề, các doanh nghiệp sử dụng lao động và các chuyên gia, nhà khoa học cũng như các bên liên quan khác. Với thành phần gồm các đại diện đó, hội đồng ngành sẽ xây dựng chuẩn đầu ra cho từng ngành để tạo ra những chuẩn mực đào tạo chung tối thiểu, thống nhất trong toàn quốc đối với các ngành đào tạo nhưng không “lấn sân” hay làm thay các cơ sở đào tạo trong việc xây dựng chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo. Điều này đặc biệt cần thiết khi Luật GDĐH sau khi sửa đổi đã mở rộng quyền tự chủ cho các đơn vị trong mở ngành, xây dựng chương trình, tuyển sinh, tổ chức đào tạo, đánh giá và cấp bằng.

Việc cần thống nhất trong xác định được nội hàm của chuẩn đầu ra cũng là một nội dung được nhiều chuyên gia cho đây là vấn đề quan trọng. Chuẩn đầu ra ngành đào tạo được xem như chuẩn năng lực tối thiểu cần đào tạo do các bên liên quan như các hiệp hội, các cơ sở giáo dục đại học, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp cùng phối hợp xây dựng; trở thành công cụ để kiểm soát chất lượng của các cơ sở đào tạo. Mỗi ngành được thực hiện ở nhiều trường với các chương trình đào tạo khác nhau và các trường thực hiện quyền tự chủ phát triển chương trình đào tạo của trường mình trên cơ sở chuẩn tối thiểu của từng ngành do Nhà nước quy định. Điều đó đảm bảo thực hiện quyền tự chủ của các trường nhưng cũng làm công cụ giám sát của Nhà nước, xã hội và các bên liên quan đối với việc mở ngành, thực hiện các chương trình đào tạo và giám sát chất lượng nói chung trong giáo dục đại học.

Vụ trưởng Vụ GDĐH Nguyễn Thị Kim Phụng khẳng định để triển khai VQF cần phải xây dựng lộ trình phù hợp. Các nước trên thế giới phải trên dưới 10 năm và nếu chúng ta tận dụng lợi thế của nước phát triển sau, học tập tốt kinh nghiệm của thế giới để rút ngắn thời gian thực hiện thì cũng phải mất 5-7 năm để thực hiện chu kỳ đầu. Đây phải là quá trình gồm nhiều giai đoạn tiếp nối, liên tục phát triển, cập nhật… chứ không phải là chỉ sau một khoảng thời gian chúng ta có thể làm xong việc.

Trước hết, triển khai xây dựng CĐR đến ngành, mà trước tiên sẽ là CĐR của các ngành thuộc các lĩnh vực ngành nghề mà lao động được dịch chuyển tự do trong khối ASEAN như kế toán, du lịch, điều dưỡng, kiến trúc, xây dựng… và những ngành Việt Nam đang chú trọng như: đào tạo giáo viên thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, những ngành liên quan đến công nghệ thông tin và truyền thông, nông nghiệp công nghệ cao ...

Tuy nhiên theo bà Phụng, Bộ GD sẽ phải triển khai tất cả các ngành trong lĩnh vực đó, mà mỗi lĩnh vực sẽ chọn ra một số ngành có khả năng xây dựng nhanh nhất, để triển khai trước. Vừa làm, vừa rút kinh nghiệm để từ đó từng bước triển khai ra những ngành khác ở trong nhóm ngành đó, cũng như ra các nhóm ngành khác. Kế hoạch sẽ theo hướng có lộ trình làm trong khoảng 5 - 7 năm để có thể cơ bản vào năm 2025 sẽ kết thúc được vòng đầu tiên để tiếp tục phát triển ở những vòng sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện khung trình độ quốc gia Việt Nam theo 2 giai đoạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO