Thúc đẩy triển khai mô hình giáo dục thông minh

N. QUỲNH| 20/05/2020 21:40

KHPTO - PGS.TS. Phạm Thế Bảo, trưởng phòng công nghệ thông tin Trường đại học Sài Gòn đã có một số kiến nghị để thúc đẩy quá trình triển khai mô hình giáo dục thông minh tại TP.HCM dựa trên các nhân tố sau:

Người học: người học ngày nay đã được tiếp xúc với công nghệ từ rất sớm, cũng vì vậy mà việc học tập hiện đại mang tính trải nghiệm và tính cá nhân hóa cao. Cần thay đổi phương pháp giảng dạy tiêu chuẩn để tương tác với học sinh - sinh viên được tốt hơn, hiệu quả hơn.

Công nghệ mở ra cánh cửa cho việc phát triển phong phú các công cụ học tập tạo điều kiện cho việc giảng dạy sinh động, hấp dẫn hơn thông qua cách kích thích thị giác, thính giác, thẩm mỹ và các giác quan khác của người học. Ngoài ra, cần phát triển công nghệ, ứng dụng giúp mỗi cá nhân học sinh - sinh viên có thể tối ưu hóa việc ghi chép của mình nhằm nâng cao khả năng hiểu bài và tạo điều kiện để ôn tập dễ dàng hơn.

Giáo viên, giảng viên: để đổi mới phương pháp giảng dạy có hiệu quả, giáo viên, giảng viên là yếu tố quyết định hàng đầu. Họ đóng vai trò chủ đạo, là người định hướng học tập cho học sinh, sinh viên học tập trong bối cảnh công nghệ thay đổi nhanh chóng. Đồng thời là người giúp cho học sinh, sinh viên rèn luyện tư duy, phát triển khả năng sáng tạo và các kỹ năng cần thiết; phải chuyển biến vai trò lấy người học làm trung tâm với sự định hướng, cố vấn từ giáo viên, giảng viên.

Bên cạnh đó, giáo viên, giảng viên phải cam kết nâng cao, bồi dưỡng và trau dồi về phương pháp dạy học thông minh phù hợp với từng cá nhân người học. Họ phải tự tin và chủ động ứng dụng đa dạng các phần mềm, các thiết bị công nghệ thông minh trong giảng dạy. Ứng dụng các sản phẩm công nghệ để thiết kế bài giảng trực quan sinh động để thu hút khả năng ham học hỏi của học sinh, sinh viên. Bên cạnh đó, cần đầu tư phát triển công nghệ để giảm thiểu thời gian trong các thủ tục như điểm danh, ra đề thi, chấm bài thi... để giáo viên, giảng viên có thể tập trung vào việc phát triển nội dung và nghiên cứu khoa học.

Giáo viên, giảng viên phải mở rộng thêm vai trò của mình không chỉ giới hạn trong việc giảng dạy mà còn thực hiện thêm vai trò như nhà quản lý, nhà cố vấn, nhà giáo dục, chú trọng phát triển năng lực dựa trên nền tảng công nghệ cao, hiện đại để giúp đỡ người học trong quá trình học tập thông minh.

Nhà trường: một giải pháp hữu hiệu là phát triển môi trường học tập tương tác trực tuyến, phục vụ cho từng khả năng và phong cách học tập của mỗi học sinh, sinh viên. Các hệ thống như vậy có thể đánh giá hiệu suất, cung cấp phản hồi thời gian thực cho học sinh, sinh viên và giáo viên, giảng viên. Điều này sẽ giúp thu hẹp khoảng cách trong các tiêu chuẩn giáo dục của sinh viên từ các nhóm kinh tế xã hội khác nhau. Sử dụng các tài nguyên giảng dạy và học tập trực tuyến, có thể cung cấp trải nghiệm giáo dục giống nhau cho tất cả học sinh.

Có thể tự động hóa nhiều nhiệm vụ hành chính, những dịch vụ này gây mất nhiều thời gian trong giáo dục. Dữ liệu và thông tin có thể được thu thập, chia sẻ và phân tích cục bộ và toàn hệ thống để theo dõi và đánh giá trong thời gian thực. Phân tích trên máy vi tính có thể giúp lãnh đạo thành phố và các tổ chức đưa ra các quyết định phân bổ nguồn nhân lực và chính sách một cách nhanh chóng và chính xác.

Ngoài ra, nhà trường cần phải mở rộng chương trình đào tạo một cách linh hoạt, lấy sự phát triển người học làm trung tâm; ưu thế giáo dục phù hợp từng cá nhân người học; trang bị các thiết bị công nghệ thông minh đa dạng, đồng bộ dựa trên nền tảng ICT có hệ thống camera giám sát; hệ thống công nghệ giám sát trường học, kết nối Internet băng thông rộng... Cần phải cập nhật thường xuyên cơ sở dữ liệu, tài nguyên học tập mở.

Nhà trường tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, đội ngũ chuyên gia, mở rộng quan hệ hợp tác trong và ngoài nước, tăng chỉ tiêu đào tạo và chất lượng học sinh, sinh viên. Đầu tư cho việc phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, có uy tín trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Từng bước triển khai, phổ biến các nội dung đào tạo về trí tuệ nhân tạo cho các học sinh xuất sắc. Định hướng nghiên cứu chiến lược và cơ bản.

Nhà tuyển dụng: nhà tuyển dụng mở rộng chế độ ưu đãi, đầu tư vào giáo dục có hỗ trợ trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence). Nhà tuyển dụng cần phải thường xuyên tài trợ xây dựng các nhóm nghiên cứu mạnh trong các trường đại học để đạt trình độ quốc tế; tài trợ hợp tác quốc tế để mời các chuyên gia đầu ngành AI về làm việc ngắn hạn - dài hạn tại TP.HCM để tư vấn cho phát triển và ứng dụng AI vào đặc thù của thành phố; tham gia cùng thành phố vào các dự án; hợp tác cùng trường học chặt chẽ trong tuyển dụng, định hướng nghề nghiệp, cải tiến chương trình đào tạo, tham gia quá trình đào tạo.

Thành phố: lãnh đạo thành phố định hướng chiến lược, chỉ tiêu; hoạch định chính sách, hành lang pháp lý, hỗ trợ ngân sách. Để TP.HCM trở thành một thành phố thông minh trên nền tảng giáo dục thông minh, công nghệ thông tin cần được áp dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực. Ngoài ra, cần sự phối hợp giữa sự lãnh đạo và tạo điều kiện khuyến khích của lãnh đạo thành phố, các cơ sở đào tạo và các viện nghiên cứu, các doanh nghiệp có tiềm năng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy triển khai mô hình giáo dục thông minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO