Thức ăn hỗ trợ bệnh cảm cúm

04/08/2022 09:59

KHPTO - Để giải cảm, nếu là sốt cảm hàn, người bệnh có thể dùng cháo gừng; hoặc có thể dùng cháo hành khi bị sốt cảm nóng.

Thông thường, bệnh tự giới hạn, nhưng cũng có thể đưa đến nhiều biến chứng nặng, chủ yếu tại phổi, thậm chí gây tử vong. Bệnh cúm nguy hiểm là do tính lây lan nhanh và gây thành dịch. Chính vì vậy, việc phòng ngừa cũng như điều trị cảm cúm nhận được sự quan tâm lớn.

Tình hình dịch cúm ở nước ta

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương, hàng năm Việt Nam vẫn ghi nhận từ 600.000 - 1.000.000 trường hợp mắc cúm mùa. Số mắc ghi nhận quanh năm và có xu hướng gia tăng vào thời điểm chuyển mùa hè - thu, đông - xuân.

Báo cáo của hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, gần đây, số trường hợp mắc hội chứng cúm hiện nay không có sự khác biệt so với những năm trước đây. Tuy nhiên, số nhập viện lại gia tăng tại một số bệnh viện tuyến cuối, trong đó phần lớn là các trường hợp nhiễm cúm A.

Thực tế, tại Hà Nội và nhiều địa phương, số mắc cúm A được ghi nhận ở mức cao. Trong tháng 6, Hà Nội ghi nhận gần 1.000 ca mắc cúm, tăng 60% so với tháng trước đó. Tổng cộng từ đầu năm đến nửa đầu tháng 7, Hà Nội ghi nhận hơn 2.600 ca cúm. 

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận tới gần 1.100 ca nghi nhiễm cúm. 35% trong số này mắc cúm A.

Hiện các ca cúm đã ghi nhận tại Việt Nam từ đầu năm đến nay không mắc phải chủng có độc lực cao. Thứ trưởng Liên Hương cho hay: từ đầu năm 2022 đến nay, Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp nhiễm cúm gia cầm A/H5N1, A/H5N6, A/H5N8, A/H7N9...

Bệnh cúm theo y học cổ truyền

Theo sách “Nội khoa học” của Trung y Thượng Hải, cảm - thường gọi là thương phong, là loại bệnh thường gặp, do phong tà xâm nhập vào gây ra. Nếu nhẹ chỉ vài ba ngày là khỏi, nếu cảm nặng hoặc có biến chứng sẽ lâu khỏi.

Cúm được mô tả thuộc nhóm bệnh ngoại cảm ôn bệnh: có sốt (chứng phát nhiệt), thiên về nhiệt chứng, diễn tiến có quy luật, cấp tính, có khi phát thành dịch và không theo quy luật. Cảm cúm có thể xảy ra trong 4 mùa (tứ thời cảm mạo), nhưng vào mùa đông thì thường gặp nhiều hơn.

Nguyên tắc điều trị

  • Người bệnh nhiễm cúm phải được cách ly y tế và thông báo kịp thời cho cơ quan y tế dự phòng.
  • Nhanh chóng đánh giá tình trạng người bệnh và phân loại mức độ bệnh. Các trường hợp bệnh nặng hoặc có biến chứng nặng cần kết hợp các biện pháp hồi sức tích cực và điều trị căn nguyên.
  • Thuốc kháng virus được dùng càng sớm càng tốt khi có chỉ định (nhiễm cúm A hoặc B, nghi ngờ hoặc xác định) có biến chứng hoặc yếu tố nguy cơ.
  • Một số điều trị hỗ trợ:

          + Hạ sốt: chỉ dùng Paracetamol khi sốt trên 38,5 oC, không dùng thuốc nhóm salicylate như aspirin để hạ sốt.

         + Đảm bảo cân bằng nước điện giải.

         + Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý.

Theo Hiệp hội Dinh dưỡng Hoa Kỳ, ăn uống lành mạnh là một cách tuyệt vời để tăng cường miễn dịch và ngăn ngừa cảm cúm. Cho nên, một chế độ ăn uống dinh dưỡng hợp lý sẽ góp phần giúp cải thiện các triệu chứng mà bệnh cúm gây ra.

Tuy nhiên, việc lựa chọn một số loại rau, gia vị, trái cây, món ăn hỗ trợ điều trị cảm cúm tại nhà cũng tỏ ra hiệu quả, cũng như một số thực phẩm nên tránh ăn uống khi mắc cúm để bệnh không nặng thêm hoặc bị biến chứng thì lại có không ít người bệnh vẫn chưa biết được.

Các loại rau, gia vị, món ăn nào hỗ trợ điều trị cúm A

Số lượng các loại cây rau làm gia vị tuy không nhiều nhưng về mặt giá trị thực phẩm, nhất là giá trị sử dụng làm thuốc chữa bệnh, trong nhiều trường hợp lại rất quan trọng.

Ví dụ như món cháo hành giải cảm đã đi vào văn học khi Thị Nở chăm sóc cho Chí Phèo ở làng Vũ Đại của cố nhà văn Nam Cao. Hay như nhiều đoạn văn vần dễ nhớ của Lương y Trần Nghĩa Trọng (1997):

Ngò: Ngò gai cay ngọt,

          Giải cảm không còn,

          Trị tiêu chảy rót,

          Ăn uống biết ngon.

Húng: Rau húng quế thơm,

          Khử tanh tiêu thực,

          Giải cảm ngon cơm,

          Hết cơn mỏi nhức.

Chanh: Chanh vỏ đắng the,

          Tiêu đàm tiêu thực,

          Trị ho khò khè,

          Nhức đầu tức ngực…

Các cây rau gia vị thường rất dễ trồng, nhanh chóng có sản phẩm an toàn sử dụng hàng ngày (như hành lá, gừng, tía tô,…). Ngay cả ở đô thị, kể cả ở nhà chung cư, cũng có thể trồng trong chậu. Mỗi gia đình thường dùng lượng rau gia vị không nhiều, nên dễ dàng trồng tự túc.

Sự kết hợp hài hòa âm dương trong cơ cấu thức ăn

Trong phong cách ăn uống của dân tộc ta, cơ sở để đánh giá các món ăn là tính nhiệt (nóng), hàn (lạnh), bình (mát), ấm (giữa nhiệt và bình). Cơ sở này cũng được dùng trong kê đơn thuốc y học cổ truyền.

Thức ăn có vị chua, vị đắng thuộc “bình” hoặc “ấm”; mặn thuộc “ấm”. Nhưng thực phẩm có tính nhiệt và ôn, vị cay vị ngọt đều thuộc “dương”. Còn thực phẩm có tính hàn và bình, có vị chua, vị đắng và vị mặn đều thuộc “âm”.

Theo học thuyết Âm - Dương, khi ăn vào, thức ăn sẽ tạo ra những biến đổi trong cơ thể, như làm cho cơ thể nóng/ấm lên tạo cảm giác hưng phấn, hay làm cho cơ thể mát mẻ, dễ chịu.

Nên chọn thức ăn có tác dụng điều hòa cơ thể đến thế cân bằng âm - dương thì có thể giữ được trạng thái thoái mái, hưng phấn, khỏe mạnh.

Trong cảm cúm, do tà khí (phong hàn tà hoặc phong nhiệt tà) xâm phạm vào cơ thể nhân lúc chính khí giảm sút mà gây bệnh.

Vận dụng những vị thuốc nhiệt, ôn dùng điều trị các chứng bệnh thuộc hàn (Tía tô, Kinh giới tính ôn, dùng trị hàn chứng trong ngoại cảm phong hàn; Quế nhục tính nhiệt dùng trị chứng hàn nhập lý); hoặc dùng các vị thuốc có tính hàn, lương để trị các bệnh thuộc nhiệt.

Để giải cảm, nếu là sốt cảm hàn, dùng cháo gừng; còn như khi bị sốt cảm nóng, người bệnh có thể dùng cháo hành. Nghiên cứu xác định được tính vị của mỗi loại thức ăn thì có thể chọn được thức ăn góp phần chữa cho mỗi căn bệnh, hợp với thể trạng của mỗi bệnh nhân.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thức ăn hỗ trợ bệnh cảm cúm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO