Thú chơi: cây bắt ruồi

PHƯƠNG DUY| 19/10/2010 16:03

Cây bắt ruồi (cây bắt mồi, cây ăn thịt) có nhiều hình thù đa dạng, ngộ nghĩnh, nhiều màu sắc, sống lâu, dễ trồng, có hoa đẹp và đặc biệt là bắt được côn trùng bằng những chiếc bẫy độc đáo.

Ngoài cây bắt mồi dạng bình (cây nắp ấm), còn có những loài bắt mồi dạng bẫy kẹp (venus flytrap) hay tiết ra keo dính (drosera, sundew, byblis). Cây nắp ấm không bắt mồi chủ động (phải nhờ cái bình dạng ấm) nhưng nó khá đa dạng, dễ trồng và sống được nhiều năm. Loài bắt mồi bằng bẫy kẹp có cơ chế bắt mồi linh động, lá hình vỏ sò đầy gai, đóng mở, có thể chủ động tóm bắt con mồi bay đến bằng những chiếc lá vỏ sò trong chớp mắt (khoảng 0,1 giây) tựa như có sự điều khiển của một hệ thần kinh động vật. Loài bắt mồi bằng keo dính không “cử động” nhưng bù lại chúng có hình dáng kỳ lạ và hấp dẫn, có khả năng dẫn dụ các côn trùng “háo sắc”. Ở các loài drosera, sundew, những tay lá biến thành bông hoa tung nở, xếp đều đặn vào nhau trên mặt đất, rực rỡ sắc hồng, đỏ và cả xanh ngọc.

Byblis mỏng manh với những chùm hoa màu hồng, tím, trên thân là thảm nhung mềm mại chính là những vũ khí lợi hại tiêu diệt côn trùng. Các cơ sở kinh doanh hoa kiểng ở Gò Vấp, Tân Bình, Q.7, Q.5 và nhiều cá nhân ở TP.HCM đã nhập hoa từ nước ngoài về để nhân giống và thuần dưỡng. Loài venus là đắt hơn cả vì ít hàng, với giá 250.000 - 480.000 đồng/cây; drosera 30.000 đồng... Ngoài ra người ta còn bán hạt giống với giá 40.000 - 100.000 đồng/gói 5 - 10 hạt.

Cây bắt mồi dạng ấm và dạng keo có ở rừng Việt Nam được bày bán khá nhiều ở các cửa hàng hoa kiểng, nhất là tại các tỉnh miền Trung, Tây Nguyên, giá từ 20.000 - 50.000 đồng/cây. Cây sưu tầm từ nước ngoài thường đa dạng và nhiều màu sắc hơn.

Khi mua hạt về gieo, nên tưới bằng nước mưa để nảy mầm tốt hơn. Tỷ lệ nảy mầm thường không cao. Nên gieo vào chậu có chất trồng là mụn xơ dừa hoặc dớn (giữ ẩm tốt), có thể dùng bao nylon hoặc ly nhựa đã khoét lỗ thoát hơi trùm lên miệng chậu và để ở nơi thoáng mát. Khi cây có lá mầm thì cho làm quen với nắng sáng. Khi cây lớn thì cho hẳn ra nắng. Các loài cây bắt mồi đều ưa nắng nhưng cũng ưa ẩm. Nên tưới thường xuyên, hoặc ngâm luôn chậu trồng trong chậu nước (ngập 1/4 chậu). Do khả năng bắt mồi để sinh tồn, cây bắt mồi có thể sống trong môi trường nghèo dinh dưỡng, vì vậy không nên bón quá nhiều phân, chỉ thỉnh thoảng cho vào chậu một ít để cây sung hơn. Với cây nắp ấm, nếu bón nhiều phân, cây sẽ ngưng ra bình và chết dần.

Cây bắt mồi venus rất thú vị:chúng uốn cong chiếc lá hình vỏ sò ra sau như thể lộn ngược miếng nhựa dẻo để tạo sức căng, khi con mồi lọt vào ổ phục kích thì hai mảnh lá nhanh chóng đóng lại, thế là cây ung dung xơi mồi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thú chơi: cây bắt ruồi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO