Thông tin về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM từ ngày 1/10

30/09/2021 19:19

Sáng ngày 30/9, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TPHCM (Ban chỉ đạo) tổ chức họp báo cung cấp thông tin về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại TPHCM kể từ ngày 1/10.

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình; Trưởng Ban Tuyên giáo Thành uỷ Phan Nguyễn Như Khuê và Phó Ban chỉ đạo Phạm Đức Hải chủ trì họp báo.

Tham dự có Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Lê Văn Minh; Phó vụ trưởng Vụ Báo chí Xuất bản ,Ban Tuyên giáo Trung ương Tống Văn Thanh; Phó Giám đốc Công an TP Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Võ Thị Trung Trinh; Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Hữu Châu; Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Thị Kim Cúc; Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Phan Công Bằng; đại diện lãnh đạo Bộ Tư lệnh TP; cùng phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí trú đóng trên địa bàn TP.

Tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội

Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình cho biết, thời gian qua, TPHCM đã triển khai quyết liệt, đồng bộ, tích cực, hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19 và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Trong đó, hệ thống y tế được tăng cường, củng cố; số ca nhập viện, chuyển nặng và tử vong liên tục giảm; tỷ lệ tiêm vắc xin cho người từ 18 tuổi trở lên đạt trên 95% được tiêm mũi 1 và trên 45% được tiêm mũi 2; một số hoạt động thí điểm phục hồi kinh tế - xã hội tại Quận 7, huyện Cần Giờ, huyện Củ Chi đảm bảo an toàn; ý thức của người dân và doanh nghiệp về công tác phòng, chống dịch được nâng cao; công tác an sinh xã hội, cung ứng lương thực, thực phẩm được đảm bảo.

Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố vẫn còn phức tạp, số ca mắc mới, số ca nhiễm bệnh đang điều trị tại nhà và tại các cơ sở y tế, tỷ lệ tử vong vẫn còn cao. Mặt khác, tỷ lệ tiêm vắc xin tại các tỉnh trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam còn rất thấp, tỷ lệ tiêm vắc xin mũi 2 của Thành phố chưa cao, đòi hỏi các quyết định, chính sách phục hồi kinh tế của Thành phố phải cân nhắc, thận trọng, kỹ lưỡng, phù hợp với cả Vùng.

“Mục tiêu của thời gian tới là tiếp tục kiểm soát, phòng, chống dịch COVID-19 trên toàn địa bàn Thành phố; ưu tiên bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết, kéo giảm số ca nhập viện và số ca tử vong đến mức thấp nhất; củng cố, tăng cường hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở. Từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội Thành phố an toàn, linh hoạt, hiệu quả; quan tâm mở các hoạt động của khu vực sản xuất, dịch vụ; đảm bảo an sinh xã hội cho người dân Thành phố. Đưa sinh hoạt của người dân bước sang trạng thái bình thường mới”,  Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hòa Bình thông tin về về việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội tại TPHCM kể từ ngày 1/10. Ảnh: Linh Nhi

Nhằm phát huy thành quả đã đạt được trong phòng, chống dịch COVID-19, từng bước phục hồi kinh tế - xã hội Thành phố phù hợp với giai đoạn hiện nay và tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả Nghị quyết số 86/NQ-CP, phương châm "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" của Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố yêu cầu các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố nghiêm chỉnh thực hiện việc tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, từ 18 giờ 00 ngày 30/9, tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội theo lộ trình phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh tại Thành phố và kết quả đánh giá mức độ an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Đối với công tác tiêm vắc xin, TP sẽ đa dạng hóa nguồn vắc xin, huy động mọi nguồn lực để đạt bao phủ vắc xin toàn dân sớm nhất. Ưu tiên tiêm đủ liều cho lực lượng tuyến đầu, người có nguy cơ cao (có bệnh nền, trên 50 tuổi, phụ nữ mang thai), lực lượng sản xuất. Triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em khi có hướng dẫn của Bộ Y tế và có nguồn vắc xin phù hợp.

Về công tác xét nghiệm và xác định cấp độ dịch, thực hiện nghiêm chiến lược xét nghiệm của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19, hướng dẫn của Bộ Y tế để chủ động phát hiện và tách nguồn lây nhiễm mạnh tại các khu vực nguy cơ cấp 3, 4 và triển khai các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.

Thực hiện xét nghiệm tầm soát tất cả các trường hợp có triệu chứng nghi ngờ, xét nghiệm giám sát trọng điểm tại các khu vực có nguy cơ cao, tập trung đông người như chợ đầu mối, bến xe, phương tiện vận chuyển, bệnh viện, trường học,… Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức và người dân tự làm xét nghiệm kháng nguyên nhanh định kỳ theo hướng dẫn của ngành y tế.

Tiến hành đánh giá cấp độ dịch thường xuyên theo đơn vị hành chính với quy mô phù hợp và quyết định các biện pháp theo Hướng dẫn tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả với dịch COVID-19” của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch COVID-19.

Đảm bảo 100% các quận, huyện, thành phố Thủ Đức có kế hoạch thiết lập Trạm Y tế lưu động và Tổ chăm sóc người nhiễm COVID-19 tại cộng đồng. Đảm bảo 100% các Trạm Y tế có oxy y tế và kịp thời cấp cứu cho người mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà, đồng thời phát huy Tổ phản ứng nhanh COVID-19 tại các địa bàn. Có phương án thiết lập Trạm Y tế lưu động tại khu, cụm công nghiệp (kết hợp với bộ phận y tế tại cơ sở sản xuất, kinh doanh hoặc kết hợp với các hệ thống y tế công lập, tư nhân).

Tiếp tục phát huy hiệu quả của mô hình điều trị 3 tầng, hạn chế tối đa số bệnh nhân trở nặng, kéo giảm tỷ lệ tử vong xuống mức thấp nhất có thể. Nâng cao năng lực điều trị của hệ thống các bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện tư nhân, chủ động ứng phó với các tình huống diễn biến của dịch bệnh. Nghiên cứu thành lập “Khoa COVID” tại các bệnh viện chuyên khoa Nhiễm và bệnh viện đa khoa.

Xây dựng hệ thống cảnh báo và xác định ngưỡng năng lực điều trị COVID-19. Có lộ trình phục hồi công năng của các bệnh viện đảm bảo thực hiện 2 chức năng trong tình hình mới, vừa sẵn sàng thu dung, điều trị người mắc COVID-19, vừa đảm bảo chức năng khám, chữa bệnh thông thường.

Củng cố và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cơ sở vật chất của hệ thống y tế, từ các bệnh viện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố đến các Trung tâm  Y tế quận, huyện, thành phố Thủ Đức và Trạm Y tế phường, xã, thị trấn. Đồng thời, đề xuất các cơ chế, chính sách để thu hút mọi nguồn lực tham gia công tác phòng, chống dịch và chăm sóc sức khỏe cho người dân; có kế hoạch đảm bảo nguồn nhân lực khi các lực lượng y tế hỗ trợ rút quân.

Nhằm đảm bảo an sinh xã hội, TP triển khai gói hỗ trợ (đợt 3) để trợ cấp cho đối tượng là người có hoàn cảnh thật sự khó khăn hiện đang có mặt tại Thành phố theo Nghị quyết số 97/NQ-HĐND ngày 22 tháng 9 năm 2021 của Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố, đảm bảo nguyên tắc đúng, đủ đối tượng, không bỏ sót, không trùng lắp.

Ban hành chính sách và kêu gọi nguồn lực xã hội hỗ trợ cho người già neo đơn và các trẻ em mồ côi do dịch COVID-19. Tiếp tục hỗ trợ gạo theo nguồn phân bổ của Chính phủ; huy động nguồn lực xã hội tham gia chăm lo cho người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi tổ chức, cá nhân cùng góp sức hỗ trợ cho các đối tượng khó khăn ổn định cuộc sống.

Phát huy hiệu quả hoạt động của Trung tâm Tiếp nhận và hỗ trợ hàng thiết yếu phục vụ người có hoàn cảnh khó khăn bởi dịch COVID-19 (Trung tâm an sinh); không ngừng cải thiện, nâng cao hiệu quả công tác an sinh xã hội, chăm lo cuộc sống của người dân.

Khi người dân có những triệu chứng (ho, sốt, khó thở,...) hoặc cần cấp cứu y tế, liên hệ ngay với số điện thoại đường dây nóng của Tổ phản ứng nhanh COVID-19 tại địa phương hoặc Tổng đài cấp cứu 115. Trường hợp người dân cần được hỗ trợ khẩn cấp về lương thực, thực phẩm, liên hệ ngay các Tổ An sinh xã hội của địa phương, Tổng đài 1022 hoặc đăng ký trên ứng dụng An sinh của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố.

Việc lưu thông di chuyển của người dân từ ngày 1/10

Trong thời gian ứng dụng PC-COVID chưa chính thức đưa vào hoạt động, người dân TPHCM khi tham gia lưu thông phải sử dụng mã QR của ứng dụng VNEID và ứng dụng Y tế HCM có thể hiện lịch sử tiêm vắc xin. Trường hợp không có mã QR, xuất trình giấy tờ sau: (1) Là người mắc COVID-19 đã khỏi bệnh dưới 180 ngày; (2) Đã tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 (ít nhất 1 mũi đối với loại vắc xin tiêm 2 mũi và ít nhất 14 ngày sau tiêm) khi được cơ quan chức năng yêu cầu.

Các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ được phép hoạt động trên địa bàn Thành phố phải đăng ký mã QR tại địa chỉ http://antoan-covid.tphcm.gov.vn/. Đến ngày 15/10, các cơ quan, đơn vị, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phải thực hiện quét mã QR (trên điện thoại di động thông minh hoặc được in trên giấy) của toàn bộ người đến liên hệ công tác,làm việc, giao dịch; sử dụng ứng dụng của Thành phố (hoặc ứng dụng PC-COVID) để kiểm soát và tổ chức hoạt động.

Thông tin thêm về việc kiểm soát phương tiện đi lại, Phó giám đốc Công an TPHCM Nguyễn Sĩ Quang cho biết, thời gian tới tất cả các chốt nội đô sẽ giải tỏa, Công an TP duy trì 12 chốt chính và 39 chốt phụ giáp ranh các tỉnh, địa phương với TPHCM. Công an TP sẽ phối hợp với công an các địa phương tiếp tục kiểm tra phương tiện, người tham gia lưu thông bằng mã QR và các công cụ nhận diện của từng ngành, lĩnh vực.

UBND TP lưu ý, người dân không tự ý đi lại giữa các tỉnh, thành phố khác. Trường hợp cấp thiết cần đi lại liên tỉnh phải thực hiện theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải. Công an TP sẽ kiểm soát và xử lý nghiêm trường hợp người dân tự ý thông chốt.

Trao đổi thêm về vấn đề này, Phó chủ tịch UBND TP Lê Hòa Bình cho rằng, việc kiểm soát chặt là vì an toàn của người dân TPHCM và các tỉnh lân cận. “Mỗi tỉnh thành có độ phủ vắc xin khác nhau, việc hạn chế người dân đi lại giữa các tỉnh để đảm bảo sức khỏe của người dân. Do đó, nếu không có việc cần thiết thì người dân cần hạn chế tối đa việc di chuyển tới các chốt, việc này cũng là tạo điều kiện để ưu tiên cho phương tiện vận chuyển hàng hóa, nhu yếu phẩm, nhằm đảm bảo việc cung ứng hàng hóa và sản xuất kinh doanh”, ông Lê Hòa Bình nhấn mạnh.

Đối với người dân đi lại trong nội thành, việc kiểm soát thông qua tuần tra kiểm soát đột xuất trên đường, ngẫu nhiên 24/24h. Công an TP có thể thành lập một số chốt lưu động để kiểm tra và tổ chức cả test nhanh y tế.

“Trẻ em dưới 18 tuổi hiện đang học online, chưa có việc cần thiết không để các em ra đường, không tham gia lưu thông bằng xe máy. Trẻ em khi chưa tiêm vắc xin thì không để các em tự ý ra đường làm ảnh hưởng tới sức khỏe”, ông Lê Hòa Bình nói thêm.

Người nước ngoài khi nhập cảnh vào Thành phố tiến hành khai báo y tế tại cửa khẩu và sau đó sử dụng mã QR hoặc giấy tờ thay thế cho các hoạt động tại Thành phố.

Hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy nội địa trên địa bàn Thành phố phù hợp với cấp độ dịch bệnh của từng khu vực, địa phương, theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải. Phương tiện giao thông cá nhân chỉ được phép lưu thông trong phạm vi Thành phố.

Hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh (đường bộ, đường thuỷ, đường sắt, đường hàng không) theo lộ trình phù hợp với kế hoạch của Bộ Giao thông vận tải và quy định của Bộ Y tế.

Hoạt động vận chuyển hàng hóa bằng xe mô tô có sử dụng công nghệ kết nối với hành khách (shipper) thực hiện theo hướng dẫn của Sở Công Thương.

Các ngành nghề được phép hoạt động từ ngày 1/10

1. Các cơ quan, đơn vị nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị Nhà nước của Trung ương đóng tại Thành phố Hồ Chí Minh. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định số lượng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động theo quy định của Ủy ban nhân dân Thành phố, đảm bảo Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch COVID-19.

2. Các cơ quan lãnh sự, tổ chức quốc tế và văn phòng kinh tế - văn hóa nước ngoài có trụ sở trú đóng trên địa bàn Thành phố chủ động quyết định phương thức làm việc phù hợp với đặc thù của tổ chức và đáp ứng quy định về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 của Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Y tế.

3. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và tư nhân, gồm: Bệnh viện đa khoa và chuyên khoa; Bệnh xá thuộc lực lượng Công an nhân dân; Phòng khám đa khoa; Phòng khám chuyên khoa phòng xét nghiệm, phòng chuẩn đoán hình ảnh, phòng X quang; Phòng khám y học gia đình; Nhà hộ sinh...

Các cơ sở dịch vụ y tế, bao gồm: Doanh nghiệp sản xuất thuốc; Doanh nghiệp xuất nhập khẩu thuốc; Doanh nghiệp bảo quản thuốc; Doanh nghiệp bán buôn thuốc; Cơ sở bán lẻ thuốc; Doanh nghiệp sản xuất mỹ phẩm; Doanh nghiệp xuất nhập khẩu mỹ phẩm; Doanh nghiệp bán buôn mỹ phẩm; Cơ sở bán lẻ mỹ phẩm; Doanh nghiệp sản xuất vật tư, trang thiết bị y tế; Doanh nghiệp bán buôn vật tư, trang thiết bị y tế; Doanh nghiệp xuất nhập khẩu vật tư, trang thiết bị y tế; Cơ sở bán lẻ vật tư, trang thiết bị y tế.

Các cơ sở kinh doanh dược, mỹ phẩm, vật tư, trang thiết bị y tế, bao gồm: Cơ sở dịch vụ tiêm (chích), thay băng, đếm mạch, đo nhiệt độ, đo huyết áp; Cơ sở dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại nhà; Cơ sở dịch vụ cấp cứu, hỗ trợ vận chuyển người bệnh trong nước và ra nước ngoài; Cơ sở dịch vụ kính thuốc.

4. Các hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ, bao gồm:

- Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu Công nghệ cao, Công viên Phần mềm Quang Trung, cụm công nghiệp và trên địa bàn quận, huyện, thành phố Thủ Đức.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã thương mại dịch vụ, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ gia đình sản xuất, kinh doanh nông, lâm, ngư nghiệp; dịch vụ hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, cơ sở thú y, đối tượng hành nghề thú y.

- Công trình giao thông, xây dựng.

- Hoạt động kinh doanh, thương mại - dịch vụ gồm: Cung cấp lương thực, thực phẩm; Trung tâm thương mại, siêu thị, siêu thị mini; cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tạp hóa; chợ đầu mối, chợ truyền thống; Xăng, dầu, gas, hóa chất; điện; nước; nhiên liệu; vật liệu; Dịch vụ mua bán, sửa chữa, bảo trì các loại xe, máy móc, thiết bị dân dụng, công nghiệp; Dịch vụ quản lý, vận hàng, bảo trì, sửa chữa, ứng dụng hệ thống hạ tầng, trang thiết bị của các cơ quan, tòa nhà, chung cư.

- Dịch vụ công ích; dịch vụ bảo vệ; trạm thu phí sử dụng đường bộ; dịch vụ tư vấn xây dựng; dịch vụ vệ sinh môi trường; dịch vụ quan trắc và xử lý môi trường; dịch vụ giới thiệu việc làm; dịch vụ cưới - hỏi; dịch vụ rửa xe; dịch vụ tang lễ; dịch vụ tiện ích công như: cấp thoát nước, công viên, cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, giao thông vận tải.

- Hoạt động của văn phòng, văn phòng đại diện của doanh nghiệp trong và ngoài nước, chi nhánh thương nhân nước ngoài tại Thành phố.

- Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, logistic và bổ trợ doanh nghiệp, người dân (công chứng, luật sư, đấu giá tài sản, tư vấn thẩm định giá, kiểm toán, dịch vụ tài chính, thừa phát lại, trọng tài thương mại, hòa giải thương mại, tư vấn pháp luật, giám định tư pháp, quản lý - thanh lý tài sản, đăng kiểm, đăng ký giao dịch bảo đảm, đăng ký biến động đất đai), chứng khoán; dịch vụ cầm đồ.

- Bưu chính, viễn thông; in, xuất bản, báo chí; hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; doanh nghiệp lịch; cửa hàng sách, thiết bị văn phòng; đường sách; thư viện, phòng tranh, triển lãm mỹ thuật, nhiếp ảnh; đồ dùng, dụng cụ học tập; công nghệ thông tin; thiết bị tin học; cửa hàng điện máy; cửa hàng mắt kính; cửa hàng thời trang, may mặc; cửa hàng vàng bạc đá quý và đồ trang sức.

- Kho dự trữ, điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa.

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống: chỉ được bán hàng mang đi; đối với nhà hàng trong các cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch chỉ được phục vụ tại chỗ cho khách lưu trú, tham quan, không tổ chức buffet.

- Cơ sở kinh doanh dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động tối đa 50% công suất.

- Các hoạt động xúc tiến thương mại bao gồm hội chợ, triển lãm, hội nghị, sự kiện kết nối cung cầu, tiêu thụ sản phẩm:

+ Hoạt động trong nhà tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 70 người.

+ Hoạt động ngoài trời tập trung tối đa 15 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 100 người.

- Cơ sở lưu trú, cơ sở nghỉ dưỡng, tham quan du lịch, các dịch vụ khác phục vụ cho khách tham quan được hoạt động tối đa 50% công suất với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch.

- Các hoạt động khác phải được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

5. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao:

- Hoạt động tham quan bảo tàng được hoạt động với điều kiện đáp ứng Bộ Tiêu chí đánh giá an toàn phòng, chống dịch, mỗi nhóm tham quan tại từng khu vực trưng bày tối đa 10 người cùng một thời điểm.

- Những sự kiện biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, thi đấu được tổ chức quy mô tối đa 70 người với điều kiện 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được cơ quan có thẩm quyền cho phép tổ chức.

- Các hoạt động thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe hàng ngày của người dân được hoạt động, nếu hoạt động theo từng nhóm tối đa 15 người/nhóm. Trường hợp có 100% người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, được hoạt động tối đa 100 người.

- Tổ chức đám tang, đám cưới hạn chế tối đa 20 người cùng một thời điểm.

6. Hoạt động giáo dục, đào tạo:

- Tiếp tục tổ chức dạy - học gián tiếp, trên môi trường internet, qua truyền hình; từng bước củng cố các điều kiện để có thể kết hợp dạy - học trực tiếp. Các loại hình đào tạo cho người đã được tiêm đủ liều vắc xin, có thể dạy – học trực tiếp nếu đảm bảo các tiêu chí an toàn theo quy định.

- Bố trí các hoạt động lệch ca, lệch giờ; không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, giãn cách tối đa, đảm bảo giới hạn về số người tập trung theo quy định.

7. Hoạt động của các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 70 người.

8. Hoạt động tập trung ngoài trời, trong nhà:

- Hoạt động trong nhà (hội họp, tập huấn, hội thảo,…) tập trung tối đa 10 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 70 người.

- Hoạt động ngoài trời tập trung tối đa 15 người; trường hợp người tham gia đã được tiêm đủ liều vắc xin hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 được tập trung tối đa 100 người.

- Các trường hợp khác phải được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận

Các hoạt động tiếp tục tạm dừng hoạt động từ ngày 1/10

- Các sự kiện: văn hóa, nghệ thuật, tôn giáo, tín ngưỡng, mít tinh, lễ phát động trừ các trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép hoạt động.

- Hoạt động kinh doanh, dịch vụ: quán bar, spa, massage, dịch vụ làm đẹp, dịch vụ ăn uống tại chỗ, rạp chiếu phim, vũ trường, karaoke, trò chơi điện tử.

- Hoạt động bán hàng rong, vé số dạo.

- Hoạt động của cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác trừ các trường hợp được cho phép hoạt động quy định tại Phụ lục 3.

"Ý thức của người dân là chìa khóa then chốt để chiến thắng đại dịch"

Phát biểu tại họp báo, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Lê Hải Bình cho rằng, trong bối cảnh thế giới vẫn còn đang đối mặt với diễn biến phức tạp của đại dịch, nhiều quốc gia đang lúng túng trong việc xác định chiến lược đối phó dịch bệnh, việc TPHCM đưa ra chỉ thị mới trong lúc này là “quyết định cân não” của Đảng bộ và Chính quyền TP.

“Với đặc thù là TP đông dân cư, là trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của Vùng, làm thế nào để đáp ứng kỳ vọng của người dân được quay trở lại cuộc sống bình thường mà vẫn đảm bảo kiểm soát dịch bệnh, đồng thời đáp ứng đúng theo tinh thần chỉ đạo chung của trung ương là bài toán khó mà TPHCM đang phải giải”, ông Lê Hải Bình bày tỏ.

Để xây dựng dự thảo chỉ thị mới, Đảng bộ và chính quyền TP đã xin ý kiến tham khảo các nhà khoa học, khảo sát thực tế ý kiến người dân, tham khảo ý kiến của lãnh sự quán để học hỏi kinh nghiệm từ các nước. Tinh thần của chỉ thị là tuân thủ nghiêm túc, phương châm của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 quốc gia, bước sang giai đoạn với nguyên tắc mới “thích ứng, an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch”, trên quan điểm “an toàn tới đâu mở tới đó”,  “an toàn mới sản xuất, sản xuất phải an toàn”…

“Việc thời gian tới TPHCM sẽ bước sang một thời kỳ mới phát triển hay quay trở lại trạng thái như 4 tháng qua hay không phụ thuộc vào việc triển khai chỉ thị lần này. Trong đó, ý thức của người dân là chìa khóa then chốt để chiến thắng được đại dịch”.

Bên cạnh đó, ông Lê Hải Bình nhấn mạnh vai trò quan trọng của báo chí đối với TP ở giai đoạn này. “4 tháng qua chỉ đóng cửa, nay TP nới dần các biện pháp, từng bước mở cửa, cũng là lúc những lúng túng bất cập sẽ xuất hiện. Những điểu TP làm là chưa có tiền lệ, các lực lượng cơ quan chức năng đã căng sức trong thời gian dài. Trong khi đó, kỳ vọng người dân về việc mở cửa lại rất lớn. Bởi vậy, giai đoạn này sẽ càng khó khăn phức tạp hơn trước.

Khang Minh

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông tin về biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại TP.HCM từ ngày 1/10
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO