Thiết kế máy cắt bột và tạo viên trân châu

Như Quỳnh| 25/04/2019 16:40

KHPTO - Đề tài do nhóm nghiên cứu Nguyễn Hoàng Dũng, Nguyễn Văn Chí Hiền, Hà Minh Trí, Lê Nguyễn Trung Thành, và Nguyễn Phước Lộc, Trường đại học Cần Thơ và Trường cao đẳng nghề Kiên Giang thực hiện.

Bột gạo là nguyên liệu chủ yếu để làm ra nhiều loại bánh truyền thống (bánh hỏi, bánh xèo, bánh canh, bún, …) khác nhau ở Việt Nam. Để tạo ra nguyên liệu bột gạo, người ta cần thực hiện một số giai đoạn sau: ngâm gạo, xay gạo tạo bột, tách nước từ bột được xay, cắt bột tạo thành các khối nhỏ hoặc lát mỏng và cuối cùng là công đoạn phơi hoặc sấy khô bột.

Hiện nay, các công đoạn xay bột và tách nước ra khỏi bột đã được các doanh nghiệp lớn đầu tư trang thiết bị máy móc hỗ trợ với công suất lớn. Tuy nhiên, công đoạn cắt bột thành các khối nhỏ hoặc lát mỏng nhằm phơi nhanh khô vẫn chưa có thiết bị hỗ trợ.

Các làng nghề làm bột gạo nguyên liệu để bán ra thị trường được hình thành nhiều nơi ở Đồng Bằng Sông Cửu Long như thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng Tháp) và huyện Mỹ Tú (tỉnh Sóc Trăng). Ở các làng nghề này, phần nhiều các công đoạn tạo bột nguyên liệu được thực hiện bằng phương pháp thủ công, chưa sử dụng các dây chuyền công nghệ tự động hoặc bán tự động. Cụ thể là ở làng nghề làm bột gạo Sa Đéc, chỉ có 8,85% hộ/doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ và số còn lại là sử dụng công nghệ cũ hoặc phương pháp thủ công.

Các hộ dân tạo bột nguyên liệu bằng phương pháp thủ công vì chưa có nhiều tiền đầu tư trang thiết bị hiện đại: theo số liệu khảo sát tại làng nghề làm bột nguyên liệu ở Mỹ Tú, các hộ dân muốn sản xuất với quy mô nhỏ từ 50 - 150 kg/ngày; riêng ở Sa Đéc, số hộ sản xuất từ 200-500 kg/ngày chiếm 82,01%, dưới 200 kg/ngày chiếm 12,97% và chỉ số ít hộ có quy mô sản xuất trên 500 kg/ngày chiếm 5,02 %. Trong khi đó, thị trường thương mại chỉ cung cấp các loại máy móc nhập khẩu hỗ trợ với công suất lớn từ vài tấn đến hàng ngàn tấn/ngày. Do đó, số hộ dân trong làng nghề không có đủ tiền để đầu tư trang thiết bị như thế.

Ngoài ra, nhu cầu của người Việt muốn các sản phẩm bột gạo phải sạch (không sử dụng phụ gia và không sử dụng chất bảo quản). Các công nghệ hiện đại sản xuất với số lượng lớn thì không tránh khỏi việc sử dụng các chất bảo quản để có thể lưu thông trên thị trường trong thời gian dài. Một nhược điểm nữa là đối với một số thiết bị hiện đại, công suất đầu ra lớn nhưng sản phẩm đầu ra chưa đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng như khối bột được nén quá chặt hoặc một phần bột bị chín trong quá trình nén. Khối/lát bột bị nén quá chặt sẽ gây khó khăn cho người tiêu dùng lúc chế biến các loại bánh. Một phần bột trong khối bột nguyên liệu đã chín sẽ không tạo được tính đồng đều của bánh thành phẩm.

Để giải quyết khó khăn trên, máy cắt bột tự động và tạo viên trân châu được đề xuất. Máy được thiết kế với công suất dự kiến 400 kg/ngày. Có 3 loại khung dao để tạo lát bột đầu ra được đề xuất (3 mm, 5 mm và 7 mm). Tùy theo thời tiết hoặc nhu cầu mà các hộ dân có thể sử dụng một trong ba loại khung dao nêu trên. Khung với kích thước càng nhỏ, lát bột đầu ra sẽ mỏng và nhanh khô. Đầu ra của các lát bột được nén sao cho không chín hoặc quá chặt. Máy sau khi thiết kế được thử nghiệm tại làng nghề làm bột nguyên liệu của huyện Mỹ Tú tỉnh Sóc Trăng. Hơn nữa để tạo tính linh hoạt cho máy cắt bột tự động, một cơ cấu cắt và vo viên trân châu được tích hợp. Các viên trân châu được vo xong sẽ tròn đều và rớt xuống máng trượt.

Máy cắt bột tự động đã thiết kế thành công và được vận hành thử nghiệm tại huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng. Máy hoạt động ổn định, sản phẩm đầu ra đồng đều đáp ứng được nhu cầu thực tế của người dân sản xuất bột nguyên liệu tại đây. Năng suất máy cắt bột tự động đạt xấp xỉ 400 kg/ngày. Máy có thể cắt được loại bột gạo với 3 kích thước có độ dày khác nhau: 3 mm, 5 mm và 7 mm. Nếu trời nắng tốt, loại dao cắt 5 mm hoặc 7 mm được sử dụng. Ngược lại nếu trời nhiều mây và nắng ít thì loại dao 3 mm được sử dụng để tạo ra các khối bột mỏng và phơi dễ khô hơn.

Ngày nay, trà sữa trân châu trở nên phổ biến và được nhiều người yêu thích. Để tạo được những viên trân châu đồng đều nhau thì cần có máy hỗ trợ cắt và vo viên. Trong nghiên cứu này, một cơ cấu cắt và vo viên được kết hợp với máy cắt bột tự động để tạo ra các viên trân châu đồng đều nhau. Cơ cấu của máy cắt và vo viên trân châu gọn nhẹ. Nguyên vật liệu được làm từ nhôm đúc và nhựa đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Thanh bột từ máy cắt bột tự động sẽ đưa vào máy cắt và vo viên trân châu. Các viên trân châu thành phẩm khá đồng đều.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thiết kế máy cắt bột và tạo viên trân châu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO