Thí sinh đăng ký thi vào ngôn ngữ học ngày càng tăng

A.T| 15/04/2017 08:19

KHPTO - Từ ngày 21-2-2017, Bộ môn ngôn ngữ học trực thuộc Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM được thành lập trên cơ sở tách ra từ khoa văn học và ngôn ngữ. Đây là đơn vị duy nhất phụ trách đào tạo cử nhân ngành ngôn ngữ học ở khu vực phía Nam.

 Bên cạnh đó, 3 ngành đào tạo sau đại học do BM phụ trách cũng đang rất thu hút sự lựa chọn của các sinh viên, học viên các ngành đào tạo có liên quan đến ngôn ngữ học. Các thí sinh cận ngành, đặc biệt là các ngành liên quan đến ngoại ngữ (Anh, Pháp, Trung, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nga…) cũng có khuynh hướng lựa chọn thi vào các ngành sau đại học của Ngôn ngữ học.

 Sự phát triển của BM thời gian qua gặp một số vấn đề bất cập như cử nhân Ngôn ngữ học được đào tạo chung với hai ngành khác (Văn học và Hán Nôm) trong 3 học kỳ đầu. Vì vậy, thời gian dành cho việc học các môn chuyên ngành còn quá hạn hẹp dẫn đến tình trạng sinh viên Ngôn ngữ học chưa được trang bị đầy đủ những kiến thức cơ bản, nhập môn của chuyên ngành ngay từ đầu, để đáp ứng chuẩn đầu ra theo đúng nhu cầu xã hội.

 Cơ chế phân bổ các hạng mục của trường đại học hiện nay thường là phân bổ theo khoa/đơn vị trực thuộc trường: nhân sự, học bổng, thực tập thực tế, cơ sở vật chất, chỉ tiêu đào tạo, kinh phí đề tài khoa học, kinh phí viết giáo trình, kinh phí tổ chức hội thảo, tọa đàm, suất đi học nước ngoài,… Vì vậy, mặc dù BM đã và đang đảm đương khối lượng công việc tương đương với công việc của một khoa nhưng những hỗ trợ, phân bổ mà BM nhận được vẫn phải đặt trong tương quan với 5 BM khác trực thuộc Khoa.

 Trong việc xây dựng chương trình đào tạo hoặc đề xuất các kế hoạch tọa đàm, hội thảo mang tính chuyên môn sâu thường không được tự chủ vì phải phụ thuộc vào quan điểm chung của Hội đồng khoa học của tất cả những chuyên ngành khác nhau trong Khoa.

 Thực tế, các chương trình đào tạo Ngôn ngữ học trên thế giới có nhiều khác biệt so với chương trình đào tạo của BM hiện hành. Việc tách thành một BM trực thuộc Trường sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho BM trong việc thay đổi và cập nhật chương trình theo hướng chuyên sâu ngôn ngữ học.

 Việc xây dựng và phát triển BM Ngôn ngữ học vững mạnh tiến tới thành lập Khoa Ngôn ngữ học là nguyện vọng của tất cả thầy cô trong BM cũng như của sinh viên, cựu sinh viên, học viên cao học và nghiên cứu sinh của ngành. Điều này tạo tiền đề cho sự mở rộng và phát triển nguồn nhân lực chuyên sâu về lĩnh vực này ở các tỉnh phía Nam của đất nước trong tương lai.

Từ trước đến nay, BM Ngôn ngữ học có một cơ cấu tổ chức tương đối độc lập với các BM khác trong Khoa ở một số phương diện: hoạt động chuyên môn (đào tạo/nghiên cứu), tổ chức đào tạo, nội dung chương trình. Hiện nay các hoạt động đào tạo và nghiên cứu đều có thể tổ chức riêng biệt. Chương trình đào tạo hiện hành không bị ảnh hưởng đáng kể khi BM tách ra. Trong chương trình đào tạo của khóa tuyển sinh đại học 2017, BM đã có điều chỉnh: rút số TC xuống còn 120 TC, cắt bớt một số môn chưa thực sự phù hợp, đồng thời bổ sung các môn học mang tính chuyên sâu ngôn ngữ học và có khả năng ứng dụng cao.

Hiện nay, ở bậc đại học, BM có 2 hệ đào tạo: hệ chuẩn, hệ cử nhân tài năng; ở bậc sau đại học, có 1 ngành đào tạo cao học (Ngôn ngữ học) và 2 ngành đào tạo nghiên cứu sinh (Ngôn ngữ học và Ngôn ngữ học so sánh đối chiếu).

Theo TS. Huỳnh Thị Hồng Hạnh Hiểu, một cách đơn giản, Ngôn ngữ học là một ngành học cung cấp các kiến thức liên quan đến các lý thuyết ngôn ngữ và Việt ngữ học, chú trọng rèn luyện các kỹ năng sử dụng ngôn ngữ trong mọi lĩnh vực của đời sống.

 Nếu như học Văn học, người học sẽ được cung cấp các kiến thức chuyên sâu về văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, các trường phái văn học, sáng tác, phê bình văn học,… thì học Ngôn ngữ học sẽ được tìm hiểu chuyên sâu về các phổ niệm ngôn ngữ, những cơ sở lý thuyết về các loại hình ngôn ngữ trên thế giới, các trường phái ngôn ngữ, các lĩnh vực của Việt ngữ học và Ngôn ngữ học ứng dụng… Đặc biệt, Ngôn ngữ học ứng dụng hiện đang là lĩnh vực rất được chú trọng ở nhiều trường đại học lớn trên thế giới.

 Người được đào tạo về Ngôn ngữ học có thể làm việc trong nhiều ngành nghề liên quan đến hoạt động giao tiếp, có kỹ năng sử dụng ngôn ngữ phù hợp, diễn đạt chính xác, hiệu quả như: quan hệ công chúng, tổ chức sự kiện, báo chí truyền thông, xuất bản, kinh doanh, hành chính văn phòng,…
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thí sinh đăng ký thi vào ngôn ngữ học ngày càng tăng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO