Thi máy thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long

10/08/2007 16:45

Cơ giới hóa thu hoạch lúa vùng ĐBSCL trở nên bức thiết khi nhân công cắt lúa mướn ngày càng khan hiếm. Mặt khác do phải “né rầy” nên các vụ mùa tập trung xuống giống đồng loạt, lúa ngoài đồng chín rục mà nông dân không thuê được công cắt lúa, gây thất thoát lớn. Ngày 3/8/2007, tại Kiên Giang, Bộ NN&PTNT đã tổ chức “thi tuyển” máy gặt đập liên hợp giúp nông dân chọn máy phù hợp.

Thực hiện cơ giới hóa: nông dân không đủ sức

TS. Lê Văn Bảnh, viện trưởng Viện lúa ĐBSCL cho biết, là vùng sản xuất lúa lớn nhất nước với 3,9 triệu ha, thời gian qua ĐBSCL thiếu công thu hoạch dẫn tới nông dân thu hoạch trễ, hoặc phơi lúa mớ trên đồng, làm tăng thất thu về số lượng. Chất lượng gạo cũng ảnh hưởng, do hạt lúa quá chín phơi trên đồng làm tăng tỷ lệ hạt gạo gãy khi xay xát. Để đảm bảo kịp thời vụ thu hoạch, việc cơ giới hóa sản xuất, đặc biệt là khâu thu hoạch rất cần thiết.

Nông dân hiện rất cần công cụ hỗ trợ sản xuất lúa nhưng nhiều người thực sự không đủ sức. Mỗi máy gặt đập liên hợp (GĐLH) thuộc loại “xài được” đều có giá trên 100 triệu đồng, riêng máy GĐLH nhập từ Trung Quốc giá hiện nay lên đến 175 triệu đồng. Nếu một nông dân có 20 công ruộng (20.000 m2), mỗi vụ lời 10 triệu đồng, sản xuất 2 vụ/năm thì họ phải “buộc bụng” tích lũy liên tục từ 3 - 4 năm mới đủ mua máy. Do đó mua máy GĐLH với những nông dân sản xuất nhỏ là không khả thi. Tỉnh Long An, Tiền Giang, An Giang, Đồng Tháp… có chính sách hỗ trợ nông dân mua máy GĐLH nhưng vẫn chưa địa phương nào cơ giới hóa thu hoạch đạt mức 40%.

Để đảm bảo việc cơ giới hóa thuận lợi, theo các nhà khoa học, cần giải quyết các yêu cầu sau: diện tích lô thửa phải đủ rộng để máy xoay trở dễ dàng lúc vận hành. Giao thông nông thôn thủy, bộ cần mở rộng thuận tiện cho máy di chuyển. Quản lý nước trên đồng ruộng, chủ động rút khô ruộng trước lúc thu hoạch. Trong canh tác phải lưu ý, cần cày ải hàng năm để tạo tầng đế cày, tránh bị lầy lún, mặt ruộng san tương đối bằng phẳng, chú ý chế độ dinh dưỡng để cây lúa hạn chế đổ ngã…

Máy gặt do nông dân chế tạo “lên ngôi”

Trước thực trạng này, nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho việc cơ giới hóa cả trong sản xuất và thu hoạch cho ĐBSCL. Hiện nay, dù Bộ NN&PTNT đầu tư cho Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch nghiên cứu sản xuất máy GĐLH nhưng gần 10 năm qua, máy GĐLH của viện này trình làng rất “ì ạch”, ngay cả cuộc thi máy GĐLH tại ĐBSCL vừa qua, viện đăng ký nhưng đến phút chót thì “bỏ thi”. Chỉ còn lại những máy do chính nông dân, doanh nghiệp tư nhân và máy nhập từ Trung Quốc ra tranh tài. Qua các ngày dự thi, máy GĐLH do nông dân chính gốc thiết kế sản xuất đã chứng tỏ “anh tài” và được nông dân khen ngợi. Diễn ra đúng lúc thời tiết mưa gió do ảnh hưởng của bão số 2, ruộng thi sình lầy, ngập nước… nên sang phần thi “cắt lúa đổ ngã trong điều kiện sình lầy”, nhiều máy dự thi, trong đó có máy Trung Quốc “không dám xuống ruộng”. Qua cuộc thi tuyển này, ban giám khảo và nông dân “tâm phục khẩu phục” công nghệ chế tạo máy của các “kỹ sư chân đất Việt Nam”.

TS. Lê Văn Bảnh cho biết, tại ĐBSCL có hai dòng máy được nông dân sử dụng là máy gặt xếp dãy và GĐLH. Máy gặt xếp dãy có ưu điểm là gọn, nhẹ, dễ chế tạo và vận hành, phù hợp ruộng diện tích nhỏ, giá thấp (khoảng 14 triệu đồng), mỗi ngày thu hoạch 1 - 1,5 ha. Hạn chế là khi gặt sáng sớm, rạ còn ẩm sương khó cắt ra, lúa phải không đổ ngã quá 450, khó cắt cây lúa có thân cao, phải thêm công thu gom. Tuy nhiên, lô thửa ruộng nông dân nhỏ hẹp, đường giao thông chưa thuận lợi thì máy gặt xếp dãy vẫn có ưu thế, chỉ cần khắc phục nhược điểm trên. Máy GĐLH (gồm của Việt Nam và Trung Quốc) là máy đa năng (gặt, thu gom, đập, làm sạch hạt và cho lúa vào bao) rút ngắn nhiều công đoạn thu hoạch. Hạn chế của máy là khó vận hành trên lô thửa nhỏ, ẩm ướt, lầy; khó di chuyển khi chưa có hệ thống giao thông tốt, giá máy cao. Cũng qua hội thi cho thấy, máy Trung Quốc tuy năng suất gặt cao, gặt ruộng khô rất tốt (vụ đông xuân) nhưng hạn chế ở ruộng ướt, lúa đổ. O

CÁC MÁY GĐLH ĐOẠT GIẢI

Giải nhất: Máy GĐLH của Cơ sở Út Máy Cày (do chính anh nông dân Huỳnh Văn Út thiết kế, chế tạo) ở Đồng Tháp. Máy cắt tương đối tốt trên cả ruộng sình lầy, thích hợp ruộng lúa ĐBSCL. Giá máy 100 triệu đồng.

Giải nhì: Máy GĐLH của Cơ sở Vạn Phúc, do doanh nghiệp nhỏ Đồng Tháp thiết kế, chế tạo. Máy vận hành tốt ở nhiều loại ruộng khác nhau, thích hợp ruộng lúa ĐBSCL, giá máy 85 triệu đồng.

Giải ba: Máy GĐLH của Công ty Vĩnh Hưng và Minh Phát (hai máy nhập từ Trung Quốc), năng suất gặt cao, thích hợp ruộng khô. Ruộng lúa đổ, ngập nước máy hay kẹt sàng và trống đập.

Giải khuyến khích: máy GĐLH của Cơ sở Tư Sang và của Công ty cơ khí Kiên Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi máy thu hoạch lúa tại đồng bằng sông Cửu Long
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO