Thi công công trình ngầm: BÀI HỌC TỪ SỰ CỐ ROBOT ĐÀO KÍCH NGẦM

15/08/2008 10:14

TP.HCM đang triển khai nhiều công trình xây dựng ngầm có quy mô lớn như dự án cáp ngầm vượt sông, dự án thoát nước đô thị lưu vực kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, tuyến metro... Phương pháp thi công ngầm (đào lắp đặt tuyến ống ngầm) được cho là hiệu quả nhất chính là dùng robot đào kích ngầm dưới lòng đất. Thế nhưng khi áp dụng vào công trình tại TP.HCM thì xảy ra sự cố: có hai robot tại dự án thoát nước đô thị và một robot tại dự án đặt đường dây điện qua sông Sài Gòn bị “chết gí” dưới lòng đất và đáy sông, mất trắng hàng triệu đô la.

Robot là một đầu kích khoan, phía sau được lắp đặt các thiết bị hút đất, cát dư trong quá trình khoan. Đầu khoan được đưa xuống lòng đất và hoạt động theo nguyên tắc vừa khoan đi tới vừa ép chặt đất xung quanh đường khoan. Cống sẽ được đưa xuống vị trí bên dưới giếng đào và tại đây robot sẽ đẩy đường ống đi theo mũi khoan. Điều đặc biệt là khi khoan sẽ xuất hiện nước và đất cát trong lòng ống, robot có bộ phận bơm hút đất cát rồi đưa lên mặt đất qua giếng đào. Hệ thống hoạt động của robot kết nối tín hiệu với bộ phận điều khiển trên mặt đất.

Bản vẽ thiết kế ghi điều kiện địa chất là đất sét, thực tế thi công… đất bùn!

Theo Ban quản lý dự án vệ sinh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, công trình gặp sự cố kích ống do có sự thay đổi bất ngờ về mặt địa chất. Theo bản vẽ “Sheet No G-8”, tuyến ống được kích trong “lớp địa tầng thứ ba”. Miêu tả điều kiện địa chất trong bản vẽ đó là “có tính chung là cứng vừa và có màu xám cho tới lớp sét có tính động màu nâu. Lớp sét bùn hay sét cát với các khu vực đặc biệt có chứa một ít thành phần hữu cơ. Nhìn chung các cấp độ từ sét cho tới sét cát với chiều sâu tăng dần”, thích hợp cho kỹ thuật kích ống. Tuy nhiên, điều kiện địa chất kích ống thực tế là bùn rất mềm, không có khả năng chịu lực. Trong điều kiện như vậy, thậm chí mũi khoan không mở ra được, bùn sẽ tự động chảy tràn vào đường ống. Thực tế việc lấy đất ra ngoài tăng gấp 3 lần so với khối lượng dự tính...

Về vấn đề này, đơn vị thiết kế, chủ đầu tư cho rằng có sự thay đổi điều kiện địa chất không nhìn thấy và không lường hết được. Tuy nhiên cũng có ý kiến đặt vấn đề chất lượng khảo sát địa chất công trình liệu có đảm bảo?

Phương pháp này được sử dụng trong nhiều công trình trên thế giới với hiệu quả rõ nhất là thúc đẩy nhanh tiến độ công trình, giảm chi phí. Nhưng khi áp dụng vào công trình tại TP.HCM thì xảy ra sự cố: có 2 robot tại dự án thoát nước đô thị và 1 robot tại dự án đặt đường dây điện qua sông Sài Gòn bị “chết gí” dưới lòng đất và đáy sông. Việc thu hồi robot hầu như không thực hiện được, hậu quả là hàng triệu đô la mất đi và tiến độ công trình chậm. PGS.TS. Lê Quả, chuyên viên Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây, chỉ ra nguyên nhân gây ra sự cố đối với 3 robot, đó là do tiết kiệm chi phí để tiến hành khảo sát địa chất (2 robot tại dự án thoát nước bị kẹt), thiếu khảo sát các kết cấu ngầm trong đất (dự án kéo dây điện qua sông vướng bó dây thép - cáp ngầm dưới sông, nên cánh quay robot bị kẹt cứng, thiếu biện pháp gia cố đất quá yếu trước khi thúc robot)...

TS. Lê Quả cho rằng, bài học lớn nhất qua sự cố này là khâu khảo sát địa chất, môi trường thi công. Theo ông, các nhà thầu không được tiết kiệm chi phí đến mức bỏ qua hoặc thực hiện sơ sài công đoạn quan trọng này. Khâu này càng có ý nghĩa hơn khi tình trạng địa chất, địa mạo ở TP.HCM vốn rất phức tạp. Thực tế xây dựng công trình ngầm thời gian qua cho thấy rủi ro thi công khá cao khi gặp phải chướng ngại vật dưới lòng đất. Đó là các vật cứng như đá, sắt, gang, thép, các công trình đã xây dựng trước đây với khối lượng bê tông khổng lồ; các chất lỏng như túi nước, mạch nước ngầm, ao hồ bị bồi lấp; các chất nguy hiểm như bom mìn hoặc chất khí độc hại dễ gây cháy nổ… Tất cả những thứ này đều gây cản trở đến quá trình xây dựng, mất an toàn trang thiết bị thi công. Những chướng ngại đó không được cảnh báo trước là do khâu khảo sát thăm dò chưa thật chu đáo, kết quả khoan lấy mẫu không chính xác, chưa điều tra lai lịch của khu vực công trình, không có lý lịch, tài liệu lưu trữ nên không có căn cứ cảnh báo cần thiết khi lập dự án và thiết kế thi công. Nhà thầu, tư vấn giám sát công trình hoàn toàn có thể chủ động trong công việc này và các nhà quản lý cũng cần phải có yêu cầu khắt khe về khảo sát môi trường địa chất trong hồ sơ thiết kế kỹ thuật. Đối với công trình ngầm thì phương châm “phòng bệnh hơn trị bệnh” phải được đặt lên hàng đầu.

Công tác khảo sát địa chất công trình ngầm phải thực hiện như thế nào? Theo KS. Trần Ngọc Hùng, tổng thư ký Hội xây dựng Việt Nam, yêu cầu cơ bản là phải chính xác. Muốn như vậy, công tác theo dõi, giám sát, nghiệm thu quá trình khảo sát rất quan trọng vì qua đây có thể kịp thời phát hiện những sai sót hay những bất thường trong quá trình thăm dò (gặp chướng ngại vật dưới lòng đất). Thực tế cho thấy công tác này thường “khoán trắng” cho đơn vị khảo sát mà không có giám sát thường xuyên. Ngoài ra khi gặp khu vực địa chất phức tạp, phát hiện những hiện tượng bất thường trong quá trình thăm dò cần bổ sung thêm thiết bị thăm dò mới, hiện đại hoặc bổ sung phương pháp khảo sát khác. Kinh phí phục vụ khảo sát cần được bổ sung đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ của chủ trì thiết kế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thi công công trình ngầm: BÀI HỌC TỪ SỰ CỐ ROBOT ĐÀO KÍCH NGẦM
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO