Thêm cơ hội cho thí sinh vào đại học

ANH THƯ| 04/07/2018 10:29

KHPTO - Sau kỳ thi THPT quốc gia, Đại học quốc gia TP.HCM (ĐHQG-HCM) sẽ tổ chức kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL), giúp thí sinh có thêm cơ hội vào giảng đường đại học. Và điều đáng lưu ý là kỳ thi này khác với kỳ thi THPT quốc gia, nội dung và cách thi cũng khác. Đây là năm đầu tiên ĐHQG-HCM tổ chức kỳ thi ĐGNL để sử dụng như một phương thức tuyển sinh.

Bên cạnh phương thức tuyển sinh mới này, phần lớn chỉ tiêu còn lại của ĐHQG-HCM sẽ vẫn xét tuyển dựa vào các phương thức tuyển sinh truyền thống như: thi THPT quốc gia, xét tuyển thẳng và ưu tiên xét tuyển theo quy định của Bộ GD&ĐT, ưu tiên xét tuyển theo quy định riêng của ĐHQG-HCM.

Khác với cách tiếp cận của kỳ thi THPT quốc gia, bài thi ĐGNL tại ĐHQG-HCM chú trọng đánh giá các năng lực cơ bản để học đại học của thí sinh như sử dụng ngôn ngữ, tư duy logic, xử lý số liệu, giải quyết vấn đề.

Các năng lực này được đánh giá thông qua một bài thi tổng hợp gồm 120 câu hỏi trắc nghiệm với thời gian làm bài 150 phút, tổng điểm tối đa là 1.200 điểm. Các câu hỏi có độ khó khác nhau.

Kỳ thi ĐGNL được ĐHQG-HCM chuẩn bị trong hai năm, tập trung xây dựng ngân hàng đề thi đa dạng, chất lượng cao, theo quy trình chặt chẽ với sự góp sức của đội ngũ chuyên gia đến từ các đơn vị thành viên thuộc ĐHQG-HCM, Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM và các trường THPT.

Bài thi ĐGNL được xây dựng theo phương pháp thiết kế bài thi SAT (Scholastic Assessment Test) của Hoa Kỳ và bài thi TSA (Thinking Skills Assessment) của Anh. Đây là các bài thi chuẩn của quốc tế để xét tuyển đầu vào đại học.

Các bài thi đều nhắm vào việc ĐGNL học đại học của thí sinh qua việc kiểm tra các kỹ năng đọc hiểu, tư duy, phân tích và giải quyết vấn đề chứ không đơn thuần đánh giá khả năng thuộc bài của thí sinh.

Xét về cấu trúc, bài thi ĐGNL của ĐHQG-HCM tích hợp được các kỹ năng về đọc hiểu, phân tích, được nhấn mạnh ở bài thi SAT và kỹ năng tư duy phản biện, giải quyết vấn đề của bài thi TSA.

Bài thi ĐGNL được khảo sát ý kiến của các chuyên gia và học sinh THPT với nhiều đánh giá khả quan, kết quả cho thấy ngân hàng câu hỏi có độ giá trị, độ tin cậy và độ chọn lọc khá rõ, phù hợp với mục tiêu tuyển sinh.

Đồng thời, phương thức đánh giá mới được sự ủng hộ cao của thí sinh, đặc biệt là phần đánh giá kỹ năng tư duy logic, xử lý số liệu và giải quyết vấn đề.

Hiệu quả của kỳ thi ĐGNL không chỉ dừng ở việc tuyển chọn được thí sinh có năng lực phù hợp cho các trường đại học mà còn giúp học sinh THPT có định hướng tốt hơn cho quá trình học tập rèn luyện, phát triển năng lực để tham gia hiệu quả vào thị trường lao động chất lượng cao của đất nước.

Đồng thời, việc tổ chức thành công kỳ thi ĐGNL cũng giúp khẳng định rõ hơn vai trò của ĐHQG-HCM trong phục vụ cộng đồng và trách nhiệm “đầu tàu” dẫn dắt hệ thống đại học tại khu vực phía Nam.

Về sự khác biệt giữa kỳ thi ĐGNL của ĐHQG-HCM và Trường đại học quốc tế (thuộc ĐHQG-HCM), kỳ thi ĐGNL này nhắm đến năng lực nền tảng, căn bản nhất mà một người học đại học phải có.

Còn kỳ thi của Trường đại học quốc tế chuyên sâu, tập trung vào những môn cần thiết. ĐHQG-HCM sử dụng phương pháp ĐGNL theo thông lệ quốc tế và cho thấy phương pháp này giúp thí sinh chuẩn bị cho việc học đại học tốt hơn.

Tuy nhiên, ĐHQG-HCM đã có kế hoạch dài hơi để theo dõi các thí sinh trúng tuyển từ kỳ thi ĐGNL này và đối sánh với các thí sinh trúng tuyển từ những phương thức khác. Kết quả như thế nào sẽ công bố cho xã hội biết.

Mục tiêu của kỳ thi ĐGNL là tăng thêm cơ hội chứ không phải tước bớt đi cơ hội của thí sinh. Nếu xét về tài chính, tuyển với số lượng nhỏ này chắc chắn ĐHQG-HCM sẽ bị lỗ, vì thu không đủ bù chi.

Mức phí mà nhà trường thu, tính ra rất khiêm tốn. Tuy nhiên, nhà trường thống nhất rằng vì chất lượng giáo dục là trên hết.

Về việc kỳ thi này có dẫn đến tình trạng luyện thi? Nhà trường không hướng dẫn luyện thi mà chỉ hướng dẫn cơ cấu đề thi thông qua đề thi mẫu.

Việc công bố cơ cấu đề thi sẽ là định hướng để học sinh và giáo viên THPT giảng dạy theo.

Đề mẫu có nội dung rất toàn diện, hạn chế tối đa được cách học vẹt, học tủ. Thí sinh phải học cách suy nghĩ, tư duy, suy luận logic. Do vậy, nếu có luyện thi thì chỉ là luyện cách suy nghĩ, cách tư duy logic, cách xử lý vấn đề.

Hiện nay, trong ngân hàng câu hỏi của ĐHQG-HCM có đủ số lượng để tổ chức kỳ thi theo thông lệ quốc tế.

Ví dụ, để có một đề thi 120 câu hỏi như đề mẫu hôm nay, phải có số lượng câu hỏi dư gấp 30 lần, tức có gần khoảng 4.000 câu hỏi tương đương.

Tính cho đến nay, đã có nhiều thí sinh xác nhận dự thi. ĐHQG-HCM sẽ tổ chức kỳ thi đồng thời tại ba địa điểm vào ngày 7/7.

Trong đó, tại TP.HCM có 4.000 thí sinh, hai địa điểm còn lại (Cần Thơ và Bình Định), mỗi nơi có 400 thí sinh.

Theo ước tính, tổng chỉ tiêu dành cho xét tuyển từ kết quả kỳ thi này là 2.500 cho toàn khối ĐHQGHCM.

Theo quy định của ĐHQGHCM, sau khi hoàn tất thủ tục đăng ký dự thi, thí sinh còn phải đăng ký sử dụng kết quả này để xét tuyển vào các trường thành viên.

Trên cơ sở điểm thi được công bố, các trường sẽ tiến hành xét tuyển từ ngày 15 đến 17/7 và công bố kết quả trúng tuyển trước 17 giờ ngày 17/7.

Theo đề án tuyển sinh đã công bố, các đơn vị thành viên sử dụng kết quả này để xét tuyển một phần chỉ tiêu của trường.

Cụ thể, Trường đại học khoa học tự nhiên dành tối đa 20% chỉ tiêu xét tuyển cho từng ngành hoặc nhóm ngành; Trường đại học công nghệ thông tin 15%; Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn 12%; các Trường đại học bách khoa, đại học kinh tế - luật và đại học quốc tế, mỗi trường 10%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm cơ hội cho thí sinh vào đại học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO