Thấy gì qua sự cố sập dầm cầu Chợ Đệm?

<_o3a_p>| 20/03/2009 19:11

Lúc 15 giờ ngày 10/3/2009, cầu Chợ Đệm vượt sông Chợ Đệm thuộc dự án tuyến đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương (thị trấn Tân Túc, huyện Bình Chánh, TP.HCM) bị sập khoang thông thuyền, dầm số 2 và cong dầm số 1, làm một người tử vong và một người bị thương. Báo Khoa Học Phổ Thông đã trao đổi với GS.TS. Nguyễn Văn Đạt, chuyên gia cấp cao ngành xây dựng, về những vấn đề liên quan đến sự cố này.

PV: Thưa giáo sư, đâu là nguyên nhân sâu xa của sự cố?

GS.TS. Nguyễn Văn Đạt: Qua sự việc này ngành giao thông cũng đã nhận định sơ bộ rằng đó là “tai nạn lao động”. Ở góc độ Báo Khoa Học Phổ Thông, thấy cần nói rõ thêm để quý bạn đọc có cách nhìn nhận chi tiết hơn.

Cần nói đúng hơn, đây là “tai nạn lao động kỹ thuật” có phần bất ngờ vì những người kỹ sư giám sát không theo dõi được diễn biến trước khi sập gãy dầm. Đồng thời, công nhân thao tác cũng không nắm hết những đặc điểm cơ bản của nó, trong khi đó là những điều cần thiết cần phải có.

Dầm tương đối nặng, gần 1,7 tấn trên 1 mét dài, yêu cầu sơ đồ cẩu lắp phải chuẩn mực, được tính toán trước với mọi loại tải kể cả gió lớn và trạng thái không ổn định. Do một đầu dầm bị rơi xuống sông nên thường gây xoắn ở bụng dầm. Như vậy, trước khi dầm gãy đã xuất hiện chùm vết nứt xiên ở hai mặt bụng, làm cho bề mặt bị phá hoại của dầm không phẳng mà theo dạng lồi lõm.

Ở đây không thấy dấu hiệu sai sót của thiết kế và chế tạo vì có hàng trăm dầm đã được lắp đặt.

Khi dầm đã vào vị trí thiết kế thì đã có giằng ngang, song khi cẩu lắp thì chưa có nên dầm dễ bị lật.

Vì vậy, với những dầm còn lại, cần bổ sung giải pháp chống lật khi cẩu lắp và thiết bị điều chỉnh, định vị cần hết sức nhạy cảm, dễ điều khiển.

PV: Có thông tin nói rằng: “Qua kiểm tra đã phát hiện tất cả các ống sonic trong cọc nhồi không được bơm vữa sonic. Đây là việc làm trái quy trình, ống này nằm trong cọc khoan nhồi, nằm sâu trong lòng đất để sau khi hoàn thành... có thể kiểm tra chất lượng cọc bằng siêu âm...”. Xin ông giải thích thêm về vấn đề này.

- Trong kỹ thuật xây dựng không có khái niệm về “vữa sonic” nên chẳng có quy trình nào về vấn đề này.

Để kiểm tra chất lượng bê tông cọc nhồi, TCXD205:1998 cho phép đặt ống để dẫn đầu dò (detector) siêu âm truyền qua bê tông để kiểm tra trước khi xây trụ cầu. Khi đã xây trụ rồi thì không đo được nữa. Ống dẫn siêu âm được để lại trong cọc vĩnh viễn và không phải bơm bất cứ vữa gì vào đó.

Phương pháp siêu âm (ultrasonic, hoặc gọi không chuẩn là sonic) thuộc phương pháp mật độ nên chỉ thích ứng với môi trường đo phi kim loại. Vì vậy dùng ống nhựa mật độ cao tốt hơn dùng ống sắt.

Phương pháp này thuộc kiểm tra không phá hủy (NDT - Non Destructive Testing) là phương pháp so sánh nên bắt buộc phải lập chuẩn (v,R), trong đó vm/sec - vận tốc truyền sóng và R – (kg/cm2) cường độ bê tông.

Đây chỉ là kỹ thuật kiểm tra thông thường, nhưng do không được hướng dẫn cụ thể nên hiện nay các cơ quan thiết kế xây dựng và các đơn vị kiểm tra siêu âm còn mắc một số thiếu sót mà từ lâu Báo Khoa Học Phổ Thông đã có hướng dẫn khá tỉ mỉ.

Do việc không thực hiện đúng quy trình quốc tế đó nên hiện nay khi kiểm tra khá nhiều cọc nhồi ở các cao ốc của thành phố ta chất lượng bị bỏ lửng mà không được nhắc nhở vì việc đặt ống sắt và không lập chuẩn so sánh.

HỒNG DUNG thực hiện

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thấy gì qua sự cố sập dầm cầu Chợ Đệm?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO