Tháo gỡ khó khăn ngành hàng cá tra

GIA PHÚ| 18/05/2020 19:39

KHPTO - Cá tra là ngành hàng Việt Nam có rất nhiều lợi thế, góp phần giải quyết hàng ngàn lao động và mỗi năm kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 2 tỷ USD. Tuy nhiên, trước tình hình dịch Covid-19, ngành hàng cá tra gặp không ít khó khăn, thách thức, cần có giải pháp tháo gỡ.

Kim ngạch xuất khẩu 3 tháng đầu năm giảm mạnh

Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp với UBND tỉnh An Giang tổ chức hội nghị bàn về tình hình sản xuất và tiêu thụ cá tra trong bối cảnh dịch Covid-19.

Ông Trần Đình Luân, tổng cục trưởng Tổng cục thủy sản cho biết, dịch Covid-19 đã và đang tác động đến kinh tế toàn cầu do việc hạn chế các hoạt động buôn bán, trao đổi qua biên giới, do phải áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh đối với tàu hàng khi cập cảng; nhiều cửa hàng, nhà hàng phải đóng cửa vì lo ngại dịch bệnh... làm cho nhu cầu thực phẩm giảm. “Dịch bệnh bùng phát mạnh tại các quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, một số quốc gia thuộc cộng đồng châu Âu, Hàn Quốc - đây cũng là những thị trường lớn và trọng điểm của xuất khẩu cá tra. Kim ngạch xuất khẩu cá tra đến ngày 30/3/2020 đạt 334 triệu USD, giảm 29,3% so với cùng kỳ năm 2019”, ông Luân nhấn mạnh.

Ngoài vấn đề ảnh hưởng do dịch Covid-19, ông Trần Anh Thư, phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng, một trong những nguyên nhân khó khăn của ngành hàng cá tra là do tình hình liên kết giữa sản xuất (hộ nuôi cá tra) và tiêu thụ (doanh nghiệp thu mua cá tra) chưa gắn kết, còn mang tính thời vụ; việc chia sẻ lợi nhuận và rủi ro không hài hòa giữa các bên tham gia chuỗi liên kết, thiếu tính bền vững. Đặc biệt, sự tác động rõ nhất là khi có biến động thị trường “cung, cầu” sản phẩm cá tra xuất khẩu. Việc triển khai thực hiện quy hoạch nuôi cá tra tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long chưa đồng bộ.

Tập trung phát triển thị trường, giải “bài toán” tiêu thụ

Theo dự báo, khả năng ngành hàng cá tra có khả năng phục hồi hoàn toàn từ quý 3/2020 và riêng thị trường Trung Quốc có thể phục hồi vào cuối tháng 5/2020 nên cần có kịch bản điều tiết sản xuất để tránh xảy ra tình trạng thiếu nguyên liệu phục vụ chế biến và xuất khẩu. Song đó, Ấn Độ có dân số 1,376 tỷ người và dự kiến trở thành quốc gia đông dân nhất thế giới vào năm 2027. Sản lượng nuôi cá tra của Ấn Độ tăng liên tục từ khi cá tra bắt đầu được nhập về nuôi tại Ấn Độ năm 1995 và đến năm 2018 đạt 0,85 triệu tấn. Do đó, đây có thể là một thị trường tiềm năng của ngành hàng cá tra Việt Nam trong thời gian tới.

Ông Võ Đông Đức, tổng giám đốc Công ty Caseamex cho biết, hiện nay các doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn, gián đoạn nhiều lĩnh vực, đặc biệt bế tắc đầu ra, gần như bế tắc tất cả các khâu. Vì đó, ông Đức kiến nghị, cần có giải pháp để doanh nghiệp nhanh chóng được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ liên quan lĩnh vực tài chính ngân hàng để doanh nghiệp xoay sở, khắc phục khó khăn.

Để ngành cá tra khắc phục khó khăn và tiếp tục phát triển, ông Đức yêu cầu cần có giải pháp thúc đẩy chất lượng ngành cá, triển khai cải thiện chất lượng con giống. Con giống tốt thì hiệu quả thương phẩm tốt. Bên cạnh đó cần hỗ trợ doanh nghiệp tăng cường xúc tiến thương mại để mở rộng thị trường mới. Đặc biệt, phải xây dựng kênh phân phối thị trường nội địa. Thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra.

Nói về vai trò của ngành hàng cá tra, bà Võ Thị Ánh Xuân, bí thư Tỉnh ủy An Giang khẳng định, với An Giang đầu tư, phát triển con cá tra cũng là đầu tư phát triển kinh tế địa phương, cá tra gặp khó khăn là kinh tế tỉnh nhà gặp khó khăn. Vì vậy, tỉnh tính toán và đưa ra rất nhiều giải pháp để phát triển cá tra và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Phát biểu tại hội nghị, bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, chúng ta đáng tự hào vì Việt Nam đã hình thành một ngành kinh tế về con cá tra. “Con cá tra đi 119 nước và mang lại 2 tỷ USD/năm. Không chỉ hình thành một ngành hàng mà còn giúp phát huy tiềm năng lợi thế của một vùng châu thổ”, bộ trưởng Cường nhấn mạnh. Đồng thời, ông còn đưa ra những điểm mạnh, hạn chế để các đơn vị nhận diện đúng về ngành hàng “Để cái gì tốt rồi thì làm tốt hơn, cái gì chưa tốt thì trong thời gian tới làm cho tốt”. Từ đó, cố gắng khắc phục đưa ngành hàng này phát triển bền vững.

Theo đó, bộ trưởng yêu cầu, trong thời gian tới, cần tập trung vào các thị trường trọng điểm: Trung Quốc, châu Âu, Nhật Bản... và mở các thị trường tiềm năng mới. “Đặc biệt, phải chú ý phát triển thị trường nội địa. Trong tháng 6, bộ sẽ mời đại diện hiệp hội ngành hàng, các công ty lớn làm việc với các tập đoàn phân phối để tập trung phát triển thị trường nội địa”, ông Cường nhấn mạnh.

Không những thế, bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cam kết sẽ đồng hành cùng địa phương, các ngành hàng, doanh nghiệp, người dân trong việc đẩy mạnh phát triển ngành hàng cá tra.

Đóng gói cá tra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tháo gỡ khó khăn ngành hàng cá tra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO