GS.TS. Đỗ Tất Lợi - Người cống hiến hết mình cho dược học Việt Nam

BÀNG CẨM| 29/06/2019 11:37

KHPTO - GS. Đỗ Tất Lợi sinh năm 1919 tại xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Ông học khoa dược Trường y - dược Đông Dương trong thời gian 1939 - 1944 thời Pháp thuộc. Sau khi tốt nghiệp ra trường, DS. Đỗ Tất Lợi với cương vị viện trưởng Viện khảo cứu chế tạo dược phẩm Cục quân y, đã chịu khó đi công tác trên núi rừng Việt Bắc tìm kiếm sưu tầm các cây thuốc phòng chữa bệnh cho bộ đội và nhân dân.

Sau ngày hòa bình lập lại, với nhiệm vụ chủ nhiệm bộ môn dược liệu Trường đại học y dược Hà Nội, ông say mê nghiên cứu về dược liệu, vị thuốc Việt Nam và các cây di thực từ nước ngoài. Ông đã có công xây dựng bộ môn về nghiên cứu và tư duy khoa học theo hướng dân tộc hiện đại.

Sau vài chục năm lăn lộn với việc sưu tầm nghiên cứu dược liệu, GS. Đỗ Tất Lợi đã biên soạn được bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Đây là một công trình nghiên cứu rất có giá trị ở trong nước cũng như ở nước ngoài. Trên cơ sở cuốn sách này, năm 1968, Hội đồng chứng chỉ (khoa học) tối cao Liên Xô đã công nhận học vị tiến sĩ khoa học cho DS. Đỗ Tất Lợi. Năm 1983, tại Triển lãm hội chợ sách quốc tế Matxcơva, bộ sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam được bình chọn là một trong bảy viên ngọc quý của triển lãm sách.

Nội dung chính của bộ sách, GS. Lợi đã tập trung giới thiệu các vị thuốc theo từng nhóm bệnh, có tới 23 nhóm. Cụ thể: các cây thuốc và vị thuốc chữa bệnh phụ nữ có 29 vị; các cây thuốc và vị thuốc chữa mụn nhọt, mẩn ngứa có tới 73 vị; các cây thuốc và vị thuốc trị giun sán có 12 vị; các cây thuốc và vị thuốc chữa lỵ có 31 vị… Rồi lần lượt, giới thiệu về các cây thuốc và vị thuốc thông tiểu, thông mật, thuốc cầm máu, thuốc hạ huyết áp, các cây và vị thuốc có chất độc, các cây thuốc và vị thuốc chữa bệnh ở bộ máy tiêu hóa, chữa đi lỏng, đau bụng, nhuận tràng và tẩy, chữa đau dạ dày, chữa tê thấp đau nhức, đắp vết thương, rắn rết cắn, chữa bệnh mắt, tai, mũi, răng, họng, chữa bệnh tim, chữa cảm sốt, chữa ho hen, thuốc ngủ, an thần, trấn kinh, các vị thuốc bổ, thuốc bồi dưỡng có nguồn gốc thảo mộc, các vị thuốc bổ có nguồn gốc động vật, các vị thuốc khác có nguồn gốc động vật, các vị thuốc có nguồn gốc khoáng vật. Nếu tính về số vị thuốc và cây thuốc trong tác phẩm, con số lên tới 753 vị, trong đó chủ yếu lá các cây thuốc và vị thuốc có nguồn gốc thảo mộc: 678 vị, chiếm tỷ lệ 89,40%; các vị thuốc có nguồn gốc động vật là 57 vị; có nguồn gốc khoáng vật là 18 vị.

Điều đáng lưu ý là trong mỗi cây thuốc, mỗi vị thuốc, tác giả đã giới thiệu rất kỹ nguồn gốc của chúng thông qua tên gọi của vị thuốc, cây thuốc. Và điều đó cũng rất đa dạng, có khi một vị thuốc có đến 4 hoặc 5 tên gọi khác nhau: tên thường gọi, tên địa phương, tên của các dân tộc thiểu số, rồi tên nước ngoài, đặc biệt có tên Latinh để tra cứu, rất tiện lợi cho độc giả. Tiếp theo là phần mô tả vị thuốc, phân bố thu hái và chế biến, rồi đến thành phần hóa học, tác dụng dược lý và cuối cùng là công dụng và liều dùng. Điều đó nói lên rằng, có rất nhiều tư liệu quý giá, mà người đọc có thể được hỗ trợ ở mỗi phần của cuốn sách này.

Cuốn sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam của GS. Đỗ Tất Lợi viết được đánh giá rất cao trong giới chuyên môn trong và ngoài nước. Hơn thế nữa, danh mục các công trình nghiên cứu và tài liệu của ông đã được công bố gồm: 15 đầu sách đã xuất bản; 113 công trình khoa học; 13 tác phẩm dịch thuật; tham gia hướng dẫn 52 luận án về cây thuốc…

Ông được phong hàm giáo sư (1980), được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học kỹ thuật (1996) và tặng thưởng huân chương độc lập hạng nhì (2001) về những cống hiến cho khoa học và đóng góp cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố GS. Đỗ Tất Lợi, chúng ta lại có dịp tưởng nhớ tới ông, một nhà giáo, một nhà khoa học suốt đời tận tụy với sự nghiệp dược học và y dược học cổ truyền, một người luôn luôn nhắc nhở các học trò của mình, phải luôn gắn công việc giảng dạy với các công trình nghiên cứu khoa học, và đặc biệt phải luôn gắn bó với những thực tiễn trong việc sử dụng, kế thừa, phát triển, sản xuất của ngành dược cổ truyền và hiện đại tiên tiến đầy sống động. Ông là kim chỉ nam của các thế hệ thầy thuốc Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
GS.TS. Đỗ Tất Lợi - Người cống hiến hết mình cho dược học Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO