Tại sao nhạc cổ điển khó đến gần công chúng?

<_o3a_p>| 11/12/2009 11:41

Không chỉ ở ta, nhạc cổ điển ít được ưa chuộng, mà khắp nơi trên thế giới cũng rơi vào tình trạng đó. Dường như ở nơi mà người dân coi trọng yếu tố nhìn hơn nghe, chuộng những gì đơn giản hơn là phức tạp, đòi hỏi người tiếp nhận phải suy nghĩ, tìm tòi, tưởng tượng thì nhạc cổ điển càng khó đến gần.

Đừng gọi là “âm nhạc hàn lâm, bác học”

Có nhiều ý kiến, trong đó có nhạc trưởng Lê Phi Phi, cho rằng: “Không nên gọi nhạc cổ điển hay giao hưởng thính phòng là nhạc hàn lâm bác học, bởi ngay cách gọi này đã tạo nên sự xa cách. Nhạc cổ điển cũng là một loại hình nghệ thuật để con người giải trí, thư giãn. Ở ta có nếp nghĩ và cách hiểu “giải trí” là tầm thường, nhưng các nước phương Tây không nghĩ thế. Các bà mẹ mang bầu còn hay bật nhạc cổ điển để đứa bé sau này thông minh hơn và có khả năng thẩm âm tốt hơn cơ mà”. Chính cách gọi đó từ bao lâu nay của truyền thông đã làm cho công chúng mặc định loại hình âm nhạc này khó hiểu, cao siêu so với mình. Nhưng quan trọng hơn cả là hệ thống giáo dục của chúng ta chưa tạo tiền đề cho một lớp công chúng có kiến thức về âm nhạc để có thể thưởng thức các tác phẩm cổ điển nói riêng và các loại hình nghệ thuật nói chung. Sự thiếu sót này đã khiến những ai có ý muốn “đến gần” nhạc cổ điển phải mất nhiều thời gian hơn, đòi hỏi lòng kiên trì mà đôi khi, điều đó là một thứ xa xỉ trong thời đại cái gì cũng nhanh, gấp, vội này.

Cần cái bắt tay của truyền thông

Trong nỗ lực tôn vinh âm nhạc đỉnh cao, thời gian gần đây, bằng tâm huyết và sức sáng tạo của mình, những người theo đuổi âm nhạc cổ điển đã cố gắng đưa các tác phẩm cổ điển, giao hưởng thính phòng cũng như những bản hùng ca… đến với số đông công chúng hơn. Những chương trình được đầu tư tốt về chất lượng cũng mỗi năm diễn ra một lần, các chương trình đặc biệt của Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng của Học viện âm nhạc quốc gia VN, đêm hòa nhạc của các nghệ sĩ danh tiếng như NSND Đặng Thái Sơn, Nguyễn Hữu Nguyên, Lê Phi Phi… thường trở thành những sự kiện văn hóa nổi bật của tuần hoặc tháng khi các sự kiện này diễn ra. Dù vậy, không phải ai cũng có thể tiếp cận được nguồn thông tin này một cách cập nhật nhất. Phải chăng do công tác quảng bá được làm chưa tốt?

Theo ông Minh Đức, phụ trách PR marketing cho Phương Nam Corporation: “Không thể áp dụng các chiêu thức quảng bá nhạc đại chúng cho một chương trình nhạc cổ điển. Vì đối tượng khán giả của nhạc cổ điển khác đối tượng nhạc đại chúng nên chúng ta không cần một chiến lược PR rầm rộ, ồn ào. Theo tôi được biết, Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM (HBSO) từ nhiều năm nay đã cố gắng xây dựng mạng lưới khách hàng thân thiết bằng cách gửi email thông báo chương trình hoặc gửi tờ giới thiệu chương trình sau cho khán giả ngay lối vào, liên kết với các công ty du lịch, khách sạn để cung cấp thông tin đến cho du khách nước ngoài. Tuy nhiên, lượng khách tiềm năng, lâu dài phải là công chúng trong nước. Và để họ biết đến một chương trình nhạc cổ điển, cần có sự vào cuộc hết mình của truyền thông”.

Nhìn lại, đúng là phương tiện truyền thông vẫn chưa thật sự dành sự quan tâm cho loại hình âm nhạc này. Còn thiếu những bài viết có chiều sâu, gây được sự chú ý của công chúng, làm cho họ cảm nhận được sức hấp dẫn của một chương trình và kích thích nơi họ sự tò mò, ham muốn được thưởng thức ở lần sau. Ngoài ra, những chương trình nhằm cung cấp thêm kiến thức về nhạc cổ điển trên sóng truyền hình dường như không có, họa hoằn lắm mới có VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam nhưng cũng phát vào giờ oái oăm, 23 giờ 30 thứ bảy, chủ nhật. Trước đây, Đài truyền hình TP.HCM cũng có dành một thời lượng nhất định để nói về các thời kỳ của nhạc cổ điển, hay các tác giả nổi tiếng. Tuy nhiên, đã lâu rồi sóng được dành để phát các chương trình khác, thi thoảng mới phát lại những buổi biểu diễn của Nhà hát giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM. Để nghệ thuật có thể đi vào lòng người và tìm được chỗ đứng, ngoài tự thân khán giả, người làm nghề nỗ lực, còn cần có cả sự giúp sức của các đơn vị khác mà trong đó, truyền thông đóng vai trò khá quan trọng.

Công chúng hóa

Tuy nhiên, là người trong cuộc, Trần Nhật Minh, chỉ huy hợp xướng, phó đoàn Nhạc kịch HBSO, chia sẻ: “Để nhạc cổ điển trở thành món ăn tinh thần của đông đảo công chúng, hai bên nên hướng về nhau: công chúng có ý muốn tìm hiểu nhạc cổ điển và ngược lại, những người làm nhạc cổ điển phải “công chúng hóa” thể loại âm nhạc vốn đòi hỏi ở người nghe có một trình độ nhất định; lẽ dĩ nhiên vẫn phải giữ được tiêu chuẩn nhất định của nhạc cổ điển như đảm bảo về chất lượng của khán phòng, kỹ thuật thanh nhạc, trình diễn... Qua hai năm làm việc ở vị trí chỉ huy dàn hợp xướng ở HBSO, tôi nhận thấy, việc chọn tác phẩm quyết định sự thành công của một chương trình hợp xướng. Tuy nhiên, sự kết hợp giữa các loại hình nghệ thuật như hợp xướng với vũ đạo, múa với video art... vừa tạo nên sự phong phú cho chương trình đồng thời thỏa mãn nhu cầu nghe và xem của công chúng hiện nay. Nếu người đạo diễn chương trình biết kết hợp một cách khéo léo tất cả các loại hình nghệ thuật với nhau thì chắc chắn, những chương trình của nhạc cổ điển sẽ đạt hiệu quả cao hơn, thu hút được sự chú ý của công chúng hơn”.

Còn nghệ sĩ kèn clarinet Đào Nhật Quang thì hiến kế: “Hiện nay trên thế giới, ngoài các vở nhạc kịch có sự kết hợp giữa nhạc, múa và sân khấu tạo ấn tượng mạnh mẽ cho công chúng, việc các nghệ sĩ nổi tiếng trình diễn các ca khúc trong các gala hòa nhạc là khá phổ biến. Điều đó cho phép đại bộ phận công chúng được thưởng thức nhạc cổ điển thông qua một tác phẩm đại chúng. Đây là một mô hình khá thành công để đưa nhạc cổ điển đến gần với công chúng mà các nước trên thế giới đã áp dụng. Chúng ta có thể áp dụng bằng cách chọn những tác phẩm tiêu biểu hoặc nổi tiếng của nhạc sĩ Việt <_st13a_country-region w:st="on"><_st13a_place w:st="on">Nam như Văn Cao, Trịnh Công Sơn... hoặc dân ca hai miền Nam Bắc phối khí lại cho dàn nhạc giao hưởng nhằm tạo một ấn tượng mới, khác lạ để khán giả cảm thấy thích thú và trở thành một nhu cầu tìm hiểu, thưởng thức. Bên cạnh đó, trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là truyền hình, cần có những chương trình dành cho nhạc cổ điển nhiều hơn nữa để qua đó, người dân có thể hiểu thêm về lịch sử, trào lưu, các tên tuổi nổi tiếng...”.

MINH QUÂN

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tại sao nhạc cổ điển khó đến gần công chúng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO