Sự biến đổi thời tiết khí hậu tạo ra dạng thiên tai khó lường

LÊ THỊ XUÂN LAN| 12/08/2020 22:22

KHPTO - Trong những tháng vừa qua, thời tiết trên cả ba miền nước ta đã có những biến đổi bất thường gây khó khăn cho đời sống và thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất nông nghiệp.

Miền Trung mùa nắng nóng đến sớm từ giữa tháng 4, cao điểm là tháng 5 đến đầu tháng 8, nhiều nơi có hơn 50 - 60 ngày có nhiệt độ từ 35 đến 40, 420C. Những đợt nóng kéo dài liên tục, cường độ bức xạ mạnh bất thường làm cho bốc hơi mạnh, tia tử ngoại luôn ở mức nguy hiểm nhiều ngày liên, vắt kiệt nguồn nước ngọt, sông suối ao hồ cạn trơ đáy, xâm nhập mặn mạnh nhất trong vài chục năm trở lại đây, có thể nói chưa có năm nào mà tình hình hạn hán, nước bị nhiễm mặn gây khốn khó như mùa hè năm nay, mặc dù không phải là năm có hiện tượng El-Nino mạnh.

Trong khi đó miền Nam mưa nắng thất thường, mùa mưa bắt đầu muộn và trong tháng 6 mưa không đủ nên tình hình hạn mặn vẫn vây quanh các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long. Mặc dù không nắng nóng 38 - 40 độ như nửa phía bắc, nhưng cũng có nhiều ngày miền Nam nóng bức khó chịu kéo dài nhiều ngày, thời gian nắng nóng từ sáng đến chiều tối. Sau nắng nóng là những trận dông gió ào đến bất ngờ, một số tỉnh thành mưa rất to lịch sử từ 100 mm đến hơn 200 mm, mưa xảy ra bất thường cả về lượng, thời gian mưa to như trút nước kéo dài vài giờ đã gây ngập lụt kinh hoàng, nhất là đối với các đô thị lớn như Biên Hòa, TP.HCM.

Rõ ràng là do tác động xấu của sự biến đổi khí hậu làm cho các khối không khí như áp thấp nóng càng nóng thêm nên hoạt động mạnh một cách dị thường, hoàn lưu khí quyển trên khu vực nhiệt đới gió mùa thay đổi khác hẳn so với bình thường.

Trong những tháng cuối năm nay và đầu năm 2021, theo dự báo thì có nhiều khả năng hiện tượng ENSO trung tính sẽ chuyển dần sang trạng thái La Nina. Dựa vào cơ sở khoa học này có thể đưa ra những nhận định và cảnh báo thời tiết ở nước ta nói riêng, nhiều khu vực trên thế giới nói chung sẽ vẫn có những biển đổi bất thường khác có thể xảy ra. Trước hết là bão trên Tây Thái Bình Dương và biển Đông sẽ dồn dập từ nay đến cuối năm 2020, thậm chí có thể còn kéo qua đầu năm 2021. Cần đề phòng có lúc 2 - 3 cơn bão cùng xuất hiện, gây thời tiết xấu trên biển trong nhiều ngày, rồi tới những vùng bão sẽ đổ bộ vào tập trung vào các tỉnh ven biển miền Trung, còn phía nam có thể chịu ảnh hưởng ít nhất một cơn từ tháng 11 trở đi khi mà phía bắc bắt đầu có những đợt không khí lạnh từ cực đới tràn về, gây gió mùa đông bắc mạnh tạo điều kiện cho những cơn bão trên biển Đông di chuyển lùi hẳn xuống phía nam, có thể vào Nam Trung bộ, Nam bộ hoặc chỉ trên biển. Mùa mưa ở Nam bộ bắt đầu vào giai đoạn cao điểm, mưa nhiều trong tháng 9 và tháng 10, vẫn còn vài trận mưa rất to với lượng mưa từ 50 đến 100 mm hoặc có nơi trên 100 - 150 mm.

Do tác động của biến đổi khí hậu, trong những tháng cuối năm, vùng hạ lưu các sông Nam bộ sẽ có các đợt triều cường cao, có nơi đỉnh triều đạt và vượt kỷ lục do mưa to kết hợp với gió chướng và triều cường lớn thì tình trạng ngập sâu càng thêm nghiêm trọng hơn cho khu vực ven biển Nam bộ, các thành phố lớn như TP.HCM, Biên Hòa, Cần Thơ...

Theo dự báo năm nay mực nước cao nhất trên sông Tiền, sông Hậu chỉ ở mức nhỏ hơn báo động 2, nhưng tình hình ngập úng trong các tháng tới là khá cao, nhất là cần đề phòng khả năng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, gió giật mạnh khi trên biển Đông có bão làm cho gió tây nam hoạt động mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sự biến đổi thời tiết khí hậu tạo ra dạng thiên tai khó lường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO