Sinh viên được truyền cảm hứng khởi nghiệp, nhưng chỉ là nhất thời

Anh Thư| 20/12/2018 13:12

KHPTO - Năm 2016 được chọn làm năm “quốc gia khởi nghiệp”, đến nay, làn sóng khởi nghiệp ở Việt Nam phát triển cực kỳ mạnh mẽ. Một số trường đại học đưa khởi nghiệp trở thành môn học tự chọn hoặc bắt buộc trong chương trình học, mở mã ngành mới chuyên đào tạo khởi nghiệp. Song, có thể thấy hầu hết những hoạt động này đều chưa mang lại hiệu quả cao, sinh viên được truyền cảm hứng nhưng đó chỉ là cảm xúc nhất thời, các dự án khởi nghiệp phần lớn vẫn nằm trên giấy chứ khó đưa vào thực tế.

Đó là ý kiến của ThS. Trẩm Bích Lộc, Trường đại học Sài Gòn tại hội thảo “Khởi tạo doanh nghiệp cho sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.HCM” do Sở giáo dục và đào tạo TP.HCM phối hợp với Trường đại học Sài Gòn tổ chức.

Nhiều nhưng chưa vững mạnh

Theo ThS. Trẩm Bích Lộc, các số liệu thống kê cho thấy, vào tháng 3/2017, cả nước có khoảng 1.500 công ty khởi nghiệp, và tính bình quân trên đầu người thì Việt Nam đứng trên cả Trung Quốc, Ấn Độ; song con số ấn tượng đó không làm nên một cộng đồng khởi nghiệp vững mạnh và có sức bứt phá (VNUF, 2017). Chính vì vậy, để tăng tỷ lệ doanh nghiệp tồn tại và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, đặc biệt là từ tầng lớp trẻ (học sinh và sinh viên), Thủ tướng Chính phủ đã ban hành hai quyết định quan trọng, cụ thể là quyết định phê duyệt đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” và quyết định phê duyệt đề án “Hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025”.

Qua đó, các trường đại học chú trọng hơn trong việc đào tạo khởi nghiệp cho sinh viên, cụ thể: các buổi hội thảo ở nhiều cấp độ khác nhau hoặc các buổi tư vấn và giao lưu giữa chuyên gia và sinh viên đã được tổ chức để bàn về vấn đề khởi nghiệp; rất nhiều cuộc thi dành cho sinh viên để khơi dậy tinh thần khởi nghiệp; thành lập các câu lạc bộ khởi nghiệp… để truyền kiến thức và khát khao khởi nghiệp cho sinh viên. Bên cạnh đó, một số trường đưa khởi nghiệp trở thành môn học tự chọn hoặc bắt buộc trong chương trình học, mở mã ngành mới chuyên đào tạo khởi nghiệp. Song, có thể thấy hầu hết những hoạt động này đều chưa mang lại hiệu quả cao, sinh viên được truyền cảm hứng nhưng đó chỉ là cảm xúc nhất thời, các dự án khởi nghiệp phần lớn vẫn nằm trên giấy chứ khó đưa vào thực tế.

ThS. Trẩm Bích Lộc cho rằng, nguyên nhân có thể là vì sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp vẫn còn ở mức độ thấp, chủ yếu chỉ dừng lại ở việc đưa sinh viên đến thực tập hoặc doanh nghiệp cấp học bổng cho sinh viên trường, hỗ trợ trường mua thiết bị… Điều này khiến cho những dự án của sinh viên chưa mang tính thực nghiệm cao; đòi hỏi sự hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp ở mức độ sâu hơn, như: tuyển các nhà khoa học từ đại học vào làm tại doanh nghiệp theo thời hạn; doanh nghiệp tham gia hội đồng tư vấn chuyên môn trong trường đại học; khai thác giá trị thương mại từ các nghiên cứu theo các hợp đồng chuyển giao công nghệ; xây dựng công viên khoa học công nghệ; trường thành lập các công ty (sở hữu một phần hoặc toàn bộ) để đầu tư nghiên cứu, thí điểm, sản xuất thử; trường xây dựng trung tâm ươm tạo doanh nghiệp... Bên cạnh đó, hoạt động nghiên cứu khoa học (NCKH) chưa được nhiều trường chú trọng, dẫn đến các giảng viên hầu như chỉ tập trung vào giảng dạy chứ chưa có nhiều động lực trong nghiên cứu, điều này dẫn đến việc hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cũng bị xem nhẹ.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý, một số trường đại học đã thành lập các doanh nghiệp với mục đích là hỗ trợ hoạt động chuyển giao công nghệ (CGCN). Song, trong thực tế triển khai, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp này chủ yếu là tư vấn, giám sát, kiểm định, cung cấp dịch vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực đến trực tiếp sản xuất, kinh doanh, thi công, trong khi hoạt động quan trọng là CGCN từ kết quả NCKH của chính đơn vị còn rất hạn chế. Đây là khó khăn căn bản khi triển khai các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo (thành lập spinoff) trong trường đại học. Hơn nữa, khi mà lãnh đạo các trường luôn nhìn nhận danh tiếng của đơn vị mình chiếm tỷ trọng lớn trong sự thành công của doanh nghiệp, thì họ luôn mong muốn “danh tiếng” – thứ tài sản vô hình đó được quy đổi ra một tỷ lệ sở hữu lớn trong doanh nghiệp spinoff, như hiện tại con số này có thể lên tới hàng chục phần trăm, thậm chí 51% theo kiểu cũ sẽ không thể tạo động lực cho doanh nghiệp spinoff tồn tại và phát triển.

Có chính sách khuyến khích giảng viên tích cực hỗ trợ sinh viên khởi tạo doanh nghiệp

Với tham luận “Vai trò của trường đại học trong quá trình khởi tạo doanh nghiệp của sinh viên”, các tác giả Trần Đình Phụng, Trịnh Thị Huyền Thương cho rằng, khởi tạo doanh nghiệp nói chung và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo nói riêng là vấn đề mới ở nước ta, đặc biệt là vấn đề hỗ trợ sinh viên khởi tạo doanh nghiệp ở các trường đại học, cao đẳng. Do đó, để nâng cao vai trò của các trường đại học, cao đẳng trong việc hỗ trợ sinh viên khởi tạo doanh nghiệp, cần có một số giải pháp như: xác định rõ mục tiêu hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp cho từng giai đoạn phát triển của các trường đại học, xem đây là một trong những mục tiêu chiến lược trong quá trình phát triển trường. Xây dựng chính sách khuyến khích, động viên cụ thể đối cán bộ, viên chức, giảng viên tích cực hỗ trợ sinh viên khởi tạo doanh nghiệp. - Bổ sung tiêu chí tuyển dụng nhân sự hàng năm về thái độ, hành vi và kinh nghiệm khởi nghiệp cũng như kinh nghiệm về hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.     

Nên hình thành một bộ phận chuyên trách với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể làm đầu mối huy động các nguồn lực trong và ngoài trường cho hoạt động hỗ trợ sinh viên khởi tạo doanh nghiệp. Xây dựng và ban hành qui chế phối hợp giữa bộ phận chuyên trách với các phòng, ban, khoa trong trường cũng như các đối tác ngoài trường có liên quan đến hoạt động hỗ trợ khởi tạo doanh nghiệp. 

Về giáo dục khởi tạo doanh nghiệp, cần từng bước tích hợp nội dung giáo dục tinh thần khởi nghiệp, tinh thần kinh doanh vào chương trình đào tạo các ngành. Xây dựng chương trình đào tạo các khóa học ngắn hạn nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng khởi tạo doanh nghiệp một cách thiết thực, phù hợp với từng đối tượng như sinh viên đang học, sinh viên tốt nghiệp chưa có việc làm, học viên sau đại học…

Hoạt động hỗ trợ khởi tạo doanh nghiệp cần phải được kiểm tra, đánh giá định kỳ; khuyến khích, động viên thích hợ, kịp thời những nhân tố tích cực; phân tích, rút kinh nghiệm những vấn đề còn hạn chế làm cơ sở cho việc điều chỉnh hoạt động hướng về mục tiêu ban đầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sinh viên được truyền cảm hứng khởi nghiệp, nhưng chỉ là nhất thời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO