Sáng tạo trong dạy thực hành thí nghiệm: cái khó ló cái khôn!

Như Quỳnh| 30/10/2017 21:42

KHPTO - Trước việc thiếu thốn dụng cụ thực hành, thí nghiệm, nhiều giáo viên đã có sáng kiến, cải tiến, tận dụng các vật dụng sẵn có, rẻ tiền để giúp học sinh hiểu được nội dung cần biết thông qua thí nghiệm. Nhiều tham luận đã trình bày vấn đề này tại hội thảo khoa học “Phát triển năng lực thực hành thí nghiệm trong dạy học sinh học” do Trường đại học sư phạm TP.HCM tổ chức.

Cụ thể, đối với bài thực hành “Phát hiện hô hấp thực vật” (sinh học 11), một trong hai yêu cầu của bài là phát hiện hô hấp qua sự thải khí CO2, cô đã tận dụng vỏ chai nhựa loại 500 ml của các loại nước khoáng, nước giải khát thay vì sử dụng lọ thủy tinh để chứa hạt nảy mầm hô hấp; dùng bong bóng thay cho nút cao su; ống hút thay cho ống thủy tinh hình chữ U. đối với bài “Hướng động” (sinh học 11 cơ bản), cô yêu cầu học sinh làm thí nghiệm phát hiện tính hướng sáng của cây thay vì tính hướng trọng lực. Đối với yêu cầu này, cô tận dụng các hộp nhựa, hộp giấy hay bìa giấy cũ để thiết kế mô hình.

Ngoài ra, cô còn xây dựng các câu hỏi định hướng nhằm giúp học sinh thấy được mối liên hệ giữa nội dung bài thực hành với thực tiễn cuộc sống, từ đó khơi gợi hứng thú, phát triển tư duy của học sinh. Chẳng hạn, khi dùng bong bóng, cô hỏi học sinh: “Bản chất của việc làm bong bóng to do hô hấp của hạt có giống với việc dùng miệng chúng ta thổi hay không?”, vậy là các em thảo luận sôi nổi để tìm câu trả lời cho cô giáo. Hoặc khi dạy bài “Hướng động”, cô hỏi: “Vì sao cây con lại uốn mình theo những lỗ hỏng trên chiếc hộp? Ánh sángcó ảnh hưởng như thế nào với sinh trưởng của cây xanh? Ứng dụng của hiện tượng hướng sáng trong việc tạo hình cho cây cảnh như thế nào?”, vậy là các em có rất nhiều điều để suy nghĩ về bài thực hành đang diễn ra trước mắt, và về nhà, các em còn có thể “dạy” lại cho gia đình những điều mà mình mới phát hiện và tự hào về sự “thông thái” của mình.

Phần kiến thức di truyền học trong chương trình sinh học có nhiều bài thực hành, thí nghiệm giúp học sinh nghiên cứu đặc điểm nhiễm sắc thể, các bài thực hành này gây nhiều lúng túng với giáo viên và học sinh do công tác chuẩn bị mẫu, pha hóa chất, thao tác làm tiêu bản đòi hỏi nhiều thời gian, công sức, kinh nghiệm của người dạy. Vì vậy, thầy Lê Minh Đức và cô Đặng Thị Ngọc Thanh, Trường đại học Sài Gòn đã tìm cách cải tiến các thí nghiệm này. Cụ thể, muốn quan sát bộ nhiễm sắc thể ở dạng tứ bội 4n, người ta thường dùng colchicine, tuy nhiên, loại tinh khiết hiện nay rất mắc tiền (khoảng 1 triệu đồng/g) và lại khó tìm trên thị trường. Nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm sử dụng một loại thuốc trị bệnh gout có chứa colchicine với liều lượng 1mg/viên, giá thành rẻ hơn, dễ mua ở các tiệm thuốc tây (khoảng 24 ngàn đồng/viên). 

Thầy Lê Minh Đức và cô Đặng Thị Ngọc Thanh đã cải tiến thành công quy trình thực hiện tiêu bản hiển vi để quan sát đột biến số lượng nhiễm sắc thể ở hành tím, với các tiêu chí giảm bớt thời gian chuẩn bị mẫu vật và hóa chất, đơn giản hóa và rút ngắn thời gian thực hiện tiêu bản, giảm chi phí nhưng vẫn đảm bảo kết quả tốt. Nghiên cứu sử dụng thành công xanh methylene 1% pha trong acid acetic 5% để nhuộm nhiễm sắc thể ở hành tím. Thay thế colchicine tinh khiết bằng colchicine chiết xuất từ thuốc trị bệnh gout dùng tứ bội hóa thành công, giúp giảm chi phí thực hiện tiêu bản.

Với bài thực hành đa dạng hóa thí nghiệm lên men rượu bằng cách thay đổi dụng cụ thí nghiệm, các thầy, cô ở khoa sinh học, Trường đại học sư phạm TP.HCM: Nguyễn Thiện Phú, Trần Thị Minh Định, Nguyễn Ngọc Sương đề suất thay đổi ống nghiệm bằng hình tam giác có ống thoát khí, lý do là vì nếu làm theo sách giáo khoa, giáo viên cần chuẩn bị trước từ 3 – 4 giờ, học sinh mới có thể quan sát được hiện tượng. Với cách mới, quá trình lên men xảy ra sau 15 phút, học sinh dễ quan sát. Dụng cụ lên men đơn giản, luôn có trong phòng thí nghiệm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sáng tạo trong dạy thực hành thí nghiệm: cái khó ló cái khôn!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO