Quy tụ đội ngũ trí thức thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện

09/05/2019 09:58

KHPTO – Từ khi Quyết định số 2639/QĐ-UBND (ngày 16/9/2016) của UBND tỉnh có hiệu lực thi hành, hoạt động tư vấn, phản biện của Liên hiệp các hội khoa học vàkỹ thuật (Liên hiệp hội) Tiền Giang có nhiều khởi sắc. Trong 2 năm 2017 - 2018, Liên hiệp hội thành lập Hội đồng phản biện độc lập 15 đềán, dự án quan trọng của tỉnh.

Các đề án, dự án Liên hiệp hội phản biện độc lập, gồm: dự án thí điểm “Xây dựng và khôi phục cây vú sữa Lò Rèn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang”; đề án “Nâng cao năng lực hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng 2030”; dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025”; dự án “Vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025”; đề án “Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025” và đề án “Đảm bảo trật tự an toàn giao thông tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2017 - 2020 và định hướng đến năm 2030”…

Các báo cáo tư vấn, phản biện của Liên hiệp hội đều được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các sở, ngành tỉnh đánh giá cao do có luận cứ khoa học, thực tiễn, khách quan trên cơ sở phát huy trí tuệ của đội ngũ trí thức ở trong, ngoài tỉnh, góp phần nâng cao tính khả thi của các đề án, dự án khi được triển khai vào thực tế.

Để giúp cho công tác tư vấn, phản biện các đề án, dự án đạt hiệu quả, từ cơ sở dữ liệu về đội ngũ trí thức, Liên hiệp hội rà soát và tiến hành mời các chuyên gia, nhà khoa học công tác tại các viện, trường, trung tâm nghiên cứu khoa học, các ủy viên ban chấp hành cùng các chuyên gia công tác tại các hội thành viên của Liên hiệp hội tham gia Hội đồng phản biện độc lập; trong đó, các chuyên gia được mời phản biện phải đảm bảo có trình độ chuyên sâu, chuyên môn, kinh nghiệm phù hợp với đề án, dự án cần phản biện.

Có thể viện dẫn một số đề án, dự án quan trọng của tỉnh được các chuyên gia, nhà khoa học ở trong và ngoài tỉnh tham gia góp ý, phản biện như sau:

Đối với dự án thí điểm “Xây dựng và khôi phục cây vú sữa Lò Rèn trên địa bàn tỉnh Tiền Giang” (chủ đầu tư dự án: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn), Liên hiệp hội đã mời được các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp như: GS.TS. Lê Mạnh Hùng (viện trưởng Viện khoa học thủy lợi miền Nam), GS.TS. Nguyễn Minh Châu (nguyên viện trưởng Viện cây ăn quả miền Nam), ThS. Lâm Thị Mỹ Nương (Trung tâm bảo vệ thực vật phía Nam), TS. Lê Hữu Hải (phó hiệu trưởng Trường đại học Tiền Giang), TS. Trần Thanh Phong (giám đốc Trung tâm khuyến nông tỉnh). Qua đó, TS. Nguyễn Văn Khang (chủ tịch Liên hiệp hội kiêm chủ tịch hội đồng) cùng các chuyên gia, nhà khoa học đã có nhiều ý kiến đóng góp, ý kiến phản biện quan trọng đối với nội dung của dự án về nguyên nhân làm cho diện tích cây vú sữa bị giảm mạnh trong thời gian qua (từ hơn 3.000 ha giảm chỉ còn hơn 500 ha), trong đó, chú ý tìm nguyên nhân chính để có giải pháp khắc phục trong số 3 nguyên nhân: bệnh thối rễ, khô cành, hệ thống thủy lợi, kỹ thuật canh tác; về giải pháp khôi phục diện tích cây vú sữa Lò Rèn, chú ý sử dụng cây giống “khỏe mạnh” được nhân giống từ cây giống “đầu dòng” có địa chỉ tin cậy và được cơ quan chức năng chứng nhận; tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác cho nông dân, đặc biệt, để sản xuất trái vú sữa đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu chú ý không sử dụng các hoạt chất và thuốc bảo vệ thực vật do Hoa Kỳ và EU cấm sử dụng; đồng thời, nghiên cứu làm thêm các thí nghiệm về kéo dài thời gian bảo quản trái vú sữa…

Về dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025” (chủ đầu tư dự án: Sở nông nghiệp và phát triển nông thôn), Hội đồng phản biện đã quy tụ được các nhà khoa học như: TS. Nguyễn Văn Khang, PGS.TS. Bùi Bá Bổng (nguyên thứ trưởng Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn), PGS.TS. Nguyễn Văn Sánh (nguyên viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển đồng bằng sông Cửu Long - Trường đại học Cần Thơ), PGS.TS. Nguyễn Văn Hiền (phó hiệu trưởng Trường đại học nông lâm TP.HCM)… Các nhà khoa học đã kiến nghị đơn vị tư vấn, chủ đầu tư dự án lưu ý mục tiêu cần đạt được của dự án là ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và tăng lợi nhuận cho nông dân ít nhất 30%/ha/năm so với sản xuất truyền thống trước khi tham gia dự án, giúp nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng lúa gạo thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa gạo; ứng dụng công nghệ cao nên thực hiện theo hướng trong cả chuỗi giá trị lúa gạo để đạt sản phẩm sau cùng có giá trị tăng thêm cao hơn sản phẩm đối chứng; tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến các ngành, các cấp và nhân dân nhằm khẳng định sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao là nhiệm vụ chiến lược, trọng tâm của ngành nông nghiệp, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân, xây dựng một nền nông nghiệp công nghệ cao gắn với du lịch sinh thái, sản xuất hàng hóa và phát triển bền vững; đồng thời, dựa vào kết quả giai đoạn trình diễn để tuyên truyền, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân....

Đóng góp cho nội dung đề án “Nâng cao năng lực hoạt động xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030” (chủ đầu tư dự án: Trung tâm xúc tiến đầu tư - thương mại - du lịch Tiền Giang), TS. Nguyễn Văn Khang, PGS.TS. Võ Thành Danh (Trường đại học Cần Thơ), TS. Nguyễn Thạnh Vượng (Trường đại học Tiền Giang) đề nghị đơn vị tư vấn bổ sung tầm quan trọng của hoạt động xúc tiến đầu tư, xét về mặt kinh tế, phải căn cứ vào cơ cấu tỷ trọng của cơ cấu kinh tế vùng, cơ cấu lao động, nhất là cơ cấu các ngành kinh tế của tỉnh theo từng giai đoạn phát triển; cần phân tích rõ luận chứng xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch của tỉnh cho từng giai đoạn đến năm 2020 và 2021 - 2030 trên cơ sở phân tích số liệu và khảo sát thực tế, từ những vấn đề thực trạng, tiềm năng, triển vọng phát triển kinh tế - thương mại của tỉnh…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy tụ đội ngũ trí thức thực hiện tốt nhiệm vụ tư vấn, phản biện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO