Ngày 17/1/2019, vệ tinh MicroDragon của Việt Nam sẽ được phóng lên quỹ đạo

Dòng chảy - Ngày đăng : 18:19, 03/12/2018

KHPTO - Ngày 17/1/2019, vệ tinh MicroDragon (50 kg) của Việt Nam cùng với 6 vệ tinh khác của Nhật Bản sẽ được phóng lên quỹ đạo bằng tên lửa đẩy Epsilon số 4, tại Trung tâm vũ trụ Uchinoura, Nhật Bản. Thời gian phóng dự kiến là 9:50:20 – 9:59:37 (giờ Nhật Bản) tức 7:50:20 – 7:59:37 (giờ Việt Nam).

Vệ tinh MicroDragon là sản phẩm trong khuôn khổ của dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam, hợp phần đào tạo vệ tinh cơ bản thực hiện nhiệm vụ “Đào tạo 36 thạc sĩ công nghệ vũ trụ và thực hành chế tạo thử nghiệm 1 vệ tinh micro (khối lượng khoảng 50 kg) tại một số trường đại học của Nhật Bản”.

MicroDragođược phát triển bởi 36 học viên (là các cán bộ nghiên cứu của Trung tâm vũ trụ Việt Nam thuộc Viện hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam) theo học tại 5 trường đại học hàng đầu Nhật Bản: đại học Tokyo, đại học Keio, đại học Hokkaido, đại học Tohoku và Học viện công nghệ Kyushu dưới sự đào tạo và hướng dẫn của các giáo sư, chuyên gia trong trường từ năm 2013 – 2017.

Mục đích chính của vệ tinh MicroDragon là công cụ để đào tạo thực hành chế tạo thử nghiệm vệ tinh lớp micro. Nhiệm vụ chủ đạo khi thiết kế của MicroDragon là chụp ảnh theo dõi chất lượng nước biển ven bờ để phục vụ cho ngành đánh bắt, nuôi trồng thủy hải sản Việt Nam.

Khối nhiệm vụ chính của vệ tinh MicroDragon sử dụng hệ 2 máy ảnh đa phổ với bộ lọc tinh thể lỏng có thể điều chỉnh (LCTF) có thể chụp được ở 12 dải phổ (từ 412 nm đến 1020 nm), ảnh độ phân giải mặt đất tốt nhất là 78 m, kích thước ảnh khoảng 36 × 48 km khi vệ tinh hoạt động ở quỹ đạo 500 km.

Thông số kỹ thuật cơ bản của vệ tinh MicroDragon

Vệ tinh

 50 kg, 50 cm x 50 cm x 50 cm

Khối nhiệm vụ

Nhiệm vụ chính:

  1. Máy ảnh quang học đa phổ – Spaceborne Multispectral Imager (SMI), độ phân giải: 78m, Độ phủ mặt đất: 36 x 48 km.
  2. Máy ảnh quang học phân cực -Triple Polarization Imager (TPI), độ phân giải 700 m

Nhiệm vụ phụ:

  1. Lưu trữ và chuyển tiếp dự liệu mặt đất (Store and Forward) tần số hoạt động 401.25 MHz.
  2. ATOCSC (Antimony Tin Oxide Coating Solar Cell).
  3. AOS (Atomic Oxygen Sample)

Máy tính trung tâm

Giao thức RS422: 32 kênh

Giao thức SPI: 2 kênh

GPIO: đầu vào 32 kênh, đầu ra 32 kênh

Đầu vào tương tự: 48 kênh

Giao thức Space Wire: 2 kênh

Xác định điều khiển tư thế

Cảm biến mặt trời (6), cảm biến từ trường trái đất (1), cảm biến vận tốc góc, cảm biến vị trí (gps), thanh từ lực (3), bánh xe động lượng (4).

Độ chính xác chỉ hướng 0.3 độ, độ ổn định chỉ hưởng: 0.011 độ/giây

Truyền thông

Băng tần S: đường xuống 64 kpbs, đường lên 4 kbps; 2 ăng-ten

Băng tần X: 10 Mbps, chuẩn giao thức CCSDS; 1 ăng-ten băng tần X

Nguồn

Công suất pin mặt trời trên cánh: 140W (max)

Pin Li-Ion: 22.0-33.6 V, 5800 mAh

Đầu vào cấp nguồn: 3 kênh

Đầu vào cho pin mặt trời: 6 kênh

Đầu ra 5V: 10 kênh, đầu ra +/- 5V: 3 kênh.

Quỹ đạo

SSO 511 km

LTDN 9:30

Thời gian sống

2 năm


Tính đến 9/2017, toàn bộ vệ tinh đã được lắp ráp, tích hợp, thử nghiệm đúng yêu của JAXA và sẵn sàng phóng. Sau đó vệ tinh được lưu trữ và bảo dưỡng định kỳ tại phòng sạch của Đại học Tokyo. Hiện vệ tinh MicroDragon đã được chuyển cho Cơ quan hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) để chờ phóng.

Việc có ảnh vệ tinh MicroDragon ở vị trí chụp mong muốn là cơ sở để trao đổi dữ liệu vệ tinh với cộng đồng micro trên thế giới nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ vũ trụ trong các hoạt động như phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu.

Ngoài ra, ảnh vệ tinh MicroDragon có thể dùng để phối hợp dữ liệu với các dữ liệu viễn thám sẵn có để tìm kiếm các ứng dụng mới hay tăng cường chất lượng của ứng dụng cũ nhằm xác nhận khả năng ứng dụng của dòng vệ tinh micro.

ve_tinh

Để chuẩn bị cho sự kiện quan trọng này, các bước tiếp theo Trung tâm vũ trụ Việt Nam sẽ tiếp tục đào tạo nhân lực, tham gia vận hành vệ tinh tại Nhật Bản: đào tạo cán bộ của TTVTVN vận hành, điều khiển và thu và xử lý tín hiệu của vệ tinh MicroDragon trên quỹ đạo. Thực hành cân chỉnh, phân tích và xử lý ảnh vệ tinh MicroDragon sau phóng.

Trong lần phóng này, cùng với MicroDragon, tên lửa Epsilon số 4 sẽ đem theo 6 vệ tinh khác. Trong đó có 1 vệ tinh nhỏ thử nghiệm công nghệ của JAXA: RAPIS-1 (200 kg); vệ tinh RISESAT (60 kg) của đại học Tohoku; vệ tinh ALE-1 (68 kg) của công ty ALE và 3 vệ tinh lớp cubesat là OrigamiSat-1 (3U, 4kg) của Học viện công nghệ Tokyo; Aoba VELOX-IV (2U, 3kg) của Học viện công nghệ Kyushu và NEXUS (1U, 1kg) của Đại học Nihon.

Trước đó, năm 2013 Trung tâm vũ trụ Việt Nam từng phóng thành công một vệ tinh khác với tên gọi PicoDragon. Đây là sản phẩm đầu tay của Trung tâm vũ trụ Việt Nam. Nó được tạo ra với mục đích đo đạc thông số chụp ảnh vệ tinh, đo đạc thông số môi trường vũ trụ.

Như Quỳnh