Xây dựng nông thôn mới ở huyện Củ Chi

Sống xanh - Ngày đăng : 16:20, 07/01/2019

KHPTO - Trong 3 năm 2016-2018, Ban chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện, UBND huyện đã ban hành 53 văn bản chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện chương trình. Các xã và phòng ban huyện căn cứ vào chỉ đạo này triển khai xây dựng kế hoạch triển khai cho đơn vị mình thực hiện.

 Huyện đánh giá mức độ đạt các tiêu chí như sau: đạt 19/19 tiêu chí: 2 xã (Thái Mỹ và Phước Hiệp); đạt 15 - 18 tiêu chí: 17 xã; đạt từ 10 - 14 tiêu chí: 1 xã (Bình Mỹ). Số tiêu chí bình quân/xã: 16,95.

Cấp huyện, tự đánh giá đạt 5/9 tiêu chí nông thôn mới, gồm: tiêu chí quy hoạch; tiêu chí điện; tiêu chí thủy lợi; tiêu chí an ninh, trật tư xã hội; tiêu chí chỉ đạo xây dựng nông thôn mới.

Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới được quan tâm chỉ đạo thực hiện sâu rộng, làm khơi dậy tính tích cực của nhân dân, được nhân dân ủng hộ, đồng tình tham gia hiến đất thực hiện công trình, đầu tư phát triển sản xuất, tham gia các công tác khác giúp thực hiện tốt mục tiêu của chương trình.

Ban Chỉ đạo chương trình xây dựng nông thôn mới huyện nhận thức đầy đủ về quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trong xây dựng nông thôn mới, có sự tập trung trong chỉ đạo các xã, các đơn vị thực hiện các nhiệm vụ được giao, chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm, thường xuyên kiểm tra, đánh giá tiến độ thực hiện, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đã giúp các đơn vị thực hiện hoàn thành tốt công việc.

Trong tổ chức thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới đã xuất hiện nhiều cách làm hay, mô hình tốt trong phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp gắn với nhu cầu đa dạng, phong phú của thị trường thành phố, khu vực, xuất khẩu được phổ biến, nhân rộng; những nhân tố về các giống cây trồng, giống vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao như bò sữa, hoa lan - cây kiểng, cá cảnh, rau an toàn…; hình thành rõ hơn vùng chuyên canh sản xuất giống cây trồng, giống vật nuôi chất lượng cao, phát triển ngành nghề nông thôn.

Tuy nhiên, việc thực hiện xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện cũng mới chỉ đạt được một số kết quả bước đầu, bên cạnh đó vẫn còn một vài nội dung tồn tại cần phải tiếp tục khắc phục, đổi mới phát triển để tương xứng với tiềm năng phát triển chung của Thành phố: các hình thức tổ chức sản xuất nông nghiệp chậm đổi mới; công tác dạy nghề cho lao động nông thôn mới chỉ đạt một số kết quả nhất định, chưa bảo đảm yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn; hiệu quả ứng dụng khoa học kỹ thuật trong nông nghiệp chưa cao; tình trạng ô nhiễm môi trường; cảnh quan nông thôn chưa thật sự xanh – sạch – đẹp; tình hình an ninh trật tự một số nơi còn diễn biến phức tạp.

Về môi trường, dù đã có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện môi trường, tuy nhiên, vẫn còn rãi rác tại một số nơi xảy ra tình trạng xả rác ven đường; hình thành các bãi rác tự phát; nước thải đã ảnh hưởng đến môi trường chung và tác động nhất định đến sản xuất nông nghiệp, nhất là vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm. Đây là vấn đề cần chú ý, mà xã, huyện cần tập trung, có các giải pháp cụ thể để giải quyết trong năm 2018.

Đến năm 2020, huyện phấn đấu 100% các xã (20/20 xã) và huyện hoàn thành đề án nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Dự kiến tiến độ thực hiện 19 tiêu chí nông thôn mới tại 20 xã như sau: đến cuối năm 2018, bình quân tiêu chí của 20 xã đạt được là 16,95 tiêu chí. Đến cuối năm 2019, huyện có 8/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới được công nhận, bình quân tiêu chí đạt được của 20 xã là 17,5 tiêu chí.  Đến tháng 4 năm 2020, huyện có 20/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới được công nhận (thêm 12/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới). Đối với tiêu chí thu nhập bình quân đầu người đến cuối năm 2018, đạt 53 triệu đồng/người/năm, phấn đấu cuối năm 2019 đạt 58 triệu đồng/người/năm, đến hết tháng 4/2020 đạt từ 60 triệu đồng/người/năm.

Dự kiến tiến độ thực hiện 9 tiêu chí huyện nông thôn mới: đến cuối năm 2018, huyện đạt 5/9 tiêu chí. Đến hết năm 2019, huyện đạt 9/9 tiêu chí. Đến tháng 4 năm 2020, huyện đề nghị thành phố công nhận xã, huyện đạt chuẩn nông thôn mới.

Huyện sẽ tập trung chỉ đạo thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát và dân thụ hưởng”, ban quản lý chương trình mục tiêu quốc gia các xã cần tập trung vận động người dân và cộng đồng cùng chung sức xây dựng các công trình giao thông dưới 500m, các công trình hạ tầng đơn giản nhằm nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020.

Mở rộng thị trường, tăng cường năng lực thâm nhập thị trường của hàng hóa, phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân. Tăng cường hợp tác với Sở công thương, trung tâm xúc tiến thương mại nghiên cứu về đặc điểm, văn hóa các thị trường nhằm tăng cường khả năng hội nhập nông sản, sản phẩm sản xuất trên địa bàn Củ Chi. Củng cố và phát triển các hình thức kinh tế hợp tác từ tổ chức sản xuất đến tiêu thụ; khuyến khích phát triển kinh tế trang trại và các loại hình doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn. Tập trung cải thiện và nâng cao hiệu quả các kênh tiêu thụ sản phẩm rau an toàn nhằm tăng sản lượng tiêu thụ rau, quả của các Hợp tác xã, Tổ hợp tác; từng bước nâng cao tỷ lệ rau tiêu thụ qua các doanh nghiệp, hợp tác xã, siêu thị có hợp đồng.

Tập trung xây dựng các chuỗi sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, phát triển mối liên kết giữa người sản xuất với các kênh tiêu thụ sản phẩm; kết nối ngân hàng, tín dụng vào chuỗi sản xuất cung ứng rau an toàn nhằm đảm bảo quyền lợi của các bên tham gia vào chuỗi. Tiếp tục đẩy mạnh các chính sách hỗ trợ lãi vay, xây dựng chuỗi liên kết giữa doanh nghiệp với nông dân nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, nhân rộng những mô hình tiến bộ khoa học có giá trị kinh tế cao vào sản xuất. Tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp, khu, cụm công nghiệp trên địa bàn đào tạo nghề, tổ chức ngày hội việc làm để thu hút lao động địa phương. Tiếp tục xây dựng và phát huy vai trò của 3 mô hình hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến, hiện đại.

Như Ngọc