Đột biến gen BRCA1 và BRCA2: Xét nghiệm di truyền cho ung thư vú

Y học - Ngày đăng : 15:00, 10/12/2018

KHPTO - Ung thư vú là bệnh u ác tính thường gặp nhất ở nữ giới, khoảng 5 - 10% nguyên nhân do yếu tố di truyền (thừa hưởng những thay đổi gen được gọi là đột biến). Đột biến gen BRCA1 và BRCA2 làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú.

Theo Trung tâm tư vấn di truyền, Bệnh viện đại học y dược Hà Nội, hàng năm trên thế giới có khoảng 500.000 người tử vong do ung thư vú. Ở Việt Nam, mỗi năm có khoảng 11.000 ca mới mắc và 5.000 trường hợp tử vong. Theo thống kê, ung thư vú chiếm 7 - 10% các loại ung thư. Tỷ lệ tử vong do ung thư vú giảm nhanh nhờ vào việc phát hiện sớm, điều trị cá thể hóa và hiểu biết tốt hơn về bệnh.

Mọi người đều có hai bản sao của các gen BRCA1 và BRCA2 mà chúng ta thừa hưởng ngẫu nhiên từ mỗi cha, mẹ. Chúng giúp phòng ngừa ung thư ở một số bộ phận trên cơ thể. Nếu một trong hai gen không hoạt động hiệu quả (vì có đột biến gen di truyền) thì có nguy cơ tăng cao mắc ung thư vú (ở cả nữ giới và nam giới), ung thư buồng trứng. Tuy nhiên, chỉ có 5% - 10% những trường hợp ung thư vú mang đột biến gen này. Từ năm 1996, xét nghiệm đột biến gen BRCA1 và BRCA2 đã được đưa vào thực hành lâm sàng.

Chức năng của hai gen BRCA1 và BRCA2?

Hai gen BRCA1 và BRCA2 quy định tổng hợp protein ức chế khối u - giúp ngăn ngừa sự phát triển và phân chia quá nhanh, không kiểm soát của tế bào. Hai gen này nằm ở nhánh dài nhiễm sắc thể số 17 (Vị trí: 17q21.31).

Những người mang các đột biến gen này có xu hướng phát triển bệnh ung thư vú và buồng trứng ở tuổi trẻ hơn những người không có đột biến. Ảnh hưởng của đột biến có thể thấy ở cả những người chỉ mang một gen đột biến.

Nguy cơ cao mắc ung thư vú

Tỷ lệ mắc ung thư vú ở phụ nữ nói chung là 12%. Tuy nhiên, ước tính 55-65% phụ nữ có đột biến gen BRCA1 sẽ bị ung thư vú khi 70 tuổi và > 70% bị ung thư vú khi 80 tuổi. Đối với người mang đột biến gen BRCA2, tỷ lệ bị ung thư vú ở độ tuổi 70 và 80 lần lượt là 45% và 69%.

Nếu phụ nữ bị ung thư vú một bên có mang đột biến gen BRCA1 hoặc BRCA2 thì nguy cơ phát triển ung thư bên vú còn lại là 40% và 26% sau 20 năm kể từ khi chẩn đoán ung thư vú lần đầu.

Ai nên làm xét nghiệm đột biến gen BRCA1 và BRCA2?

Tỷ lệ mang đột biến gen này ở dân số nói chung là 1/400-1/800. Những trường hợp được khuyến cáo xét nghiệm đột biến gen BRCA1 và BRCA2:

Đối tượng nguy cơ cao:

- Phụ nữ có những thành viên trong gia đình bị ung thư vú, buồng trứng, ống dẫn trứng, phúc mạc,… trước tuổi 50.

- Phụ nữ bị hoặc có người thân bị ung thư vú hai bên, ung thư buồng trứng hoặc ung thư vú ở cùng một người phụ nữ.

- Trong cùng một gia đình, nhiều người bị ung thư.

- Có một người thân đã được chẩn đoán ung thư liên quan đến hai đột biến thuộc hai gen này.

- Ung thư vú ở nam.

Sàng lọc mang gen trong quần thể (phụ nữ > 40 tuổi)

Việc xét nghiệm gen nên bắt đầu từ người bệnh. Nếu tìm thấy đột biến liên quan thì có thể làm xét nghiệm gen cho những người còn lại. Trong trường hợp không xác định được liệu người bị ung thư có đột biến hay không thì người có tiền sử gia đình đặc biệt cũng nên được tư vấn di truyền và cân nhắc làm xét nghiệm gen.

Kết quả xét nghiệm

- Có đột biến gen BRCA1 và/hoặc BRCA2: xác định người mang đột biến gen sẽ có nguy cơ cao phát triển ung thư, nhưng không cho biết khi nào người đó sẽ thực sự bị bệnh. Người mang gen có 50% khả năng di truyền gen bệnh cho con cái.

- Âm tính: có hai khả năng, không mang gen bệnh hoặc xét nghiệm hiện tại chưa phát hiện được đột biến gen đó.

- Không rõ ràng: những biến đổi ở gen chưa khẳng định có gây hại hay không (các đột biến mới).

Quản lý người mang gen bệnh

- Nữ giới mang gen đột biến: nên được khám và sàng lọc ung thư vú ở lứa tuổi trẻ (chụp vú hàng năm lúc 25 - 35 tuổi) để phát hiện ung thư vú ở giai đoạn sớm, giúp điều trị hiệu quả.

- Nam giới mang gen đột biến: cần được khám vú cũng như tầm soát ung thư tiền liệt tuyến.

Hiện nay, Trung tâm tư vấn di truyền, Bệnh viện đại học y dược Hà Nội đang thực hiện khám, tư vấn di truyền và xét nghiệm gen cho những trường hợp có nguy cơ cao cũng như sàng lọc mang đột biến gen BRCA1 và BRCA2.

Hoàng Yến