Phòng ngừa ngộ độc thực phẩm ngày tết

Y học - Ngày đăng : 10:59, 23/01/2020

KHPTO - Theo ThS.BS. Đinh Thạc, Bệnh viện nhi đồng 1 TP.HCM, trong những ngày tết, các gia đình thường mua khá nhiều thực phẩm để dành sử dụng trong những ngày tết. Các loại thức ăn ngày tết thường là các món ngọt như bánh mứt, kẹo, nước ngọt; các món mặn như thịt kho tộ, bánh chưng, bánh tét, bánh ít, hoặc rau xà lách, trái cây tươi và các món ăn chế biến khác đều ẩn chứa nguy cơ ngộ độc thực phẩm nếu chúng được chế biến và bảo quản không đúng quy cách.

Khi phát hiện ngộ độc thực phẩm, nên ngưng ngay những thức ăn bị nghi ngờ gây ngộ độc. Cần lưu ý tình trạng sức khỏe của người bị ngộ độc để có cách xử trí phù hợp nhất.

Nếu bệnh nhân vẫn tỉnh táo, cảm giác hơi mệt mỏi, nôn ói và đi ngoài dưới 5 lần, mạch huyết áp bình thường, có thể cho bệnh nhân theo dõi tại nhà. Chú ý cho bệnh nhân ăn thức ăn lỏng mềm, dễ tiêu và đảm bảo thức ăn vừa được chế biến, an toàn vệ sinh thực phẩm tuyệt đối và cho bệnh nhân uống nhiều nước để bù lại lượng nước đã mất, nhất là các loại nước uống giàu vitamin. Nếu sau 2 ngày, các dấu hiệu ngộ độc thuyên giảm thì tiếp tục theo dõi và chăm sóc tại nhà.

Nếu người bị ngộ độc có biểu hiện mệt mỏi nhiều, choáng váng, nôn ói và đi ngoài nhiều, hoặc biểu hiện trụy mạch thì phải đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để kịp thời điều trị.

Người già và trẻ em rất dễ ngộ độc nhanh và nặng. Do vậy, khi sơ cứu nếu bệnh nhân nôn ói nhiều, nên đặt bệnh nhân ở tư thế đầu cao và nghiêng sang một bên để tránh hít sặc chất nôn, ói vào đường hô hấp.

Tuyệt đối không dùng thuốc cầm nôn ói và cầm tiêu chảy, vì sẽ giữ độc tố lại cơ thể làm bệnh trầm trọng hơn.

Nên chú ý cho người bệnh nghỉ ngơi tuyệt đối, uống trà gừng nóng, ăn nhẹ thức ăn mềm, dễ tiêu, bù dịch bằng các loại dung dịch có chất điện giải như dung dịch muối - đường, dung dịch Oresol... Nếu tình trạng không cải thiện nên sớm đưa bệnh nhân đến bệnh viện để được cứu chữa tích cực hơn.

Để bảo đảm sức khỏe trong những ngày vui xuân cùng gia đình, bạn bè và giúp cho mọi người an tâm hơn về nỗi lo ngộ độc thực phẩm ngày tết, cần chú ý những nguyên tắc phòng ngừa sau:

- Lưu giữ thức ăn đúng cách: tủ lạnh đựng thức ăn phải đảm bảo ở nhiệt độ bằng hoặc dưới 4 độ C, ngăn đá phải đảm bảo nhiệt độ dưới âm 5 độ C.

- Không để lẫn lộn thực phẩm đã nấu chín với thực phẩm chưa nấu để tránh lây nhiễm chéo vi khuẩn từ thực phẩm sống sang thực phẩm chín.

- Không để thức ăn đã nấu chín ở ngoài quá 4 tiếng, vì vi khuẩn sẽ sinh sản và gây ngộ độc.

- Rửa tay bằng xà phòng và nước sạch dưới vòi nước chảy trước khi chế biến thức ăn và trước khi bày dọn thức ăn ra bàn (nếu thấy cần thiết thì mang găng tay để đảm bảo an toàn thực phẩm).

- Khi hâm lại thức ăn, phải đun nóng ở nhiệt độ cao hơn 75 độ C mới đảm bảo không bị nhiễm khuẩn.

- Không nên ăn những loại thức ăn được hâm đi hâm lại quá nhiều lần hoặc thức ăn bị nghi ngờ ôi thiu.

- Rửa sạch rau củ quả trước khi ăn hoặc trước khi chế biến để tránh những mầm bệnh và thuốc trừ sâu, hóa chất bảo quản... có thể gây ngộ độc cấp tính.

- Không nên ăn những củ khoai tây đã mọc mầm hay những củ có vỏ đã chuyển sang màu xanh, những củ đã đào khỏi mặt đất quá lâu để tránh tình trạng ngộ độc do độc tố solanin.

- Thực hiện nghiêm túc việc ăn chín, uống sôi và tuân thủ nghiêm ngặt quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của Bộ y tế.

- Hạn chế uống rượu quá nhiều trong 3 ngày tết để tránh ngộ độc rượu.

HỒNG DUNG