Nét tương đồng giữa tết ở Việt Nam và Hàn Quốc

Đời sống - Ngày đăng : 10:26, 02/02/2018

KHPT - Hầu hết lễ tết truyền thống ở Hàn Quốc và Việt Nam diễn ra cùng ngày và đều liên quan đến lịch (âm lịch) sản xuất vụ mùa nông nghiệp (lúa nước). Khi nghiên cứu vấn đề này, ThS. Nguyễn Trung Hiệp, Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM thấy rằng, các phong tục trong mỗi lễ tết ở hai nước có nhiều điểm tương đồng.

Tết Nguyên đán là tiết lễ đầu tiên của năm (theo âm lịch). Ở Hàn Quốc, người dân tin rằng điều may mắn trong cả năm lệ thuộc vào những gì diễn ra vào ngày đầu năm mới. Do đó, vào dịp này, các thành viên trong gia đình người Hàn tập hợp lại, dâng lễ vật cúng bái thần linh và tổ tiên, chúc nhau những lời tốt đẹp và kiêng kỵ nhiều điều cũng như cẩn trọng trong lời nói để tránh điều xui và cầu mong điều may mắn.

Với người Việt, tết Nguyên đán là quan trọng nhất trong năm nên người Việt xưa gọi đây là “Tết Cả (cả = lớn) để phân biệt với các tết nhỏ còn lại”. “Nguyên đán” là thời khắc bắt đầu năm mới, mùa mới và tháng mới. Nó đứng đầu chuỗi các lễ tiết nên buổi sáng này linh thiêng nhất. Người Việt cũng tin rằng mọi hành động và lời nói trong buổi sáng năm mới này có hiệu lực trong cả một năm nên cố gắng tránh nói gở và làm điều xấu.

Vào những ngày cuối năm âm lịch, cả người Hàn và người Việt đều tất bật chuẩn bị nhiều thứ để đón năm mới. Tuy nhiên, có lẽ thời gian và không khí chuẩn bị tết của người Việt dài hơn và náo nhiệt hơn so với người Hàn. Thời gian chuẩn bị của người Việt dài hơn vì bắt đầu từ 23 tháng chạp với việc cúng ông Táo; không khí chuẩn bị náo nhiệt hơn vì thực hiện nhiều phong tục hơn.

Bánh chưng và bánh dày là hai món ăn không thể thiếu trong ngày tết Nguyên đán, thể hiện triết lý âm - dương (vuông - tròn; đất - trời...) của người Việt xưa. Bánh chưng vuông, màu xanh (âm) tượng trưng cho mẹ đất. Bánh dày tròn, màu trắng (dương) tượng trưng cho cha trời. Hai món ăn này (chỉ có ở Việt Nam), với thành phần chính là gạo (tượng trưng cho văn hóa lúa nước), thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt.

Một tục lệ không thể không nhắc đến là lễ cúng tiễn Táo quân về trời vào 23 tháng chạp. Có thể nói rằng đây là sản phẩm của đời sống văn hóa nông nghiệp vốn đòi hỏi nông dân sống cố định một chỗ để trồng trọt và chăn nuôi. Đòi hỏi này khiến cho ngôi nhà trở nên rất quan trọng (tục ngữ có câu “an cư lạc nghiệp”). Mà trong một ngôi nhà, cái bếp lại quan trọng hơn cả vì nó nuôi sống cả gia đình. Do đó, Táo quân - thần cai quản nhà bếp - phải được quan tâm một cách kính cẩn thường xuyên.

Gần ngày tất niên, người Việt thực hiện một phong tục thể hiện truyền thống đạo hiếu của dân tộc: tảo mộ. Đến ngày tất niên, người ta lấy một cây tre tươi còn ngọn và lá, trồng trước sân gọi là cây nêu. Trên ngọn cây nêu có treo những chiếc chuông con và khánh bằng đất nung có thể phát ra âm thanh khi gió thổi cốt để xua đuổi ma quỷ. Người ta còn dùng vôi trắng vẽ hình cung tên đang giương bắn nhằm chặn ma quỷ xâm nhập vào nhà.... Đây là những tín ngưỡng thể hiện truyền thống theo đạo Phật của dân ta.

Ở Hàn Quốc, các công việc chuẩn bị đón mừng tết đầu năm có vẻ ít hơn người Việt. Người Hàn cũng đi chợ tết nhưng đến gần cuối tháng chạp họ mới đi. Chủ yếu mua thịt, cá, trái cây... để làm lễ vật cúng vào ngày đầu năm mới. Công việc nữ giới là chuẩn bị thức ăn, làm bánh tteok (bánh làm từ bột gạo), quét dọn nhà cửa... Công việc nam giới là sửa sang nhà cửa và dán những tờ giấy viết chữ “hổ”, “long”, “phúc”... hay tuế họa (sehwa - tranh năm mới) vẽ hình các vị tiên (ông Phúc, ông Lộc, ông Thọ...) và những con vật có sức mạnh (hổ, rồng, kỳ lân...) lên cửa chính để xua đuổi ma quỷ và cầu phúc.

Phong-tuc-don-tet-han-quoc

Sum họp gia đình ngày tết ở Hàn Quốc - Ảnh: Internet

Đêm giao thừa - đêm cuối cùng tháng chạp, theo thông lệ, mọi người trong gia đình Việt Nam không ngủ, thức cùng nhau làm lễ trừ tịch. Lễ trừ tịch (tiến hành vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới) là để cúng hai vị Hành khiển, một vị cai quản năm cũ, một vị cai quản năm mới bàn giao công việc trần gian cho nhau. Ý nghĩa của lễ này là “tống cựu nghênh tân”: bỏ đi hết những điều xấu và cũ kỹ của năm cũ để đón những điều tốt đẹp và mới mẻ của năm mới. Lúc này, bàn thờ tổ tiên đã bày bánh mứt, đặc biệt là bánh chưng, bánh dày hay bánh tét, mâm ngũ quả dâng cúng. Sau khi cúng lễ trừ tịch, mọi người chọn giờ lành và hướng tốt để xuất hành. Xuất hành trong đêm giao thừa có 2 mục đích: đi lễ chùa và sau đó quay trở về tự xông đất nhà mình. Mọi người đến chùa dâng hương cầu nguyện Trời Phật phù hộ gia đình năm mới an khang thịnh vượng. Viếng chùa xong người ta bẻ lấy một cành cây mang về nhà gọi là hái lộc.

Đêm giao thừa ở Hàn Quốc, mọi người quây quần trong nhà, không ai ngủ trong đêm giao thừa, thức luôn đến sáng (khác với Việt Nam: sau khi đi lễ chùa về không nhất thiết phải thức đến sáng) vì tin rằng lông mày sẽ bạc trắng nếu ngủ trong đêm giao thừa. Họ thức để thực hiện hai phong tục đặc biệt. Một là, làm và treo cái sàng đuổi quỷ dạ quang lên tường trước cửa nhà để quỷ dạ quang không vào nhà lấy dép của trẻ em - điều xui xẻo cho cả năm mới. Hai là, đón mua cái đấu gạo may mắn và treo trước cửa nhà hoặc trong gian bếp để cầu mong phúc đến cả năm.

Theo truyền thống, từ sáng sớm, nam giới trong gia đình người Hàn mặc hanbok mới, tụ họp trong từ đường để thực hiện trà lễ. Những người phụ nữ trong gia đình, cũng mặc những bộ hanbok mới, làm mâm cơm dâng cúng tổ tiên để thể hiện lòng kính trọng và cầu xin sự phù hộ từ tổ tiên trong năm mới. Lễ vật có thịt cá, trái cây, cơm và đặc biệt là canh tteok.

Như Quỳnh