Công tác xã hội đã được công nhận như một ngành khoa học

Giáo dục - Ngày đăng : 16:07, 12/10/2018

KHPTO - Tại hội thảo khoa học “Công tác xã hội – nhu cầu nhân lực và vấn đề đào tạo” do Trường đại học sư phạm TP.HCM tổ chức, PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn cho rằng, ở Việt Nam, nghề công tác xã hội (CTXH) mới chỉ ở bước đầu hình thành, chưa được phát triển theo đúng ý nghĩa của nó trên tất cả các khía cạnh. Thực tế cho thấy, vẫn còn một số nhân viên làm CTXH chưa được đào tạo bài bản và hệ thống.

Những nghiên cứu dự báo về nhân lực CTXH cho thấy đây là ngành nghề đang cần một đội ngũ nhân lực đáng kể. Kể từ sau khi đề án phát triển nghề CTXH ở Việt Nam được ban hành, CTXH đã được công nhận như một ngành khoa học, một nghề chuyên môn với việc ban hành mã ngành đào tạo và mã số ngạch viên chức.

Đảm bảo việc giáo dục và phát triển học sinh một cách hiệu quả

PGS.TS. Huỳnh Văn Sơn, phó hiệu trưởng Trường đại học sư phạm TP.HCM nhận định, thực tiễn đã cho thấy, tâm lý học trường học, tham vấn học đường, CTXH học đường là ba cột trụ quan trọng để thúc đẩy và đảm bảo việc giáo dục và phát triển học sinh một cách hiệu quả. Vì thế, phân ngành ứng dụng CTXH trong môi trường học đường hay phân ngành CTXH học đường trở thành yêu cầu rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay.

Theo đề án phát triển nghề CTXH ở Việt Nam, giai đoạn 2010 – 2020, đến năm 2020 nước ta sẽ có 60.000 nhân viên CTXH làm việc ở các lĩnh vực khác nhau trong đó có những công việc ở nhà trường phổ thông và các cơ sở giáo dục khác. Trong trường học, còn khá nhiều học sinh có thể được xếp vào nhóm đối tượng yếu thế cần sự hỗ trợ của CTXH viên, vì thế, việc phát triển CTXH học đường mang tính thiết yếu, có cơ sở.

CTXH là ngành khá mới mẻ, quy mô đào tạo vẫn đang phát triển. Dựa trên danh mục mã ngành cấp 4 và đăng ký tuyển sinh công khai của các trường (bộ hay liên bộ), hiện nay có từ 50 đến dưới 60 trường – viện đang đào tạo ngành CTXH ở trình độ: cử nhân cao đẳng, cử nhân, sau đại học... Hội đồng ngành – liên ngành xếp CTXH vào nhóm ngành tâm lý học trong nhiều năm liền cho thấy mối liên hệ khá chặt chẽ giữa các liên ngành. Mặt khác, CTXH gồm nhiều liên ngành trong đó, CTXH với trẻ em và CTXH học đường là những phân ngành chính yếu. Bởi nếu, trẻ em được quan tâm, được tiến hành nâng đỡ, hỗ trợ ngay từ sớm và rõ nhất trong môi trường học đường thì cơ hội được bảo vệ, phát triển rất hiệu quả.

Định hướng trong đào tạo ngành CTXH tại Trường đại học sư phạm TP. HCM là chuyên sâu về CTXH trẻ em và CTXH trong trường học như một điển hình phát triển có dự báo và có điểm đến rất hiệu quả. Đây cũng là định hướng hiện đại của ngành CTXH trên thế giới và những chuyên gia CTXH muốn hướng đến con người và tổ chức. Điều này cho thấy phân ngành CTXH học đường đã có khá nhiều luận cứ phát triển. Đây cũng chính là nguyên lý đón đầu trong đào tạo, củng cố luận chứng từ thực tiễn để phát triển ngành toàn vẹn, phát triển chuyên sâu theo hướng chuyên nghiệp hóa.

Theo TS.Võ Thị Tường Vy, Trường đại học sư phạm TP.HCM, có thể xác định một số đặc điểm về vai trò và nhiệm vụ của CTXH viên học đường như sau:

+ Phát hiện: Đánh giá nhu cầu, đánh giá tâm lý - xã hội cho học sinh hằng năm và đánh giá chương trình CTXH học đường; phát hiện, can thiệp và báo cáo những trường hợp trẻ bị lạm dụng, bị bỏ rơi.

+ Phòng ngừa: Xây dựng kế hoạch bảo vệ phúc lợi của học sinh; bảo vệ quyền trẻ em trong giáo dục (chức năng phòng ngừa); hướng dẫn kỹ năng sống cho học sinh.

+ Can thiệp: Can thiệp khủng hoảng và giải quyết xung đột; can thiệp, trị liệu hành vi và can thiệp hệ thống cho những học sinh có vấn đề về sức khỏe tâm thần; hòa giải, đàm phán, lắng nghe những bất bình của học sinh.

+ Phục hồi: Phục hồi chức năng hoạt động cho học sinh; hỗ trợ hòa nhập.

+ Phát triển: Quản lý phát triển chương trình CTXH học đường; phát triển mạng lưới chăm sóc sức khỏe tâm - sinh lý cho học sinh trong trường học, kết nối với gia đình và cộng đồng.

CTXH trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần đang còn bỏ ngỏ

Theo ThS. Ái Ngọc Phân, Trường đại học y dược TP. HCM, phần lớn những người gặp khó khăn về sức khỏe tâm thần tìm đến điều trị và chăm sóc khi tình trạng bệnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực làm việc và giảm sút nghiêm trọng về tình trạng thể chất.

Trong khi đó, hệ thống chăm sóc sức khỏe tâm thần trên thực tế còn chưa hoàn thiện: ngoài các bác sĩ, tâm lý gia, thì thiếu hụt rất lớn các chuyên gia khác như bác sĩ chuyên khoa tâm thể, điều dưỡng chuyên ngành tâm thần, và đặc biệt nhân viên xã hội.

Nhân viên xã hội chính là trung tâm của hệ thống, là nơi kết nối các hệ thống hỗ trợ để giúp đỡ cho người có vấn đề về sức khỏe tâm thần. Làm sao để một cá nhân hoặc một gia đình có vấn đề về sức khỏe tâm thần được nhận diện trong cộng đồng được hỗ trợ đi điều trị trong bệnh viện và được giúp đỡ để sắp xếp rời viện điều trị tái hòa nhập với cuộc sống, tự quản lý tình trạng bản thân, phát huy được năng lực làm việc đóng góp cho xã hội thay vì trở thành gánh nặng của xã hội.

ThS. Ái Ngọc Phân cho rằng, các nhà điều trị như bác sĩ, tâm lý gia không thể rời khỏi viện điều trị, điều dưỡng không thể đến chăm sóc tại gia hay tư vấn hướng nghiệp, các mạnh thường quân có thể hỗ trợ vật chất nhưng không tạo công ăn việc làm…chưa kể sự kỳ thị trong cộng đồng là rào cản lớn nhất mà cá nhân và gia đình chưa hẳn đã đủ năng lực vượt qua.

Chính lúc này vai trò của người nhân viên xã hội trở nên cần thiết và thực tế hơn bao giờ hết. Sự năng động của họ giúp cá nhân và gia đình cởi mở hơn. Việc cùng đồng hành để tìm kiếm và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hỗ trợ giúp gia tăng năng lực của cá nhân và gia đình.

Tuy vậy, trên thực tế, CTXH trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần đang còn bỏ ngỏ. Trong các bệnh viện chuyên khoa tâm thần, nhân viên xã hội hầu như rất hiếm. Công việc của nhân viên xã hội trong bệnh viện thường được giao lại cho công tác điều dưỡng, hoặc cho đơn vị kế hoạch tổng hợp và cũng chỉ gói gọn ở hoạt động hỗ trợ về vật chất cho các bệnh nhân và gia đình có hoàn cảnh khó khăn; tham gia vào các hoạt động vận động và hỗ trợ người bệnh tập luyện tại bệnh viện để phục hồi chức năng. Tuy nhiên đó chỉ là 2 trong số những công việc mang đến lợi ích lớn lao mà ngành CTXH có thể phát huy nhưng vì thực tế còn nhiều hạn chế.

Anh Thư