Việc thực hiện thành công chương trình mới sẽ mang ý nghĩa quyết định

Giáo dục - Ngày đăng : 23:09, 26/09/2019

KHPTO - Xác định những định hướng đối với giáo dục Việt Nam đến năm 2030, bộ trưởng Bộ giáo dục và đào tạo Phùng Xuân Nhạ cho biết, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được đưa vào triển khai từ năm 2020, chuyển từ cách tiếp cận nội dung sang phát triển năng lực và phẩm chất sẽ là tiền đề cho công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục phổ thông. Việc thực hiện thành công chương trình mới sẽ mang ý nghĩa quyết định đến sự thành công của hệ thống giáo dục.

Để giải quyết nút thắt về nguồn nhân lực chất lượng cao, bộ trưởng chỉ ra một số giải pháp cần ưu tiên trong thời gian tới đối với giáo dục đại học như hoàn thiện khung thể chế để tạo điều kiện cho tự chủ đại học; đẩy mạnh công tác kiểm định chất lượng; tăng ngân sách nhà nước dành cho giáo dục đại học và thay đổi cơ chế phân bổ cho hiệu quả; đa dạng hóa hệ thống giáo dục đại học, trong đó cần tăng tỷ trọng các trường tư chất lượng cao; gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo trong nhà trường.

Người đứng đầu ngành giáo dục cũng nêu rõ tầm quan trọng của một hệ thống giáo dục hỗ trợ học tập suốt đời, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái cơ cấu hệ thống các trung tâm giáo dục thường xuyên và các trung tâm học tập cộng đồng, thay đổi các khuôn mẫu truyền thống để xây dựng một xã hội học tập.

Ở một góc độ nào đó, bộ trưởng cho rằng, thành công của Việt Nam trong lĩnh vực tiếp cận giáo dục cơ bản và kết quả học tập đã gây ấn tượng với các nhà hoạch định chính sách giáo dục trên toàn thế giới. Để có được thành công đó, bên cạnh sự nỗ lực từ bên trong của ngành giáo dục, còn là sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đối với mục tiêu phát triển giáo dục.

Chia sẻ về thành công của giáo dục mầm non và phổ thông của Việt Nam nhằm khẳng định Việt Nam luôn quan tâm đến tiếp cận công bằng và đầu tư sớm vào giáo dục, bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đồng thời nhấn mạnh, giáo dục đại học phải là động cơ chính để chuyển đổi tiềm năng thành nguồn nhân lực lao động có tay nghề cao.

“Chúng ta phải nâng cao chất lượng của các cơ sở giáo dục đại học để đóng góp một cách hiệu quả vào tăng trưởng kinh tế. Nếu hệ thống giáo dục đại học không có quy mô và chất lượng tương xứng như kỳ vọng thì chính hệ thống đó lại là điểm nghẽn trong khâu đột phá về nguồn nhân lực chất lượng cao trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”, bộ trưởng nói.

N. QUỲNH