Thực hiện chương trình nông thôn mới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo

Giáo dục - Ngày đăng : 23:27, 28/10/2019

KHPTO - Theo ông Phạm Hùng Anh, cục trưởng Cục cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), tính đến 6/2019, tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục để thực hiện chương trình trong cả giai đoạn 2011 - 2019 là khoảng 462.791,1 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương chiếm tỷ lệ 10,82%, ngân sách địa phương chiếm tỷ lệ 66,43%; nguồn thu hợp pháp khác chiếm tỷ lệ 22,75%.

Lý giải nguyên nhân của kết quả này, ông Phạm Hùng Anh cho rằng, đầu tư cho giáo dục và đào tạo luôn được coi là một ưu tiên trong phát triển của các địa phương, thường chỉ đứng sau mục tiêu về cơ sở hạ tầng kinh tế (đường giao thông, điện, nước…). Tuy nhiên, do ngân sách hạn hẹp hoặc có địa phương chưa thực sự quan tâm đúng mức, nên chỉ tập trung kinh phí cho ưu tiên thứ nhất đã không đủ tiền, dẫn đến trên thực tế phần đầu tư cho giáo dục hạn hẹp, chỉ chủ yếu nhằm giúp các trường “đạt chuẩn” để đủ tiêu chuẩn được công nhận là xã nông thôn mới.

Ngoài ra, khi triển khai chương trình MTQGXDNTM có 2 vấn đề là “diện” (mục tiêu có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn tiêu chí số 5) và “điểm” (mục tiêu số xã đạt chuẩn nông thôn mới); tuy nhiên, hầu hết các địa phương mới chỉ ưu tiên chỉ đạo “điểm” vì vậy mục tiêu “diện” là không đạt. Các quy định về chuẩn cơ sở vật chất còn chung chung, dẫn đến việc đo lường, đánh giá còn hạn chế, nhiều địa phương còn “nợ” tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị trường học khi xem xét công nhận đạt chuẩn xã nông thông mới.

Đối với tiêu chí số 14, đây là tiêu chí thuộc lĩnh vực chuyên môn của Bộ GD&ĐT, vì vậy việc chỉ đạo và lồng ghép với các chương trình được thực hiện hiệu quả; công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập tiểu học, trung học cơ sở (THCS) và phổ cập giáo dục xóa mù chữ không những đạt được kết quả tốt mà còn được duy trì bền vững ở hầu hết các địa phương.

Tính đến tháng 12/2018 cả nước có 100% các tỉnh/thành phố, 100% đơn vị cấp huyện, 99,9% đơn vị cấp xã duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tổng số trẻ 6 tuổi huy động được vào lớp 1 đạt trên 99%; kết quả phổ cập giáo dục THCS được củng cố và từng bước nâng cao chất lượng; tỷ lệ người biết chữ tăng nhanh, nhiều địa phương đã đạt chỉ tiêu xóa mũ chữ. Chất lượng phổ cập giáo dục ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, biên giới và hải đảo được củng cố vững chắc nhờ có sự ra đời và phát triển của hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú.

Triển khai chương trình MTQGXDNTM sau năm 2020, Bộ GD&ĐT đặt mục tiêu tăng cường đầu tư nhằm đáp ứng yêu cầu tối thiểu về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; đặc biệt chú trọng đầu tư theo “diện”, từng bước nâng cao chất lượng các tiêu chí về cơ sở vật chất, thiết bị trường học theo hướng bền vững trong các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông. Tiếp tục củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ. Trong đó, phấn đấu đạt 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; đến năm 2025 có ít nhất 30/63 tỉnh/thành phố (gần 50%) đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 80% tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập THCS mức độ 2; phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đi học nghề.

N. QUỲNH