Máy tính cũ: nâng cấp hay mua mới

Công nghệ - Ngày đăng : 22:04, 18/05/2005

Nếu hiện tại bạn đang sở hữu một bộ máy tính cũ cỡ Pentium II, III... thì ắt hẳn bạn rất vất vả trong việc xử lý các tài liệu, thông tin với một số lượng lớn, hoặc không thể xem được hình ảnh sắc nét, âm thanh sống động khi giải trí trên máy tính. Trước thực tế đó, ai cũng muốn máy tính chạy nhanh hơn để đẩy nhanh tiến độ công việc. Vậy thì bạn sẽ làm gì với cấu hình hiện tại của máy đang sử dụng?

Linh kiện máy tính thường được người dùng chọn nâng cấp nhiều nhất là RAM. Nhưng việc nâng cấp RAM cũng lắm nhiêu khê, đôi khi nâng cấp RAM xong thì máy không còn chạy được nữa, hoặc cắm bao nhiêu thanh RAM nhưng máy vẫn cứ giữ nguyên dung lượng RAM cũ... tất cả là do sự không tương thích RAM, mainboard kén RAM. Do vậy, trước khi muốn nâng cấp RAM cần phải xác định rõ ràng: máy đang sử dụng RAM loại EDO RAM, SDRAM, RDRAM, DDRAM và tốc độ bus của RAM là bao nhiêu? Không thể tùy tiện gắn các loại RAM vào mainboard không hỗ trợ RAM đó, nhưng có thể gắn các loại RAM cùng loại nhưng khác nhau về tốc độ bus. Đa số các máy cũ từ Pentium III trở về trước đều sử dụng SDRAM, còn các máy mới sau này là DDRAM, DDRAM2. Tốt nhất, khi muốn mua RAM để nâng cấp, nên mang thanh RAM theo để so sánh và mua đúng loại RAM cần dùng. Kết quả mang lại khi nâng cấp RAM là làm tăng khả năng xử lý các chương trình, nhưng không cải thiện đáng kể tốc độ chung của hệ thống.

Linh kiện tiếp theo mà người dùng chọn nâng cấp là đĩa cứng. Với nhu cầu lưu trữ dữ liệu ngày càng nhiều thì việc nâng cấp đĩa cứng là cần thiết. Việc chọn đĩa cứng để nâng cấp không khó khăn như chọn RAM, thường dùng nhất là đĩa cứng dạng ATA, nhưng cần lưu ý không nên chọn đĩa cứng có dung lượng lớn (vài chục GB) vì có khả năng mainboard quá cũ không nhận được toàn bộ dung lượng này.

CPU là linh kiện mà người dùng “khoái” nâng cấp nhất, bởi vì nâng cấp CPU là đẩy tốc độ chung của hệ thống lên cao... nhưng sẽ rất nguy hiểm nếu chưa biết các thông số của mainboard. Không phải loại mainboard nào cũng cho phép nâng cấp, hoặc nếu cho phép nâng cấp thì nâng cấp tốc độ tối đa đến một ngưỡng nào đó. Có thể nói đây là linh kiện khó nhất khi quyết định chọn nâng cấp. Cần phải xác định thật chính xác mainboard đang hỗ trợ loại CPU nào: slot, socket7, socket370, socket423, socket478,... tốc độ bus tối đa, điện thế cung cấp. Nếu không rõ thì nên hỏi các nhà chuyên môn trước khi quyết định.

Có thể toàn bộ máy tính của bạn sẽ hỏng hoặc mainboard, CPU bị cháy. Trong trường hợp muốn nâng cấp CPU lên tốc độ cao, vượt khả năng cho phép của mainboard là đồng nghĩa với việc bỏ luôn mainboard cũ, RAM, card màn hình (nếu có). Chẳng hạn mainboard đang dùng hỗ trợ CPU socket370 dành cho Pentium III, Celeron... muốn nâng cấp lên CPU Pentium IV. Có lẽ khi đó thuật ngữ nâng cấp không còn đúng nữa, nên thay bằng “thay thế” thì đúng hơn; khi thực hiện, phải bỏ đi CPU, mainboard, RAM, card màn hình (nếu rời), bởi vì CPU và mainboard cũ hỗ trợ socket370, RAM lại là SDRAM, card màn hình chỉ đạt tốc độ 2x, trong khi đó các thiết bị mới CPU, mainboard hỗ trợ socket 478 hoặc cao hơn là socket775, RAM sử dụng loại DDRAM, DDRAM2, card màn hình ở tốc độ 8x hoặc PCI Express. Còn các thiết bị khác có thể tận dụng sử dụng lại.

Để các chương trình đồ họa xử lý nhanh hơn, cũng như chơi được các game mới, hình ảnh sắc nét... cần phải nâng cấp card màn hình. Cũng như các linh kiện khác, cần quan sát loại card màn hình đang sử dụng: PCI hay AGP? Nếu là loại PCI thì có thể thay bằng một loại PCI bất kỳ; còn nếu là AGP thì phải biết được mainboard hỗ trợ những loại AGP nào: 2x, 4x, 8x? để chọn card màn hình thích hợp. Đơn vị tính dung lượng card màn hình là mega-byte (MB), dung lượng càng cao khả năng xử lý càng mạnh.

Mua mới khi nào, chọn sao cho ít bị “lỗi thời”?

Không nên tìm giải pháp để cố nâng cấp một máy tính quá cũ, tốc độ thấp cỡ Celeron, Pentium II lên Pentium III, thậm chí “ước vọng trèo cao” lên Pentium IV. Khi đó, chọn “mua mới” thay cho “nâng cấp” là kinh tế hơn.

Với sự thay đổi công nghệ hàng ngày, thiết bị ra đời sau tích hợp nhiều chức năng tiên tiến hơn thiết bị ra đời trước thì việc chọn máy tính để không bị “lỗi thời” là hơi khó nếu bạn thích sử dụng nhiều phần mềm mới, game mới. Do vậy, hiện nay khi đầu tư mua máy tính mới thì chỉ cần chọn cấu hình máy sao cho sử dụng được trong khoảng thời gian từ 3 đến 5 năm là tối ưu và kinh tế nhất, tránh trường hợp dành một khoản tiền quá lớn để mua máy tính tốc độ rất cao ở thời điểm hiện tại. Chẳng hạn: ở vào thời điểm năm 2000, những dòng máy tính Pentium IV đầu tiên có trên thị trường Việt Nam với giá rất cao, nhiều người đầu tư cho dòng máy tính này, nhưng bây giờ họ không thể nâng cấp, không thể tìm được linh kiện thay thế.

Tóm lại, máy tính cũng là một thiết bị điện tử, một vật dụng như bao thiết bị khác... nhưng đầu tư cho máy tính không phải là đầu tư một lần rồi sử dụng cho đến khi cất chúng vào nhà kho!