Sẽ tiến đến tự động chuyển mạng giữ số điện thoại

Công nghệ - Ngày đăng : 12:40, 04/05/2019

KHPTO – Mặc dù chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ khi so với số thuê bao của chính nhà mạng đang nắm giữ, nhưng sự trồi sụt các con số thống kê từ dịch vụ chuyển mạng giữ số (MNP) đang được các “ông lớn” viễn thông quyết liệt theo sát.

VinaPhone vững ngôi đầu

Theo một chuyên gia viễn thông, dù dịch vụ chuyển mạng giữ số không ảnh hưởng đến doanh thu của các nhà mạng do chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, nhưng các chỉ số MNP đang chính là “thước đo” sức hút cũng như chất lượng của nhà mạng trong mắt người dùng. Vì vậy, cuộc đua MNP ngày càng trở nên gay cấn hơn khi có những cuộc tăng tốc trong giai đoạn ngắn của các nhà mạng để giành vị trí dẫn đầu.

Theo thống kê của Cục viễn thông (thuộc Bộ thông tin và truyền thông), tính từ thời điểm bắt đầu thực hiện chuyển mạng giữ số (từ ngày 16/11/2018) đến nay, VinaPhone vẫn là nhà mạng nắm giữ vị trí số 1 về số lượng thuê bao đăng ký chuyển đến với 172.271 thuê bao, chiếm gần 43% trong tổng số 401.513 khách hàng đăng ký chuyển đến 5 nhà mạng tại Việt Nam. Trong khi đó, tỷ lệ thuê bao đăng ký chuyển đi khỏi mạng VinaPhone thấp hơn khá nhiều so với thuê bao chuyển đến, chỉ là 115.808 thuê bao.

Tỷ lệ thành công thuê bao chuyển đến/chuyển đi của VinaPhone cũng ở mức khá cao và cân bằng với 82% và 71,6%.

Tại cuộc họp giao ban quý 1 năm 2019, Bộ thông tin và truyền thông đã ghi nhận những nỗ lực của VinaPhone khi có tỷ lệ chuyển mạng thành công ở mức cao, trên 70%. Những chỉ số trên cho thấy, VinaPhone đang thành công trong cả 2 tiêu chí quan trọng nhất của chuyển mạng giữ số: thu hút khách hàng mới, giữ chân khách hàng cũ.

Ông Mai Đình Lân, một khách hàng lâu năm của VinaPhone cho biết không có ý định chuyển mạng. “Chuyển mạng giữ số là chính sách tốt và theo đúng cơ chế thị trường: tốt thì khách hàng ở, không hài lòng thì khách hàng đi. Nếu nhà mạng hiện tại đang cung cấp dịch vụ tốt, chất lượng mạng cao thì không có lý do gì phải chuyển mạng”, ông Lân nói.

Cuộc đua đường dài

Để giải quyết dứt điểm tình trạng giữ chân người dùng không cho chuyển mạng, bộ trưởng Bộ thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu: từ ngày 1/5/2019, Bộ thông tin và truyền thông sẽ ban bố chỉ tiêu kỹ thuật về chuyển mạng giữ số là 70%. Nhà mạng nào không đủ 70% thuê bao chuyển mạng thành công sẽ không đạt chỉ tiêu kỹ thuật. Khi đó, Bộ thông tin và truyền thông sẽ có biện pháp xử lý bằng việc tiến hành thanh tra doanh nghiệp.

Hiện sau 6 tháng thực hiện MNP, chỉ có 2 nhà mạng là VinaPhone và Viettel đạt tỷ lệ này với chỉ số lần lượt là 71,6% và 87,7%. Trong khi 2 nhà mạng còn lại là MobiFone và Vietnamobile sẽ phải nỗ lực để đạt ngưỡng 70%, do tỷ lệ của 2 nhà mạng này đang khá thấp, lần lượt là 61,8% và 51,8%.

Theo kế hoạch, tháng 8/2019 Cục viễn thông sẽ thực hiện chuyển mạng giữ số 100% bằng hình thức tự động thay vì cách làm thủ công bằng tay như hiện nay. Đặc biệt, khi người dân đăng ký chuyển mạng gặp trục trặc với nhà mạng quá thời hạn cho phép, nhà mạng chuyển đến sẽ được phép “nhảy vào” can thiệp. Với các biện pháp rắn này, sắp tới đây các nhà mạng sẽ khó chơi “chiêu” hoặc làm khó, giữ chân thuê bao như hiện nay. Cuộc đua MNP sẽ quyết liệt hơn, nhà mạng nào càng đưa ra được nhiều chính sách hấp dẫn về giá cước, chất lượng mạng cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng càng có cơ hội chiến thắng.

Trên thực tế, khách hàng rất nhạy bén trong lựa chọn “đi hay ở”. Vì thế, không phải ngẫu nhiên VinaPhone luôn duy trì được vị trí dẫn đầu số lượng thuê bao đăng ký chuyển đến, nếu tính đến thời điểm này.

Ngoài việc nhà mạng VinaPhone có nhiều gói cước linh hoạt, thì theo kết quả đánh giá trên Speedtest (công cụ đánh giá tốc độ Internet phổ biến nhất trên thế giới hiện nay), VinaPhone là nhà mạng có tốc độ 3G/4G nhanh nhất Việt Nam. Nhà mạng này cũng được bình chọn có chất lượng dịch vụ Internet băng thông rộng di động tiêu biểu trong “Cuộc khảo sát đánh giá mức độ hài lòng của người tiêu dùng về nhà mạng cung cấp dịch vụ 4G tại Việt Nam năm 2018” do tập đoàn dữ liệu quốc tế IDG thực hiện.

KIẾN MINH